Ngang qua mùa ruốc

ĐNO - Mùa ruốc biển (còn gọi là tép biển, tép moi) bắt đầu từ tháng 10 âm lịch năm trước đến hết tháng 3 âm lịch năm sau. Ở Đà Nẵng, cứ vào thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, bãi biển dưới chân bán đảo Sơn Trà lại rộn ràng không khí mua bán loài hải sản được coi như "lộc biển" này.

Ảnh: XUÂN SƠN
Những ngư dân thường dong thuyền đi xúc ruốc xuyên đêm, từ chiều tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau. Thuyền 3-4 lao động có thể xúc 400-700 kg ruốc mỗi đêm. Trừ chi phí, mỗi người kiếm từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/chuyến.
Ảnh: XUÂN SƠN
Những ngư dân xúc ruốc biển bằng cách bủa lưới loại mắt nhỏ, sau đó chong đèn suốt đêm để thu hút luồng ruốc tìm đến hoặc dùng thuyền di chuyển, nháy đèn pha và sử dụng một chiếc vợt lớn để xúc khi gặp luồng ruốc. 
Ảnh: XUÂN SƠN
Khi xúc được cơ số nhất định, thuyền lên bờ đổ ruốc cho người mua đợi sẵn. Ruốc được đưa lên bờ thông qua vận chuyển bằng thuyền thúng. 
Ảnh: XUÂN SƠN
Những thúng ruốc đầy ăm ắp báo hiệu một chuyến xúc ruốc suôn sẻ với ngư dân.
Ảnh: XUÂN SƠN
Ruốc có 2 loại: ruốc tươi và ruốc mắm, trong đó ruốc tươi là ruốc vừa xúc lên từ biển được bán sỉ với giá 30.000-40.000 đồng/kg.
Ảnh: XUÂN SƠN
 Ruốc mắm là ruốc được xúc từ chiều hôm trước được người mua chế biến thành ruốc khô hoặc mắm ruốc, giá 15.000-20.000 đồng/kg.
Ảnh: XUÂN SƠN
Ruốc sau khi sơ chế sạch sẽ có thể chế biến thành nhiều món ngon như xào, rang, nấu canh chua, làm mắm...
Ảnh: XUÂN SƠN
Nhiều thương lái đợi thuyền ruốc về bờ từ 5 giờ sáng, thu mua số lượng lớn để kịp cung ứng cho thị trường.
Ảnh: XUÂN SƠN
Bà Nguyễn Thị Bốn (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho hay: "Gia đình tôi có một thuyền đi xúc ruốc xuyên đêm. Năm nay ruốc tương đối nhiều nhưng có phần không bằng những năm trước. Dịch bệnh ảnh hưởng nên người mua ít hơn mọi năm, tuy nhiên vẫn cố gắng xúc ruốc để có thêm thu nhập sau Tết".

 XUÂN SƠN 

;
;
.
.
.
.
.