.

 

 

 

 

Nằm giữa trung tâm thành phố, bên dòng sông Hàn thơ mộng, di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải được các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là nơi chứa đựng những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, kiến trúc…, đặc biệt là chứng tích về cuộc chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược của quân và dân Đà Nẵng những năm 1858-1860.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thành Điện Hải được xây theo loại hình kiến trúc quân sự được du nhập từ châu Âu vào nước ta, trong giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX. Hiện trên cả nước còn lại không nhiều các di tích kiểu này và hầu hết không còn nguyên vẹn. Nếu không kể đến cố đô Huế thì thành Điện Hải chính là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn sót lại ở dải đất miền Trung.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây cũng là di tích quốc gia đặc biệt duy nhất tại Đà Nẵng. Thế nhưng, nơi đây đã có một thời gian dài bị lãng quên, bị xâm hại qua nhiều thời kỳ với nhiều lý do khác nhau.

Với những nỗ lực của Đà Nẵng thời gian gần đây trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích này, thành Điện Hải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Khi trao đổi về di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huỳnh Văn Hùng chia sẻ: “Đã có một số di tích ở nước ta bị xâm hại do không có quan điểm, kiến thức trùng tu, tôn tạo vững vàng. Do đó, Đà Nẵng đã rút kinh nghiệm và hết sức thận trọng trong việc triển khai các chủ trương bảo tồn, trùng tu di tích thành Điện Hải.

Trước hết, dự án trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải sẽ khôi phục nguyên trạng hệ thống tường trong, tường ngoài và hồ nước. Những yếu tố hiện không còn tồn tại sẽ phải tổ chức hội thảo khoa học, sưu tập tài liệu làm cơ sở để trùng tu. Việc bảo tồn di tích sẽ cố gắng phục hồi những yếu tố gốc, yếu tố vốn có của di tích, tuyệt đối không tùy tiện làm biến dạng yếu tố gốc của di tích”.

 

 

Từ chia sẻ của vị lãnh đạo ngành văn hóa thành phố, chúng tôi đặt chân đến công trình trùng tu thành Điện Hải vào trung tuần tháng 9-2018. Dọc những bức tường thành xưa cũ có tuổi đời gần 200 năm, những người thợ già có, trẻ có đốc thúc nhau làm việc. Người lo trát nốt phần vữa, người xếp gạch, người chuẩn bị bạt để che phủ công trình trước khi cơn mưa kéo đến.

Ở khu vực sau lưng thành giáp với khu dân cư, một tốp thợ khác đang chăm chú tráng bê-tông, làm phẳng phần nền và xây bờ bao cho bồn hoa.

Họ chính là đội ngũ thợ trực tiếp tham gia trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải. Nơi đây, có hơn 40 người thợ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, nói nhiều chất giọng khác nhau. Có người sinh ra và lớn lên ngay tại Đà Nẵng, người đặc sệt giọng Nghệ An, người đến từ Huế, người lại rặt giọng Quảng Nam, người mang giọng miền Tây chân chất… Thế nhưng, tất cả đều đang hòa chung tâm huyết, sức lực cho công cuộc trùng tu, tôn tạo một di tích quốc gia đặc biệt.

Là một trong những người thợ lớn tuổi tại công trình, ông Lê Văn Bé (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) năm nay đã gần 60 tuổi nhưng vẫn thoăn thoắt đẩy từng xe gạch nặng lên dốc.

“Cũng cùng một việc là xây dựng, nhưng làm ở đây khác với làm nhà, làm công trình dân dụng bên ngoài. Công việc rất khó nhưng cũng rất hay. Khó là mình phải học cách trùng tu một di tích sao cho vẫn giữ nguyên hiện trạng. Hay là bởi làm việc với một di tích, mình có nhiều cảm xúc hơn vì nó mang tính lịch sử và những câu chuyện đằng sau”, ông Bé cho biết.

 


Anh Đinh Văn Định (đến từ Nghệ An) chia sẻ, khi trùng tu, tôn tạo di tích, bắt buộc phải dùng nguyên liệu đã được quy định, làm đúng theo bản vẽ để giữ nguyên trạng di tích và tuyệt đối phải có sự giám sát thường xuyên bởi các chuyên gia từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành.

“Khác với những di tích như tháp Chăm hay lăng tẩm, việc trùng tu thành Điện Hải giai đoạn 1 cơ bản là việc xây, đắp gạch chứ không phải chạm trổ phức tạp. Tuy nhiên, do tính chất lịch sử của di tích mà chúng tôi phải vừa làm vừa quan sát hiện trạng di tích trong quá trình thi công. Nếu phát hiện ra dấu vết, đặc điểm nào đó trong quá trình đào móng, thi công thì phải báo cáo với chuyên gia xem xét, nghiên cứu lại”, anh Định cho biết thêm.

Ở công trường trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải, những người thợ như ông Bé, anh Định thường gọi anh Hồ Kim Lợi - cán bộ của Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung là “sư phụ”, bởi anh Lợi là người có kiến thức chuyên môn về bảo tồn di tích và chính anh tham gia tư vấn, hướng dẫn những người thợ thực hiện công trình theo hướng vừa bảo đảm tiến độ, vừa giữ được hiện trạng cho di tích.

Hòa mình vào công việc chung với những người thợ, anh Lợi di chuyển liên tục giữa những đoạn tường thành. Vừa bắt gặp anh có mặt ở khu vực tường hào trước cổng Bảo tàng Đà Nẵng, một lúc sau lại thấy anh ở hệ thống tường thành phía nam đốc thúc, hướng dẫn những người thợ làm cho đúng.

 

 

 

Đối với việc khôi phục nguyên trạng thành Điện Hải, anh Lợi cho biết hệ thống kết cấu và vật liệu của di tích chính là những điều cần được tuân thủ khi thi công. Theo đó, công trình này bắt buộc phải sử dụng gạch thủ công. Khác với gạch xây dựng thường thấy, loại gạch này làm bằng đất sét nguyên chất, không pha lẫn với các nguyên liệu khác và được nung hoàn toàn bằng củi.

Khi ấy, viên gạch sẽ “chín” từ từ, không bị nứt hay cong vênh và có độ bền trước khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Trong khi đó, gạch sản xuất theo dây chuyền ở các nhà máy sẽ dễ bị cong vênh khi nhiệt độ thay đổi, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

“Những viên gạch thủ công khi xây tường luôn luôn toát lên được cái hồn, mộc mạc, cổ kính, khi được “áp” vào công trình sẽ bảo đảm đúng “cái tính di tích”, hiện lên được hình ảnh của di tích quốc gia thành Điện Hải. Đó là điều mà chúng tôi chưa thể tìm thấy được ở những viên gạch sản xuất công nghiệp, “vuông thành sắt cạnh”. Nếu dùng loại gạch ấy, thành Điện Hải sẽ không còn là thành Điện Hải nữa”, anh Lợi chia sẻ.

 

 

 

Chính vì tính chất đặc biệt của thành Điện Hải, mà những người tham gia trùng tu, tôn tạo - trong đó những cán bộ và những người thợ đã, đang và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di tích. Chia sẻ với chúng tôi, họ gọi vui công việc của mình là “giữ hồn cho di tích”.

 

 

Để có thể làm việc trực tiếp ở thành Điện Hải nói riêng và các hệ thống di tích nói chung, những người như anh Lợi phải có chứng chỉ hành nghề trùng tu di tích do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp. Theo đó, muốn được cấp chứng chỉ và chứng nhận hành nghề thì cá nhân, đơn vị phải trải qua nhiều thủ tục, trong đó có điều kiện là phải tham dự khóa bồi dưỡng về kiến thức trùng tu di tích do cơ quan có thẩm quyền đào tạo, cụ thể là Viện Bảo tồn di tích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chính vì vậy, khi tham gia trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải, anh Lợi xem đây là dịp để mình được thực hiện đúng trách nhiệm của một cán bộ trùng tu. Những kiến thức anh học được từ đợt tập huấn, từ những lần theo chân những nhà nghiên cứu, khảo sát công trình, đo vẽ hiện trạng ở các di tích hay những chuyến học hỏi kinh nghiệm bảo tồn tại Angkor Wat của Campuchia hay Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc giúp ích cho anh rất nhiều trong công việc hiện tại.

 

 

Trong khi đó, với những người thợ trùng tu ở thành Điện Hải, kiến thức về di tích là điều mà không phải ai cũng nắm vững, cũng có điều kiện biết đến. Thế nên khi bắt tay vào trùng tu di tích, họ được cán bộ hướng dẫn cách sử dụng gạch, cách đặt gạch, cách xây vữa cũng như thi công sao cho đúng với nguyên trạng của thành. 

“Việc học hỏi của những người thợ được diễn ra ngay tại công trường, đó là những chia sẻ từ thực tế chứ không phải từ sách vở. Mọi thao tác, công đoạn cơ bản đều được hướng dẫn trực tiếp theo ý kiến của chuyên gia trước đó. Quy trình tuần tự sẽ là ý kiến chuyên gia triển khai, cán bộ chuyên viên phụ trách theo đó mà hướng dẫn thợ. Làm nhiều lần, họ sẽ quen và “lên tay nghề”, anh Lợi cho biết.

Đồng hương với anh Định là ông Nguyễn Văn Thao chia sẻ: “Làm việc ở nơi này, cái khó đầu tiên là kiến thức, bởi thợ nề như chúng tôi ban đầu không ai nắm về di tích cả, nên phải vừa làm vừa học hỏi theo các chuyên gia. Cái khó thứ hai là phải có sự “ăn ý” giữa anh em với nhau, một người đắp sai, xây sai một viên gạch cũng không được”.

“Thời gian đầu, tôi cũng lóng ngóng, mặc dù đã quen với việc xây dựng trước đó. Vừa làm mà cứ… lo lo, sợ sợ. Lo rằng nhỡ mình làm chưa đúng thì “hại” cả di tích. Vậy nên cố gắng làm, cái gì không nhớ thì nhờ anh em chỉ lại hoặc nhờ cán bộ hướng dẫn cụ thể thêm. Dần dần, tôi cũng quen với việc này”, ông Thao cho biết.

 

Với tiến độ 6 tháng thực hiện dự án giai đoạn 1, ông Lê Văn Bé vẫn nhớ những đêm ông và các “đồng nghiệp” phải làm việc đến tận khuya, có khi là 1-2 giờ sáng để kịp tiến độ. “Sợ nhất là đang làm mà trời mưa, lại phải căng bạt để che phủ các lớp gạch, lớp vữa vừa trát, chống thấm nước cho mấy bức tường thành. Bởi chỉ cần bị ướt thì công sức của mình thành công cốc, hôm sau phải làm lại và tiến độ sẽ bị chậm đi”, ông Bé kể lại.

Dù công việc có phần vất vả, thế nhưng những người thợ và cán bộ tại đây dường như chưa khi nào than phiền về công việc mình làm. Trong số này, ông Lê Văn Bé có lẽ là người có nhiều cảm xúc nhất khi thi công công trình. Ông chia sẻ, mình luôn mang theo niềm tự hào về công việc của một “người con Đà Nẵng” vào trong từng viên gạch, nhát vữa.

Là người Đà Nẵng, ông Bé đã “thấm thía” ý nghĩa của thành Điện Hải với cuộc chiến chống Pháp của quân và dân Đà Nẵng vào 160 năm trước qua chuyện kể của thế hệ trước, của các chuyên gia văn hóa – lịch sử.

“Trong quá khứ, thành Điện Hải đã có thời gian bị quên lãng, bị xâm hại. Nhiều người dân Đà Nẵng như tôi khi ấy cũng không nắm được nhiều thông tin về di tích này. Cho tới khi trực tiếp làm việc, ăn, ngủ ngay dưới chân thành này, được trực tiếp chạm vào từng thớ gạch cổ, chạm vào từng khẩu súng thần công, tôi mới hiểu vì sao các chuyên gia văn hóa lại trân quý nó đến như vậy, bởi đây là những chứng tích lịch sử quý giá còn sót lại của một thời kỳ đầy anh dũng”, ông Bé tâm sự.

Ông Bé nhắc lại khoảnh khắc ông cho là thiêng liêng, khi ông lần đầu tiên đặt viên gạch thủ công được trát vữa lên trên một đoạn thành, với ý nghĩa góp sức vào việc tôn tạo di tích. Trong điện thoại ông lúc nào cũng có những hình ảnh chụp ông và những người thợ tươi cười dưới chân thành Điện Hải, ông bảo đó sẽ là kỷ niệm, để sau này khi dự án hoàn thành, ông sẽ tự hào khoe với con cháu rằng mình đã từng tham gia trùng tu, tôn tạo một di tích đặc biệt cấp quốc gia. 

 

 

Trong khi ấy, anh Định lại nghĩ về chuyện tâm linh. Anh cho rằng, ở thành Điện Hải, anh cảm nhận được không khí linh thiêng của một di tích cổ. Dù chỉ là “cảm nhận”, nhưng chính không khí ấy khiến anh và đồng nghiệp luôn cảm thấy tự hào khi là một phần trong một dự án lớn.

“Tôi không phải người dân địa phương, chỉ biết về thành Điện Hải trước đó qua báo đài. Chỉ khi bước chân vào công trình, mới thấy sự tách biệt giữa cổ xưa và hiện đại, mới thấy cái áp lực với chính mình. Tuần đầu tiên làm việc, tôi đã phải liên tục hỏi đi hỏi lại các cán bộ rằng “xếp gạch như vậy đã đúng chưa?”, “căng bạt như thế này đã hợp lý chưa?”, anh Định nhớ lại.

 

 

Trải qua quá trình làm việc, anh Định tự hào khoe với chúng tôi rằng bản thân đã biết thêm được những kiến thức mới về lịch sử, điều mà ngày trước anh chưa có dịp biết tới. Trong đó, có câu chuyện “Đồi hài cốt chứa ngàn thánh giá” nói về nghĩa địa Y-pha-nho trên bán đảo Sơn Trà - nơi chứa hài cốt của những binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử trận trong trận chiến với quân và dân Đà Nẵng; có hình ảnh một Đà Nẵng ngày xưa với nhiều thành, đồn bốt nhưng nay đã mất dần…

“Trong quá trình làm việc với các chuyên gia, tôi được biết có nhiều di tích trên cả nước đã bị hư hại, thay hình đổi dạng số với ban đầu do anh em thợ làm chưa tốt, chưa nắm vững kiến thức. Do đó, mọi người khích lệ nhau, cố gắng làm sao cho thành Điện Hải vẫn giữ được đúng nguyên trạng và bền vững với thời gian. Bởi nếu di tích có vấn đề gì sau này, chính bản thân chúng tôi cũng sẽ mất uy tín”, anh Định cho hay.

Là người tiếp xúc với nhiều di tích, với anh Lợi, thành Điện Hải vẫn luôn chiếm một phần đặc biệt trong tâm trí người cán bộ văn hóa gốc Huế. “Ở thời điểm tháng 5-2018, sau khi phát lộ được nhiều đoạn tường hào và nền móng tường hào dưới nền nhà dân, chúng tôi và anh em thợ cũng chợt thấy gì đó hơi chạnh lòng khi những giá trị lâu đời vô tình đã bị chìm lấp theo thời gian. Việc trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải lúc này có lẽ sẽ là dịp để chúng ta “sửa sai”, trả lại một Điện Hải như nó đã từng”, anh Lợi chia sẻ.

“Từng đoạn móng, từng đoạn tường thành đều phải tuân theo kết cấu, nguyên trạng mà làm. Nếu không, sẽ có lỗi với di tích, với tiền nhân, với những người đã ngã xuống trong cuộc chiến 160 năm trước tại Đà Nẵng”, anh Lợi nhấn mạnh với chúng tôi và những người thợ bằng giọng chắc nịch.

 

 

Chia sẻ về công việc của những người làm công tác trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt này, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện nói:“Những viên gạch ở thành Điện Hải đã thấm đẫm những giọt mồ hôi của những người trực tiếp làm công tác trùng tu, tôn tạo. Họ nâng niu từng viên gạch, gọt từng lớp hồ, tôn tạo lại giá trị mà thành Điện Hải ngỡ chừng đã mất và đó là việc làm đáng được trân quý”.

Đội ngũ ấy đa số là những thành viên đến từ đơn vị trùng tu tại Thừa Thiên Huế, cụ thể là Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung. Từ Huế, họ vào Đà Nẵng thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo một di tích quốc gia đặc biệt như thành Điện Hải.

Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, chất lượng tay nghề chuyên môn của đội ngũ đến từ Thừa Thiên Huế xưa nay luôn được xem là tốt nhất nhì trên cả nước. Chính vì vậy, sự có mặt của họ tại thành Điện Hải là một sự “chọn mặt gửi vàng” của thành phố đối với di tích quan trọng này.

 

 

Bên cạnh đó, cũng có một sự thật cần được nhìn nhận, đó là tại Đà Nẵng hiện nay đang thiếu vắng những đội ngũ nhân lực cho công tác trùng tu, bảo tồn di tích.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, việc thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích thực hiện theo Luật Di sản văn hóa, Nghị định 70/2012/NĐ_CP của Chính phủ, Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, tất cả các đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện công tác trùng tu đều phải có chứng chỉ hành nghề trùng tu di tích do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp (nay đã ủy quyền cho Sở Văn hóa và Thể thao cấp). Tuy nhiên, tính từ năm 2017 đến nay, toàn thành phố chỉ có một đơn vị được cấp chứng chỉ hành nghề.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ cho biết, trong những năm qua, tại Đà Nẵng đã có những cá nhân, đơn vị tham gia vào lĩnh vực trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, số lượng còn ít so với những địa phương khác.

 

 

 

“Bên cạnh thành Điện Hải, Đà Nẵng không có nhiều di tích và quy mô các di tích này cũng không lớn như những địa phương khác, hiện tại ước tính thành phố có khoảng 15 di tích. Trong khi đó, những đơn vị trong lĩnh vực trùng tu ở thành phố chúng ta vẫn còn non trẻ về kinh nghiệm và nhân lực”, ông Hà Vỹ nói.

Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã khuyến khích các đơn vị của thành phố có liên doanh với các đơn vị ở nơi khác tạo điều kiện, cử nhân lực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về di tích.

“Bản thân các đơn vị nói trên cũng đang cố gắng hoàn thiện chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm làm việc với các di tích. Phải thừa nhận là nhân lực trùng tu của chúng ta đang đi sau các địa phương khác một bước, tuy nhiên điều gì cũng phải cần thời gian và chắc chắn lực lượng này sẽ dần lớn mạnh để phát triển công tác bảo tồn di tích tại thành phố trong tương lai gần”, ông Hà Vỹ cho hay.

Trong cuộc trò chuyện tại thành Điện Hải, anh Lợi chia sẻ với chúng tôi: “Đà Nẵng hiện nay đã có một số di tích tiêu biểu bên cạnh thành Điện Hải như Chăm Phong Lệ, Bảo tàng Chăm và cả Hải Vân Quan. Trong đó, di tích Chăm Phong Lệ và một phần Hải Vân Quan vừa được phát lộ cũng đem lại những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa”.

Hy vọng trong tương lai không xa, khi những di tích kể trên được triển khai bảo tồn, trùng tu, Đà Nẵng sẽ có những đơn vị, cá nhân có chuyên môn, góp sức vào công tác bảo tồn di tích nói chung trên địa bàn thành phố.


 

;
;
.