ABG5
Văn hóa ẩm thực Halal ở ABG 5
ĐNĐT - Trong số 42 đoàn thể thao đến với ABG 5 có 15 đoàn có người theo đạo Hồi. Vì thế, các khách sạn có người theo đạo Hồi lưu trú đều bố trí khu vực riêng với những món ăn riêng gọi là Halal.
Các VĐV theo đạo Hồi đang chọn thức ăn tại khu vực Halal, khách sạn Grand Sea. Ảnh: NGỌC HÀ |
Theo quan sát của chúng tôi, các món ăn Halal phổ biến tại khách sạn gồm: món cà ri (cà ri gà, cà ri rau củ), món nướng (cá nướng, gà nướng), gà hun khói, cơm, rau củ xào… Món cà ri hơi đặc so với cà ri người Việt dùng.
Ấn tượng nhất là cơm theo kiểu đạo Hồi. Cơm phải được nấu bằng loại gạo nhập từ Ấn Độ, dù có nấu nhão hay khô thì hạt cơm vẫn rời. Cơm thường được rắc nho lên trên (cơm nho), cơm dùng với nước cốt dừa (cơm dừa), hoặc dùng nước dừa nấu cơm và tạo màu vàng bằng bột nghệ, khi ăn cảm nhận mùi thơm, vị béo của dừa.
Văn hóa Hồi giáo cho rằng, món ăn được gọi là Halal phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định như: món ăn phải tinh khiết trong quá trình chế biến, trong sạch, lành mạnh và bổ dưỡng. Vì thế, các khách sạn chú trọng đến văn hóa đặc trưng này.
Bếp trưởng Trần Thanh Sơn, khách sạn Grand Sea, nơi có khá đông VĐV theo đạo Hồi lưu trú cho biết, nguyên liệu và gia vị đều được lấy từ những siêu thị, cửa hàng có uy tín, được cấp chứng nhận Halal. Nhìn chung, nguyên liệu phải mang đặc trưng của đạo Hồi, phụ liệu có hoa hồi, quế chi…
Có điều, mình phải làm sao để cùng những nguyên liệu đó có thể chế biến được nhiều món ăn và cách gia giảm gia vị trong từng món phù hợp với thực khách. Anh Sơn cũng vui mừng cho biết thêm, qua mấy ngày lưu trú tại khách sạn, VĐV các nước nói chung và VĐV theo đạo Hồi nói riêng đều tỏ ra hài lòng và chưa ai phàn nàn về các món ăn tại khách sạn.
Tại khách sạn Grand Tourane, nơi lưu trú của các thành viên ban tổ chức, khu vực thức ăn Halal cũng được chuẩn bị khá kỹ càng. Bếp trưởng Lê Cảnh Khiêm (người có 18 năm làm bếp và có kinh nghiệm phục vụ nhiều đoàn khách đạo Hồi), cho biết, đối với khách đạo Hồi, khách sạn chia khu vực ăn uống riêng với các vật dụng, chén, đĩa dùng riêng. Ngay cả việc tìm nguyên liệu cũng bảo đảm độ sạch và chất lượng như cà ri phải mua loại của Ấn Độ, khi nấu nước dùng cũng phải nấu riêng, rau củ quả được mua tại siêu thị Metro… “Lãnh đạo khách sạn còn mời các chuyên gia từ Singapore đến hỗ trợ chế biến các món ăn. Quan điểm của khách sạn là ẩm thực mang đậm văn hóa mỗi nước nên các đầu bếp cần biết về phong tục tập quán các nước để mang lại sự gần gũi”, anh Khiêm chia sẻ.
Các đầu bếp chuẩn bị thức ăn phục vụ thành viên Ban tổ chức ABG 5 tại khách sạn Grand Touran. Ảnh: THANH TÌNH |
Trước khi diễn ra ABG 5, Sở Du lịch phối hợp với các nhà hàng, khách sạn kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác vệ sinh, chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng món ăn. Tại các khách sạn có VĐV ABG 5 lưu trú, Sở yêu cầu các khách sạn thường xuyên giữ gìn vệ sinh khu vực nhà hàng, khu chế biến, lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Đặc biệt, việc chế biến và thực hiện bảo quản thức ăn trong thời tiết nắng nóng phải bảo đảm.
Không chỉ lo việc ăn uống, ngủ nghỉ, nghi thức lễ của người Hồi giáo cũng được các khách sạn đặc biệt quan tâm. Tại khu vực Halal, khách sạn có vẽ trên trần nhà hình mũi tên. Anh Trần Quang Thảo, Trưởng bộ phận quản lý Nhà hàng của Grand Sea cho biết, khách sạn làm theo hướng dẫn của Sở Du lịch trong đợt tập huấn chuẩn bị cho ABG 5. Mũi tên có ý nghĩa chỉ về hướng của thánh địa Mecca ở Arab Saudi, giúp cho người theo đạo Hồi biết hướng và quỳ xuống thực hiện việc cầu nguyện. Ngoài ra, khách sạn cũng bố trí một phòng riêng biệt làm nơi cầu nguyện cho khách đạo Hồi theo đúng tiêu chuẩn tối thiểu của tôn giáo này.
Anh Abdo Ayab, VĐV đội tuyển Lebanon cho biết, chính những món ăn thân thuộc như ở quê nhà đã giúp anh không có cảm giác đang ở nơi đất khách. “Món ăn ngon miệng, hợp khẩu vị, không khác gì so với đất nước chúng tôi. Tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện ngay từ bữa ăn đầu tiên. Việc cầu nguyện cũng diễn ra như mọi ngày. Cảm giác như đang ở nhà vậy”, anh Abdo Ayab chia sẻ.
NGỌC HÀ – THANH TÌNH