.

 

Chỉ còn tiếng gió ùa qua tán cây, tiếng lá rụng xào xạc dưới chân, tiếng sóng biển vang vọng sau lưng và tiếng thở dốc của con người khi băng qua được một con dốc chênh vênh giữa bán đảo Sơn Trà. Ở đây, cả một loạt địa danh: Ghềnh Bàng, Mũi Nghê, suối Ôm, Bàn Cờ… được những thành viên của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn (gọi tắt là hạt) thuộc nằm lòng.

Toàn bộ đơn vị chưa tới 10 người nhưng phải quản lý cả khu vực rộng lớn gồm bán đảo Sơn Trà và cả hệ thống rừng nằm rải rác của quận Ngũ Hành Sơn. Hạt trưởng Trần Thắng đưa ra con số, tính tới hết tháng 11-2019, đơn vị có gần 60 đợt truy quét, bảo vệ rừng, 282 đợt tuần tra giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy rừng và 30 đợt tuần tra đêm nhắc nhở du khách trên bán đảo, tiếp nhận và thả về tự nhiên hơn chục trường hợp động vật dính bẫy… Chưa kể nhiều trường hợp tham gia phối hợp cứu hộ du khách và xử lý các trường hợp cơi nới, xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà.

So với những đơn vị kiểm lâm khác của thành phố nằm sâu ở vùng cách trở hẻo lánh như Trạm Kiểm lâm cửa rừng Tà Nô hay Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông, lực lượng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn có lợi thế là gần khu vực nội thị, nhưng lợi thế đó vô tình khiến công tác quản lý trở nên khó khăn do người dân và du khách dễ dàng tiếp cận rừng.

Nhắc tới rừng Sơn Trà, nhiều người trong ngành kiểm lâm nói chung và những cán bộ ở hạt nói riêng vẫn không thôi nhớ về câu chuyện năm 2016 như một mảnh ký ức buồn. Đó là vụ việc phá rừng sản xuất ở bán đảo Sơn Trà, ban lãnh đạo kiểm lâm ở khu vực đòi hỏi có sự “thay máu” sau khi Hạt trưởng và Hạt phó ở thời điểm đó đồng loạt bị cách chức. Ký ức vẫn còn, nhưng đã cũ. Những người ở lại, những người mới lên nắm nhiệm vụ mang thêm áp lực nhưng lấy đó làm bài học để sửa đổi.

Anh Nguyễn Hữu Vinh, kiểm lâm viên của hạt có 10 năm đi-về trên những cánh rừng xuyên bán đảo, chia sẻ: “Việc quản lý người lên xuống trên bán đảo Sơn Trà đã có thời điểm cực kỳ khó khăn, đặc biệt trước thời điểm thành phố triển khai cấm xe tay ga. Du khách và người dân lên bán đảo chơi rồi tự do xâm nhập rừng, bắt động vật hoang dã, đốt lửa… Lực lượng của đơn vị thì mỏng nên dù canh, trực thường xuyên cũng không xử lý được kịp thời”.

 

Hạt trưởng Trần Thắng chia sẻ thêm: “Nhiều vụ việc như cháy rừng hoặc cứu hộ du khách trên bán đảo, lực lượng kiểm lâm phải tham gia hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị khác như Biên phòng, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Ngay cả việc du khách bị tai nạn ở đây, người ta cũng gọi kiểm lâm đến sơ cứu. Mưa bão, cây đổ trên Sơn Trà thì anh em có thêm nhiệm vụ dọn dẹp, túc trực…”. 

Những vụ việc du khách mất tích, mất liên lạc trên Sơn Trà đòi hỏi cả một hệ thống lực lượng phối hợp tìm kiếm, ứng cứu. Ở đó, kiểm lâm có vai trò như hoa tiêu, thông đường cho các lực lượng khác, bởi không ai nắm địa hình rõ hơn họ. “Cái khó là các vụ việc như du khách đi lạc hay cháy rừng hầu hết lại xảy ra vào ban đêm, thời điểm khó kiểm soát nhất. Bây giờ nhờ sự siết chặt của các cơ quan chức năng nên cháy rừng đã giảm, không có những vụ cháy lớn suốt nhiều năm. Riêng ở địa bàn Thọ Quang, độ che phủ rừng ổn định ở mức 73,8%”, ông Thắng cho biết.

Một công việc mà kiểm lâm thường xuyên thực hiện là đi phá bẫy hoặc phối hợp xử lý các trường hợp đặt bẫy trái phép ở Sơn Trà. Anh Nguyễn Hữu Vinh cho hay, các đối tượng hay sử dụng bẫy dây thay vì bẫy kẹp, loại bẫy này khó phát hiện và chỉ có thể được nhìn thấy thông qua con mắt nghiệp vụ của người tuần rừng lâu năm.

Việc đi tuần được thực hiện hằng ngày. Công tác quản lý rừng của kiểm lâm ở bán đảo Sơn Trà được thực hiện 24/24 giờ và gần như không có ngày nghỉ. Như anh Vinh, có lúc đã phải “khóa cửa để con ở nhà” khi anh đi trực ở rừng còn vợ anh đi trực ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Anh Vinh kể, hành trang của mỗi người trong những chuyến đi gồm máy định vị, bản đồ, dụng cụ hỗ trợ, bánh mì, lương khô và nước uống. Trong những buổi đi tuần như thế, họ nhiều phen rơi nước mắt, chạnh lòng trước hình ảnh máu tứa ra từ chân, từ mình những cá thể động vật bị tai nạn do xe cán hoặc dính bẫy, để rồi xót xa, cay cay mắt… Trong tư liệu của đơn vị, những hình ảnh như thế không ít, vô hình trung trở thành áp lực của bản thân họ trong việc giữ rừng.

Nghe lực lượng kiểm lâm kể chuyện đi tuần rừng, chúng tôi bất chợt nhìn xuống đôi giày của anh Vinh đã bị mòn đi nhiều phần, mòn tựa chiếc lốp xe máy cũ dựng ngoài trụ sở đơn vị. Ở đây, có người tay, chân nổi vết, được anh em đơn vị gọi đùa là người “nở hoa”, đó là những vết cắn của côn trùng trong rừng. Có người từ rừng về, chỉ cho chúng tôi xem con vắt no ụ máu dưới chân mà cười, bảo “quen rồi!”.


Kỷ niệm đẹp được anh Vinh kể trong quá trình công tác, đó là cảm hóa được những người dân từng sai phạm với rừng. Quay đầu là bờ, có thể kể đến người đàn ông tên Mỹ (anh Vinh không nhớ rõ họ) từng một phen “quậy rừng”, nay đã trở thành “cộng tác viên” đắc lực của lực lượng kiểm lâm trong việc bảo vệ rừng, nhặt rác quanh bán đảo Sơn Trà.

“So với 10 năm trước, Sơn Trà vẫn đang phát triển về cả hệ động, thực vật và cảnh quan. Tôi đã đi qua nhiều cánh rừng, công tác ở nơi khác trước khi về Đà Nẵng và thấy không đâu đẹp và trong lành như bán đảo nơi mình. Chỉ mong người dân, du khách có ý thức giữ rừng, không xâm phạm đời sống động vật hoang dã, giữ gìn nơi này mãi là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng”, anh Vinh chia sẻ.

 

Chuyên gia Linh trưởng Vũ Ngọc Thành đặt chân đến Đà Nẵng lần đầu tiên vào năm 1994, năm ông tròn 40 tuổi. Đó là lần đầu tiên ông bắt tay tìm hiểu, điều tra thông tin về loài voọc, dù đã có quãng thời gian nghiên cứu về các loài họ khỉ từ năm 1972. Trước đó, ông đọc được một báo cáo về khảo sát đa dạng sinh học ở Đà Nẵng có nội dung “Voọc chà vá đã không còn!”. “Đọc xong thì rất lo lắng. Tôi cùng một chuyên gia người Mỹ vào Đà Nẵng, lên Sơn Trà để tìm hiểu thông tin này nhưng không thu được kết quả cụ thể…”, ông nhớ lại.

Niềm tin về sự tồn tại của voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà của chuyên gia Vũ Ngọc Thành được nhen nhóm, khi ông trở lại Đà Nẵng vào năm 2005. Năm ấy, ông được lực lượng kiểm lâm cho xem tận mắt bộ da của một cá thể voọc chà vá chân nâu bị người dân sát hại và lột da. “Có bộ da này, chứng tỏ loài voọc vẫn còn tồn tại, vẫn xuất hiện đâu đó trên bán đảo Sơn Trà chứ không hề tuyệt chủng như nhiều thông tin trước đó!”, ông cho biết. Một năm sau đó, ông cùng nhiều chuyên gia từ Hà Nội và Đà Nẵng chia làm 3 đoàn lặn lội lên Sơn Trà một lần nữa để tìm voọc. Chuyến đi ấy đã thu về nhiều hình ảnh chân thực về loài voọc chà vá chân nâu ngỡ chừng đã tuyệt chủng ở bán đảo Sơn Trà, mở đường cho nhiều dự án bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm sau này.

 

Làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm Giám đốc Tổ chức bảo tồn voọc vá (Douc Langur Foundation, Hoa Kỳ) tại Việt Nam, ông Thành cùng các cộng sự đã có nhiều nghiên cứu tỉ mỉ về voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà.

Qua đó, họ nhận thấy, voọc sử dụng tới 250 bộ phận cây của khoảng 200 loài thực vật trên bán đảo Sơn Trà để làm nguồn thức ăn. Chính sự đặc trưng về các yếu tố vi lượng phong phú trong thức ăn và môi trường sống đã giúp voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà có màu sắc sặc sỡ riêng và kích thước lớn hơn ở nơi khác, trở thành “nữ hoàng linh trưởng” và là linh vật không chỉ của riêng bán đảo này.

Theo ông, Sơn Trà là nơi duy nhất trên thế giới có thể quan sát được voọc dễ dàng ngoài thiên nhiên. Ông nói: “Nếu lên Sơn Trà vào buổi sáng thì có thể dễ dàng quan sát voọc bằng mắt thường, thậm chí có thể chụp bằng điện thoại”. Nhưng phát hiện thì dễ, công việc khó là bảo tồn và phát triển đàn. Đó là cả một quá trình dài hơi của các chuyên gia, với hàng loạt câu hỏi: Bao nhiêu cá thể? Ranh giới sinh sống ra sao? Voọc hay ăn gì? Cấu trúc đàn ra sao?...

Ngay cả chuyện ăn uống của voọc đã rất nhiêu khê, ông Thành kể: “Voọc ăn như nào? Đó là câu chuyện mà chúng tôi nghiên cứu 15 năm nay chưa xong hết. Có những cây năm nay thì thấy nó ăn lá, sang năm thấy nó ăn quả, năm nữa lại thấy nó ăn hoa. Có những cây tưởng có độc như cây bạch đàn nhưng nó ăn bình thường…”.

Việc nghiên cứu này, theo ông là để giúp lực lượng chức năng chủ động được việc cứu hộ linh trưởng và di chuyển đàn đến khu vực phù hợp khi cần. Mà để thu về kết quả cụ thể, người nghiên cứu phải “tìm trong im lặng” để tránh làm voọc kinh động mà bỏ chạy, ngụy trang trong tư thế “muỗi cắn cũng không dám gãi”, lần theo dấu thức ăn, dấu phân thải rơi vãi của voọc để lại và có khi phải… ăn đồ thừa và nhặt phân của chúng để biết đó là thứ quả gì, lá gì…

Mỗi chuyến đi theo dấu “những đứa con của rừng” ấy có khi gói ghém cả nước mắt. Ông Thành và cộng sự đã chứng kiến hai cá thể voọc được người dân nhốt chung với chó, mèo, gà… trong một khu chuồng bé tí giữa một căn bếp khói um. Khi có người đến vận động dân giao nộp thì hai cá thể này đã chết, do không được ăn uống ổn định và bị “bắt nạt” bởi chó nhà.

Hay cách đây vài năm, ở Sơn Trà có một cá thể voọc bị chém trọng thương ở xương bánh chè được chăm sóc trong 3 tháng, nhưng đã tử vong sau khi được thả về tự nhiên. Rồi chuyện hai mẹ con voọc bị người dân nhốt lâu ngày, được nuôi bằng sữa và chuối, và cũng vì cho ăn sai cách nên hai cá thể này cũng qua đời nhanh chóng.

Đó là những kỷ niệm buồn đan xen trong hành trình theo chân những đàn voọc của chuyên gia Vũ Ngọc Thành. Ông nói: “Người Việt Nam hay có suy nghĩ là người ăn gì thì cho động vật ăn nấy. Riêng voọc rất khó nuôi, cho ăn sai cách là rất nguy hiểm và chúng rất dễ tử vong. Nhiều lần công tác, chúng tôi cùng lực lượng kiểm lâm đã phải nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân bàn giao chúng cho nơi có chuyên môn sâu chăm sóc và hướng dẫn họ thông tin cần thiết để cứu trợ voọc sau này”.

 

Hàng chục năm gắn bó với rừng, xuyên suốt những cánh rừng từ Sơn Trà, Tây Nguyên, Quảng Nam, Nam Cát Tiên…, chuyên gia Vũ Ngọc Thành đã tham gia cứu hộ nhiều trường hợp linh trưởng dính bẫy, tai nạn hoặc bị bỏ rơi trong bụi. Ông chỉ xuống đầu gối mình, nơi đã từng vỡ làm 3 mảnh do một cú trượt chân giữa rừng Quảng Nam. Hay cú đạp bẫy thòng lọng làm máy ảnh văng xa còn người thì bị treo ngược lên giữa rừng…

Nhiều năm gắn bó với bán đảo Sơn Trà, ông Thành mong muốn công tác bảo tồn thiên nhiên ở đây nói riêng và nhiều nơi nói chung luôn được gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. “Phải giữ được đàn voọc và môi trường sống của chúng ở bán đảo này. Đây là nơi có những đàn voọc có số lượng lớn nhất thế giới và môi trường thuận lợi. Nếu sau này, voọc ở các nơi khác có tuyệt chủng thì Sơn Trà sẽ là nơi mà chúng ta có thể nghiên cứu để phát triển đàn trở lại”.

 


 

;
;
.