.

"Giữ lửa" cho ABG 5

.

Các trận đấu tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) sôi nổi, hấp dẫn một phần nhờ sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, đặc biệt khán giả Đà Nẵng.

Cổ động viên Đà Nẵng trong trang phục áo đỏ, sao vàng mang theo cờ Tổ quốc, kèn, trống, kẻng... khuấy động khán đài.                         Ảnh: HÀ THU
Cổ động viên Đà Nẵng trong trang phục áo đỏ, sao vàng mang theo cờ Tổ quốc, kèn, trống, kẻng... khuấy động khán đài. Ảnh: HÀ THU

Có mặt tại trận tứ kết bóng đá nam giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Lebanon từ sớm, anh Trần Văn Sơn và một số bạn bè thuộc Hội cổ động viên (CĐV) đội SHB Đà Nẵng trong trang phục áo đỏ, sao vàng, mang theo cờ Tổ quốc, kèn, trống, kẻng… khuấy động khán đài. Anh Sơn chia sẻ, không chỉ bóng đá, các môn khác như bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ… anh cũng sắp xếp thời gian đi cổ vũ. “Đây là một sự kiện thể thao lớn diễn ra tại Đà Nẵng, cơ hội để những người yêu thích thể thao xem những màn trình diễn đẹp và nhiều môn thi đấu chưa từng được biết đến, trên hết là người hâm mộ được sống trong tinh thần thể thao. Sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả không chỉ góp phần cổ động các VĐV mà còn cho cả thế giới biết đến tình yêu thể thao của người dân Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung”, anh Sơn hào hứng nói.

Những ngày diễn ra ABG 5, trên các khán đài, có thể dễ dàng bắt gặp khán giả ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ các em học sinh, sinh viên đến những người lớn tuổi. Năm nay ngoài 80 tuổi, song ông Phương (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) vẫn đến cổ vũ đội nhà Việt Nam trong trận tứ kết bóng đá. “Biết trận đấu diễn ra lúc 14 giờ 30 nhưng nắng quá, mấy đứa con sợ tôi ngã bệnh nên chiều mát mới chở tới. Đến nơi thì gần kết thúc trận đấu”, ông Phương tỏ ra tiếc nuối.

Trong khi đó, anh Lê Khánh (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đặc biệt yêu thích môn Muay Thái. Vì thế, dù công việc kinh doanh vô cùng bận rộn nhưng anh vẫn đến xem trận chung kết giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. Anh Khánh chia sẻ: “Hòa trong dòng người đông đảo ở trận chung kết mới thấy tình yêu Muay Thái của khán giả Đà Nẵng. Trước trận đấu gần nửa tiếng, tôi đến nhưng khán đài chật cứng, tiếng reo hò rần trời. Khi võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất đánh bại đối thủ Chilnak Prawit của Thái Lan, khán đài vỡ tung, mọi người ôm chầm lấy nhau, bất kể lạ quen. Thể thao hay là vậy đó!”.

Có thể nhận thấy, ngoại trừ những môn thể thao diễn ra vào giờ nắng nóng (kéo dài sang 12 giờ trưa), những môn trong khung giờ hợp lý và có sức thu hút cao như bóng rổ, bóng chuyền, vật, thể hình, võ thuật… luôn đông khán giả.

Ngoài CĐV nước chủ nhà Việt Nam, CĐV các quốc gia có đội tuyển thi đấu tại ABG 5 cũng cổ vũ sôi động không kém. Đông đảo trong các trận đấu phải kể đến CĐV Thái Lan. Họ có mặt ở hầu hết các bộ môn thi đấu của đội nhà. Thông tin từ Tổng lãnh sự quán Thái Lan cho biết, phần lớn CĐV là chuyên viên từ Ủy ban Olympic Thái Lan và đoàn từ Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan, với số lượng khoảng hơn 100 người. Ngoài ra, còn có nhóm tự bỏ tiền túi sang cổ động cho đội nhà. Trong đó, đặc biệt có 5 CĐV mang trang phục truyền thống Thái Lan, vẽ trên mặt hình ảnh quốc kỳ Thái và thổi kèn, đánh trống tạo nên không khí không thể sôi động hơn cho mỗi trận đấu. Người dẫn đầu nhóm CĐV này là ông Thailand Khamthong - một gương mặt rất quen thuộc tại các kỳ Đại hội thể thao lớn từ khu vực đến thế giới.

Khi hỏi các CĐV về ABG 5, câu trả chúng tôi ghi nhận được nhiều nhất vẫn là: Tinh thần thể thao xóa đi ranh giới chính trị, cách biệt văn hóa, giúp con người xích lại gần nhau. Có lẽ vì thế, thể thao luôn được con người ưa chuộng nhất.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.