Ẩm thực Đà Nẵng đa dạng và phong phú, các món ăn có sự kết hợp giữa hương vị truyền thống và sự sáng tạo trong cách chế biến của người Đà thành. Bên cạnh các món ăn truyền thống của địa phương, còn có món ăn đặc sản vùng miền từ Bắc vào Nam và quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Âu, Mỹ…, đáp ứng nhu cầu của hầu hết thị trường khách bao gồm thực phẩm chay, thực dưỡng, Halal…
Năm 2023, tờ Observer của Anh đã đề xuất, du khách không nên bỏ qua hành trình khám phá ẩm thực khi đến Đà Nẵng và giới thiệu các điểm ăn uống địa phương bình dân lẫn các nhà hàng sang trọng tại thành phố biển, những nhà hàng phong cách hiện đại có thể phục vụ các món Việt được biến tấu sáng tạo.
Theo số liệu công bố từ Cục Thống kê năm 2023, nguồn thu từ dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố tăng trưởng tích cực và luôn chiếm tỉ trọng cao từ 60-70% trên doanh thu từ dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành toàn thành phố, cho thấy nhu cầu chi tiêu dịch vụ ăn uống của khách và người dân địa phương khá cao.
Đội ngũ nhân lực phục vụ dịch vụ ẩm thực có nghiệp vụ về nhà hàng, chế biến món ăn, pha chế… từ các cơ sở đào tạo nghề du lịch, khách sạn 4-5 sao. Nguồn nhân lực trẻ và tương đối dồi dào, có khả năng luân chuyển từ các công việc dịch vụ khác (lễ tân, phục vụ tại các cơ sở lưu trú qua các cơ sở ăn uống, nhà hàng…).
Trên địa bàn thành phố có hệ thống nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đủ khả năng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, với hơn 7.000 cơ sở ăn uống phục vụ các món ăn phong phú bao gồm trên cả 3 nhóm: ẩm thực địa phương, ẩm thực vùng miền, ẩm thực quốc tế và trên 3 phân khúc: bình dân (đường phố), trung cấp (có kết hợp trải nghiệm) và cao cấp.
Nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực của Đà Nẵng, thời gian qua, việc truyền thông, quảng bá ẩm thực của thành phố được Sở Du lịch chú trọng qua hình thức quảng bá tại chỗ và trực tuyến, trong đó đẩy mạnh hình thức quảng bá trực tuyến để phù hợp với xu hướng hiện đại.
Cụ thể, Sở Du lịch liên tục thực hiện các bài viết, bộ ảnh, video truyền thông về ẩm thực trên các nền tảng mạng xã hội do Sở quản lý (Youtube, Facebook, Tiktok…); thực hiện các mini game tìm hiểu thông tin về ẩm thực Đà Nẵng; phối hợp cùng Food Blogger Helen Lê thực hiện chuỗi chương trình livestream “Măm măm cùng Đà Nẵng” với 3 số phát sóng, thực hiện chuỗi series khám phá ẩm thực Đà Nẵng với 3 tập và được đăng tải trên trang Youtube của Helen, các chương trình này thu hút hàng ngàn lượt xem và tương tác trên các nền tảng phát sóng mang lại hiệu ứng tích cực cho du lịch ẩm thực của Đà Nẵng,...
Đặc biệt, Sở Du lịch lồng ghép quảng bá tích cực hình ảnh ẩm thực của địa phương thông qua các chương trình truyền hình thực tế được yêu thích hiện nay khi thực hiện ghi hình tại điểm đến Đà Nẵng như: “Muốn ăn phải lăn vào bếp” của Nghệ sĩ Trường Giang, Chương trình “Hành trình rực rỡ”, “2 ngày 1 đêm”,…
Bên cạnh Sở Du lịch, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Đà Nẵng (Hiệp hội) cũng phát huy vai trò của mình trong quảng bá ẩm thực Đà Nẵng. Tháng 12-2022, Hiệp hội lần đầu tiên tổ chức ngày hội công bố 100 món ăn tiêu biểu của vùng miền Trung, giúp cộng đồng nhận thức về giá trị các món ăn trong văn hóa ẩm thực Đà Nẵng và vùng miền.
Tháng 4-2024, Hiệp hội tổ chức ngày hội văn hóa ẩm thực với chủ đề “Mặn mà Đà Nẵng” nhằm góp phần thúc đẩy nhận thức về kho báu tài nguyên văn hóa bản địa, phương thức, cách thức để bảo tồn và phát triển hiệu quả, bền vững, đặc biệt phát triển lực lượng đầu bếp chuyên nghiệp, các nhà hàng văn hóa ẩm thực bản địa, tạo ra các món ăn ngon tiêu chuẩn phục vụ công chúng và du khách.
Ngoài ra, Hiệp hội còn tham gia quảng diễn món ăn Đà Nẵng đến các lễ hội trong vùng, quốc gia, quốc tế, phối hợp các bên tổ chức cuộc thi đầu bếp; tăng cường làm đầu mối kết nối, hỗ trợ các bên, tạo môi trường tốt nhất cho các đầu bếp, các cơ sở ăn uống, các tài năng trẻ phát triển mạnh mẽ để đóng góp nhiều hơn cho phát triển văn hóa ẩm thực Đà Nẵng.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Hoài An, để phát triển ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thu hút và giữ chân du khách, Sở Du lịch sẽ khảo sát và chuẩn hóa các cơ sở kinh doanh ẩm thực trên địa bàn thành phố bảo đảm 5 tiêu chí phục vụ khách.
Các tiêu chí này sẽ được triển khai định hướng, áp dụng chung đối với 3 nhóm: ẩm thực địa phương, ẩm thực vùng miền, ẩm thực quốc tế và 3 phân khúc: bình dân (đường phố), tầm trung (có kết hợp trải nghiệm) và cao cấp.
Đồng thời tổ chức tuyên truyền, kêu gọi đầu tư, định hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm ẩm thực mới, đặc sắc, hấp dẫn, trong đó khuyến khích tính mới, sáng tạo, tăng trải nghiệm cho du khách thông qua câu chuyện văn hóa ẩm thực và nghệ thuật trình diễn chế biến các món ăn gắn với văn hóa bản địa.
Xây dựng và khai thác các chương trình du lịch (foodtour) đặc sắc, hấp dẫn trên cơ sở kết nối và khám phá các điểm đến kết hợp trải nghiệm ẩm thực tại các quán ăn địa phương nổi tiếng, các nhà hàng tại các khách sạn 4-5 sao…
Thành phố phát triển và quảng bá các thương hiệu đạt chuẩn, tôn vinh các cơ sở có chất lượng; các nhà hàng, cơ sở ẩm thực đạt sao Michelin, đạt giải thưởng quốc tế…
Tăng cường công tác truyền thông, định vị Đà Nẵng là điểm đến ẩm thực nổi bật, là nơi giao thoa và hội tụ tinh hoa ẩm thực giữa ẩm thực địa phương truyền thống và quốc tế.
“Sở sẽ triển khai chuyển đổi số hiệu quả trong hoạt động kinh doanh ẩm thực. Kết nối các cơ sở ăn uống với các đơn vị (như iPOS, KiotViet...) cung cấp giải pháp công nghệ hỗ trợ tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, phục vụ khách như gọi món, thanh toán, vận hành, quản lý, xuất hóa đơn điện tử, chăm sóc khách hàng...”, bà Nguyễn Thị Hoài An nói.
Để ẩm thực Đà Nẵng tạo được dấu ấn riêng trên bản đồ ẩm thực du lịch của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, theo ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực thành phố Đà Nẵng, thành phố cần bảo tồn và phát triển các đặc sản ẩm thực truyền thống của Đà Nẵng như bún chả cá, mì quảng, bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da, gỏi cá trích,... Đồng thời, cần khuyến khích sáng tạo và phát triển các món ăn mới kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Cần nâng cao chất lượng và đa dạng của dịch vụ ẩm thực, tổ chức các sự kiện để quảng bá và giới thiệu văn hóa ẩm thực Đà Nẵng cho du khách trong và ngoài nước.
Hợp tác với các đầu bếp và nhà hàng nổi tiếng để tạo ra các món ăn đặc biệt mang thương hiệu Đà Nẵng. Sự hiện diện của các món ăn này trên menu của các nhà hàng quốc tế sẽ giúp quảng bá ẩm thực Đà Nẵng ra thế giới.
Ông Quân cho rằng, phát triển du lịch ẩm thực cần sự liên kết hợp tác. Bên cạnh các nhà quản lý, mỗi cá nhân, cơ sở kinh doanh cũng cần phát huy vai trò trong phát triển du lịch ẩm thực Đà Nẵng.
Về phía các cơ sở kinh doanh (nhà hàng, quán cà phê, quán ăn đường phố), các cơ sở này có thể tạo ra các món ăn đặc sản Đà Nẵng và giới thiệu chúng trên menu của mình; tổ chức các sự kiện ẩm thực như giao lưu nấu ăn, nếm thử miễn phí để thu hút du khách và tạo ra sự quan tâm đến ẩm thực Đà Nẵng.
Về phía các khách sạn và nhà nghỉ, cung cấp thông tin về các địa điểm ẩm thực nổi tiếng và gợi ý cho du khách về những món ăn địa phương cần thử.
Về các cửa hàng đặc sản, cung cấp các sản phẩm ẩm thực chất lượng và đa dạng cho du khách, đồng thời giới thiệu về nguồn gốc và cách sử dụng của chúng.
Về phía người dân, có thể chia sẻ trải nghiệm của mình về các món ăn và nhà hàng yêu thích trên các trang web, blog cá nhân hoặc mạng xã hội. Việc này giúp lan tỏa thông tin và tạo ra sự quan tâm đến ẩm thực Đà Nẵng từ cộng đồng mạng. Đồng thời, khi gặp du khách, người dân có thể chia sẻ về các món ăn địa phương và địa điểm ẩm thực nổi tiếng của thành phố, từ đó giúp du khách có trải nghiệm thú vị và độc đáo hơn về ẩm thực Đà Nẵng.
Ẩm thực luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên văn hóa dân tộc. Mỗi món ăn đều chứa đựng thông điệp đối với người thưởng thức, nó truyền tải những tình cảm của người tạo ra món ăn đến người thân, bạn bè và du khách, giúp du khách lưu luyến ở lại với Đà thành.