Xuyên rừng gỡ bẫy

ĐNO - Trước nạn đặt bẫy, xâm hại động vật trên bán đảo Sơn Trà, lực lượng chức năng đã tổ chức các đợt tuần tra, truy quét nhằm xử lý các đối tượng vi phạm, tháo gỡ bẫy rừng, mang lại bình yên cho bán đảo.

Ảnh: XUÂN SƠN
Tổ tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng Sơn Trà gồm các cán bộ đến từ Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn, Đồn Biên phòng Sơn Trà và dân quân phường Thọ Quang. Trong ảnh: Thành viên tổ tuần tra đi vào rừng Sơn Trà từ phía tây nam của bán đảo.
Ảnh: XUÂN SƠN
Địa hình rừng phức tạp, có những lúc lực lượng tuần tra phải cúi khom người để di chuyển qua các lùm cây.
Ảnh: XUÂN SƠN
Tổ tuần tra xác định khu vực có bẫy thú thông qua bản đồ.
Ảnh: XUÂN SƠN
Một cán bộ kiểm lâm đang ghi lại tọa độ, độ cao, xác định vị trí bẫy thú và thao tác với máy định vị. 
Ảnh: XUÂN SƠN
Một bẫy thú dạng lồng sắt vừa được phát hiện.
Ảnh: XUÂN SƠN
Với loại bẫy lồng này, có thể bẫy dính các loài động vật như chồn, sóc, cầy, chim... 
Ảnh: XUÂN SƠN
Một loại bẫy phổ biến khác ở bán đảo Sơn Trà là bẫy dây rút. Bẫy được cấu tạo đơn giản bởi một sợi dây kẽm, một đầu dây buộc vào cành cây uốn cong, đầu còn lại uốn tròn làm thòng lọng. Bẫy được đặt dưới một hố đất nhỏ và phủ lá cây ở bên trên để ngụy trang.
Ảnh: XUÂN SƠN
Bằng mắt thường, rất khó để nhận biết loại bẫy dây này. Động vật bị dính bẫy sẽ bị sụp chân xuống hố, bị thòng lọng siết chặt và bị treo ngược lên cây và không thể thoát ra được.
Ảnh: XUÂN SƠN
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã tổ chức 36 đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng. Qua đó phát hiện tháo gỡ, tiêu hủy 1.370 dây bẫy bằng cáp nhỏ, 37 chuồng bẫy, 1 lồng bẫy bằng sắt, 1 bẫy kẹp, một số vật dụng (búa, kìm, võng,  bạt ni-lon, xoong, nồi...) và 8 mảnh lưới thép có kích thước 30x70cm.
Ảnh: XUÂN SƠN
Hoạt động tuần tra được thực hiện thường xuyên nhằm giữ gìn sự bình yên cho bán đảo Sơn Trà.

Theo Nghị định số 35/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp, hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng, giá trị của động vật rừng là tang vật vi phạm.

 XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.