.

 

 

 

 

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh (CCB), Đoàn Thanh niên cùng các sở, ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo với mô hình “Trường học xanh”,…; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố với “Mái nhà xanh”, “Đoạn đường tự quản - Ngõ phố nở hoa”,…; Hội CCB với “Đoạn đường An toàn, Văn minh, Xanh - sạch - đẹp”;… Các mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến trong hành động của người dân.

Trong đó, phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp được các hội, đoàn thể, khu dân cư duy trì thường xuyên và tích cực. Đây là phong trào được triển khai trước khi thành phố ban hành đề án, là một trong những nhiệm vụ được yêu cầu triển khai có hiệu quả.

 

Các hoạt động diễn ra trong Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp như: dọn vệ sinh khu dân cư, phát quang; trồng cây; nhặt rác tại bãi biển, các điểm du lịch…và lồng ghép hoạt động thu gom, phân loại rác tại nguồn. Đến nay, phong trào đã đi vào cuộc sống của người dân thành phố.

Bà Ngô Thị Nguyệt (hội viên Chi hội Phụ nữ 13, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cho hay, hàng chục năm qua, các thành viên trong Chi hội luôn tích cực tham gia hưởng ứng phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp.

Nhờ sự tuyên truyền, nêu gương của Chi hội Phụ nữ, nhận thấy những lợi ích về sức khỏe và tinh thần khi môi trường sống xanh - sạch - đẹp, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong khu dân cư ngày càng nâng cao và trở thành nền nếp.

 

Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 90%, đến năm 2030 đạt 100%, thời gian qua, công tác phân loại rác tại nguồn được tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân.

Hoạt động thu gom rác tái chế, tạo nguồn quỹ phục vụ an sinh xã hội đã trở thành điểm sáng, tạo động lực để người dân thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Năm 2022, hoạt động này được một số quận thực hiện với kết quả đáng ghi nhận như: quận Hải Châu (gần 644 triệu đồng), quận Thanh Khê (583 triệu đồng),… Đây cũng là nội dung của một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của Đề án về “Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường”.

Tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu), 5 năm qua, người dân đã quen với hình ảnh nhiều em nhỏ 5-14 tuổi, thành viên của CLB Môi trường nhí đến từng nhà thu gom, phân loại rác tái chế vào cuối tuần.

Đến nay, số tiền thu được từ hoạt động bán rác hơn 200 triệu đồng (tính từ tháng 1-2018 đến hết tháng 6-2023), được sử dụng vào các hoạt động như: tặng quà cho người có công; người khuyết tật, đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hoạt động vui chơi, khen thưởng học sinh giỏi. 

 

Ông Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ khu dân cư Bình Phước 1 (phường Thuận Phước), người sáng lập CLB Môi trường nhí chia sẻ: “Trước đây phân loại rác thải còn lẻ tẻ, nay nhờ có hoạt động của CLB mà gần như 100% hộ gia đình trong khu dân cư đều thực hiện, có nhiều cụ già vẫn gom rác tài nguyên để ủng hộ các cháu hằng tuần nên số tiền thu được ngày càng tăng.

Điều hạnh phúc nhất là các cháu biết quý trọng rác, xem rác là tài nguyên, nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ môi trường và quan tâm đến những mảnh đời xung quanh”.

Với sự thôi thúc trong việc bảo vệ môi trường sống, nhiều người trẻ tại thành phố đã kết nối và thành lập các CLB, hội, nhóm bảo vệ môi trường. Thành lập từ tháng 3-2022, đến nay, tổng lượng rác Hội Yêu rác Đà Nẵng (HYR) đã nhặt dao động 25 - 37 tấn. Rác thu gom được phân loại thành 3 nhóm: vô cơ, tái chế và nguy hại. Hoạt động nhặt rác được tổ chức mỗi tháng một lần tại các bãi biển, ven bờ sông Hàn, công viên, khu chợ, các tuyến phố có nhiều rác... Mỗi đợt thu hút khoảng 80 - 120 người.

 

 

 

Quá trình xây dựng thành phố môi trường không thể không kể đến những đóng góp lớn của các tổ chức trong và ngoài nước. Một trong số đó là Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR). 

Thời gian qua, CECR đã có nhiều hoạt động phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, trong đó có hai dự án lớn gồm: “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh” (triển khai trong 2 năm) và “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” (triển khai trong 3 năm) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản lý CECR, thành công lớn nhất của hai dự án là nhiều mô hình đã thật sự đi vào cuộc sống người dân như: ngư dân, tiểu thương thu gom, phân loại, tái chế rác thải tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang; thu gom, phân loại, tái chế rác thải tại các khu dân cư bền vững ở huyện Hòa Vang và quận Thanh Khê; cải tạo các bãi đất trống thành các vườn cây sử dụng được rác tái chế. Bên cạnh đó, hai dự án đã tạo ra được mạng lưới rất lớn quan tâm đến vấn đề và giải pháp bảo vệ môi trường, từ các cấp quản lý Nhà nước cho đến những cộng đồng doanh nghiệp, dân cư đều trực tiếp tham gia, thực thi nghĩa vụ bảo vệ môi trường.  

“Thông qua truyền thông bằng hành động và tri thức, dự án đã thu hút người dân cùng bàn, cùng làm, cùng giám sát và xác định những vấn đề cần giải quyết ưu tiên tại khu dân cư. Từ đó, người dân được hiểu, được biết, được chỉ dẫn tận tình, cụ thể và khoa học các giải pháp bảo vệ môi trường”, bà Lý chia sẻ.

 

 

Bên cạnh những nỗ lực xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường, vẫn còn đó những hạn chế. Phương thức xử lý chất thải rắn vẫn chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh. Người dân vẫn còn thói quen sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần. Tình trạng đổ trộm xà bần, vứt rác bừa bãi tại các bãi đất trống, bãi biển, các điểm du lịch tự phát, đường phố, nơi công cộng vẫn thường tái diễn.

Nhiều nơi sau khi được các lực lượng ra quân dọn vệ sinh sạch sẽ, ít lâu sau lại đầy rác. Đáng nói, phần lớn lượng rác là túi nilon, chai nhựa. Việc vứt rác bừa bãi còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước tại các kênh, hồ trên địa bàn thành phố.

Thực tế hiện nay, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ các quy định, quy chuẩn dẫn đến tình trạng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động chưa bảo đảm quy định về khoảng cách cách ly vệ sinh môi trường từ các cơ sở sản xuất với khu vực dân cư xung quanh; sự phát triển quá mức các dự án du lịch ven biển gây quá tải hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cũng như quản lý chất thải rắn ở các khu vực này,…

Hay với hệ thống cây xanh đô thị, ngoài tình trạng thiếu diện tích cây xanh, thiếu những không gian xanh, không gian sống của cây bị thu hẹp thì nhiều năm qua, cây xanh còn phải đối diện với tình trạng bị đóng đinh, đóng khung sắt.  

Ngoài cây xanh đô thị, trong nhiệm vụ “Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học” của Đề án, một trong những khó khăn của nhiệm vụ là chấm dứt tình trạng đặt bẫy động vật hoang dã và cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, từ đầu năm đến tháng 9-2023, sau những chuyến tuần tra, truy quét tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Khu bảo tồn), lực lượng chức năng đã tháo gỡ, thu giữ 475 dây bẫy (cáp), tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho hay: “Đối với những hành vi gây hại đến động vật hoang dã, phương châm của chúng tôi là phát hiện từ sớm và kịp thời, không đợi gây thiệt hại rồi mới xử lý. Điều đó cần sự bổ sung lực lượng để công tác tuần tra được diễn ra thường xuyên và thắt chặt hơn”.

Về giải pháp bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị, Th.S Trần Ngọc Sơn, giảng viên Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, các phong trào trồng cây, nhặt rác rất nhiều nhưng còn thiếu những phong trào bảo vệ cây xanh. Trong khi đó, việc trồng phải song song với công tác bảo vệ, chăm sóc cây.

 

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu, giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2030, thành phố cần tập trung giải quyết 3 vấn đề chính. Thứ nhất, tập trung phục hồi rừng nhằm tăng cường khả năng hấp thụ carbon, giảm sạt lở, lũ lụt để bảo đảm tính mạng, tài sản con người và phục hồi sinh thái trong đô thị (hồ, sông, cây xanh) để cải thiện môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch. Thứ hai, là phải bảo đảm nguồn nước sạch, nước thải sinh hoạt và nước thải của các doanh nghiệp phải được xử lý đạt quy chuẩn. Cuối cùng, với tốc độ phát triển đô thị lớn như hiện nay, thành phố càng cần phải quan tâm đến xử lý rác thải, phải quy hoạch, có công nghệ xử lý hiện đại.

 

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết, riêng các loại rác tái chế (rác hữu cơ, rác thải nhựa, rác giấy) đã chiếm khoảng 90% các loại rác. Nếu phân loại và tái chế rác được thì không những tạo ra sản phẩm tái chế, tạo ra được công ăn việc làm, tạo ra nền kinh tế tuần hoàn mà chúng ta sẽ giảm thiểu đến 90% các loại rác ra bãi chôn lấp, từ đó ô nhiễm từ các bãi chôn lấp sẽ giảm đi.

Với nhiều năm triển khai các dự án bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng, bà Lý đánh giá cao sự cam kết và khao khát xây dựng thành phố môi trường của cả chính quyền lẫn người dân Đà Nẵng. Theo bà, kinh tế Đà Nẵng phụ thuộc lớn vào môi trường (du lịch; khai thác thủy, hải sản; logistics). Nếu không bảo vệ được môi trường thì tình hình phát triển kinh tế sẽ không còn thuận lợi. Vì vậy, thành phố cần xem quản lý rác thải là công tác hàng đầu, là nhiệm vụ để bảo vệ các nguồn tài nguyên khác (đất, nước,…).

 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà cho biết, giai đoạn 2021 đến nay, nhiều kế hoạch đã được thực thi và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng được triển khai rộng rãi như: hướng dẫn phân loại rác thải tại hộ gia đình, giảm rác thải nhựa, tái chế rác thải… đã nhận được sự quan tâm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, một số Sở, ngành, doanh nghiệp,...

 

Theo bà Hà, thời gian đến, để quá trình xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường đạt hiệu quả hơn, Chi cục Bảo vệ môi trường (Chi cục) tiếp tục tham mưu Sở triển khai thường xuyên các nhiệm vụ chính như: kiểm soát chất lượng môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang, bãi rác Khánh Sơn; quản lý chất lượng môi trường ở các hồ trong đô thị. Triển khai định kỳ công tác quan trắc chất lượng môi trường để làm cơ sở theo dõi chất lượng môi trường của thành phố và báo cáo hiện trạng môi trường theo quy định hằng năm.

Về quản lý chất thải rắn đô thị nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, hiện nay, Chi cục đã triển khai kế hoạch hướng dẫn các quận huyện, các ngành, tổ chức, hội đoàn thể để thực hiện công tác tuyên truyền sâu về phân loại rác tại hộ gia đình theo phương thức thành phố đã ban hành. Đồng thời, Chi cục sẽ tiếp tục phát huy, tìm kiếm và kết nối các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước với UBND cấp quận/huyện, phường/xã để địa phương không chỉ có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ về tài chính mà còn về kỹ thuật, những mô hình có sự chung tay của cộng đồng.

Bên cạnh vai trò quản lý của chính quyền, một trong những nền tảng quan trọng để Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường là sự đồng thuận và chung tay của người dân. Theo các chuyên gia, cần nêu cao vai trò của người dân trong xây dựng thành phố môi trường. Các thông tin, vấn đề về môi trường phải được cập nhật thường xuyên, liên tục qua các nền tảng số để người dân kịp thời nắm bắt, cùng hiểu, cùng bàn và cùng đưa ra những giải pháp, đóng góp ý tưởng, mô hình hay trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, người dân còn đóng vai trò giám sát, phát hiện sớm những sai phạm để quá trình xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030 gặt hái nhiều kết quả tích cực, góp phần khẳng định thương hiệu “Thành phố đáng sống” và thu hút du khách với một điểm đến xanh - sạch - đẹp, an toàn, hấp dẫn và mến khách.

Thực hiện: THU DUYÊN, QUỐC CƯỜNG,
QUANG THẢO, PHƯƠNG MINH - DIỆU MINH

;
;
.