.

Sinh viên làm trọng tài tại ABG 5

.

Không chỉ tham gia công tác lễ tân, phiên dịch, hỗ trợ thông tin, nhiều sinh viên (SV) Trường Đại học Thể dục - Thể thao (ĐH TD-TT) Đà Nẵng còn được đảm nhận nhiệm vụ trọng tài cho nhiều nội dung thi đấu tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5).

Cơ hội cọ xát hiếm có

Trong trang phục dành cho tổ trọng tài tại sân bóng chuyền bãi biển nam, trông Mai Thị Nhung, SV năm 3, khoa Huấn luyện thể thao, chuyên ngành Bóng chuyền, Trường ĐH TD-TT thật khỏe khoắn và năng động. Sau 4 ngày thi đấu, Nhung đã bắt 11 trận trong vai trò Trọng tài thư ký (cả chính lẫn phụ). Nhiệm vụ của Nhung là giữ biên bản thi đấu theo luật, phối hợp với trọng tài thứ hai trong việc phát hiện lỗi của VĐV.

Theo trách nhiệm được phân công từ Ban tổ chức, Nhung có thể sử dụng chuông hoặc dụng cụ phát ra âm thanh khác để ra hiệu cho trọng tài trên sân, kiểm tra tên và số áo của VĐV, ghi chép số liệu về trận đấu như ghi điểm đã đạt được của mỗi đội, kiểm tra thứ tự phát bóng, báo lỗi, ghi chép số lần tạm ngừng hội ý, thay người và ghi kết quả cuối cùng của trận… Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng yêu cầu trọng tài phải có độ chính xác cao để quyết định kết quả toàn trận.

Được tham gia vào sự kiện thể thao mang tầm cỡ châu lục là cơ hội tốt để đội ngũ giảng viên, SV chuyên ngành thể dục - thể thao tại Đà Nẵng cọ xát và trưởng thành. Anh Phan Thành Nam (1985), giảng viên trẻ của khoa Điền kinh, Trường ĐH TD-TT từng làm trọng tài cho nhiều giải đấu quốc tế như: Đại hội Thể thao trong nhà châu Á (Asian Indoor Games) tại Hà Nội năm 2010, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Sea Games 23) tại Philippines năm 2005 và các giải Vô địch điền kinh quốc gia, giải Điền kinh quốc tế mở rộng hằng năm tại Việt Nam… Công việc trọng tài giúp anh góp nhặt nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tế để hỗ trợ việc giảng dạy tại trường. Anh Phan Thành Nam chia sẻ, điều ấn tượng nhất khi tham gia ABG 5 lần này là tính chuyên nghiệp và lòng yêu nghề của các VĐV.

Tự tin vượt qua áp lực

Để trở thành một trong những người “cầm cân nảy mực” trên sân, Mai Thị Nhung đã vượt qua vòng tuyển chọn của giảng viên, dựa trên năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của bản thân trong suốt quá trình học tập. Tiếp đó, Nhung phải trải qua 3 ngày tập huấn về lý thuyết, 3 ngày thực hành trên sân và tham gia bắt 5 trận tại giải “Tiền ABG 5” vừa diễn ra vào đầu tháng 9 tại Đà Nẵng. Nhung chia sẻ, khoảng thời gian này giúp em hoàn thiện kỹ năng, kỹ thuật và khả năng xử lý những tình huống bất ngờ. Đồng thời, Nhung cũng học hỏi cách tổ chức giải, điều hành trận đấu, trực tiếp xem các VĐV thi đấu và quan trọng hơn là được thực hành trên sân.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Hiếu, SV khoa Huấn luyện thể thao, chuyên ngành bóng chuyền chia sẻ, bản thân gặp không ít áp lực khi tham gia làm trọng tài tại ABG 5. Tuy nhiên, cũng như nhiều bạn khác, Hiếu đã được tập huấn rất kỹ và nhận thấy nếu tự tin và cố gắng sẽ hoàn thành tốt công việc được giao.

Tại ABG 5 lần này, Trường ĐH TD-TT có hơn 800 SV tham gia phục vụ; trong đó có 120 SV làm nhiệm vụ trọng tài cho nhiều nội dung thi đấu. Anh Nguyễn Chí Hùng, Bí thư Đoàn trường cho biết, trước khi ABG 5 diễn ra, nhà trường đã nhận đầy đủ thông tin giải đấu nên nhanh chóng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục – Thể thao trong việc bố trí chỗ ở cho VĐV, mở lớp tập huấn trọng tài cho đội ngũ giảng viên, SV tham gia đại hội. Do đó, trong quá trình diễn ra ABG 5, Ban tổ chức có thể hoàn toàn yên tâm về đội ngũ này.

Không chỉ làm nhiệm vụ thư ký, các SV còn được tin tưởng giao nhiệm vụ làm trọng tài biên. Trung bình mỗi SV được “bắt” gần 20 trận (hoặc nội dung) thi đấu trong suốt thời gian diễn ra ABG 5, dựa trên trình độ chuyên môn đã được đào tạo trước đó. Tại ABG 5, rất nhiều nội dung thi đấu diễn ra xuyên trưa nên BTC chia trọng tài ra từng nhóm nhỏ và làm luân phiên để có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.