.
Dấu xưa tìm lại

Độc đáo Phong Nam

.

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, đến nay, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) vẫn giữ nguyên cốt cách làng quê Việt. Bên cạnh sự đổi thay từ công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhà tầng mọc lên san sát hai bên đường làng vừa thảm bê-tông phẳng lỳ, tại làng quê yên bình và trù phú này vẫn còn đó đình làng, miếu mạo, các nhà cổ mái ngói rêu phong và lễ hội truyền thống… được lưu giữ như báu vật.

Lễ rước Mục đồng của làng Phong Lệ (thôn Phong Nam ngày nay). Ảnh: HUY ĐẰNG
Lễ rước Mục đồng của làng Phong Lệ (thôn Phong Nam ngày nay). Ảnh: HUY ĐẰNG

Lễ rước Mục đồng

Cách đây 6 năm, tức vào năm 2007, sau hơn 60 năm bị gián đoạn, với sự hỗ trợ của Sở VH-TT&DL thành phố và huyện Hòa Vang, thôn Phong Nam đã phục dựng lễ rước Mục đồng - lễ hội tôn vinh trẻ chăn trâu có từ xa xưa. Từ đó đến nay, ba lần lễ hội độc đáo này được tổ chức và là một trong các lễ hội quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Lần mới đây nhất, tổ chức trong hai ngày 29 và 30 tháng 3 năm Quý Tỵ. Dấu tích xưa một thời không ai để ý như cồn Thần, đền Mục Đồng, nay trở thành điểm tựa tâm linh của mọi người.  

Tương truyền, ở làng Phong Lệ xưa, nay là thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, có một cồn cỏ giữa đồng. Một ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn và bỗng nhiên, chân vịt bị dính chặt xuống đất, như có bàn tay ai đó giữ lại. Trước sự lạ, dân làng cho rằng, thần linh “cư ngụ” tại cồn và không ai dám đến gần. Từ đó, cồn được đặt tên là cồn Thần. Bẵng đi một thời gian, vào một ngày trời trong xanh, gió thoảng, đàn trâu của làng chạy lạc đến cồn Thần, đám trẻ chăn trâu chạy theo và bước lên cồn cỏ ấy. Thật bất ngờ, cả đám trẻ đều bình yên vô sự, thậm chí còn thỏa thích nô đùa nhảy múa khá lâu tại nơi mọi người cho là thần linh cư ngụ. Người này rỉ tai người kia và cho rằng, cồn Thần chỉ dành cho trẻ chăn trâu. Và cũng từ đó, cồn Thần được mọi người gọi là xóm Đồng, nơi tụ tập vui chơi của các mục đồng trong làng. Ghi nhớ về sự lạ ấy, người dân địa phương tổ chức lễ hội dành cho trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước Mục đồng. Lễ hội lưu truyền từ đời này sang đời khác. Năm 1936 (tức năm Bảo Đại thứ 11), lễ hội tổ chức rất hoành tráng. Song không hiểu vì sao kể từ đó, không diễn ra nữa, cho mãi đến năm 2007…

Nói về lễ hội độc đáo này, ông Ngô Tấn Khả, Trưởng thôn Phong Nam cho hay: Theo các cụ cao niên kể lại, lễ hội tổ chức 3 năm một lần vào các năm Tỵ, Ngọ, Mẹo, Dậu, sau đó giãn ra 6 năm, rồi 12 năm tổ chức một lần. Lễ hội là dịp tôn vinh trẻ chăn trâu, đối tượng luôn bị coi khinh trong xã hội phong kiến. Tại lễ hội này có nghi thức rước tế Thần Nông, cầu cho mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tươi tốt, mùa vụ bội thu.     

Vị trưởng thôn này nhớ lại: Ngày diễn ra lễ hội, các bô lão và bà con dân làng, cùng các mục đồng trống gióng, cờ mở tổ chức rước “Thần” bằng kiệu hoa rất uy nghi từ cồn Thần về đình làng làm lễ tế vọng thần linh. Kiệu Thần đặt sát tảng đá lớn gắn trên “đài” xây bằng xi-măng ở giữa Cồn. Chủ trì tế lễ cúng triệu thỉnh Thần Nông. Sau khi khấn âm dương, ra hiệu cho mọi người nổi trống chiêng báo tin: “Thần Nông giáng hạ”, lúc này, ai nấy đều cung kính, trang nghiêm và từ từ rước Thần Nông về đình làng. Hòa trong âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc cổ và ánh sáng bập bùng từ đèn lồng, đuốc hoa, cả cánh đồng ở Phong Nam trở nên lung linh huyền bí. Tham gia rước thần có 17 tộc họ trong làng. Tộc họ nào cũng  mang theo “đại kỳ” riêng của mình. Có thể nói, lễ rước mục đồng là lễ hội mang đậm nét văn hóa tâm linh. Từ lễ hội này đã góp phần xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các tộc họ trong làng với nhau, ai nấy đều biết quý trọng trẻ chăn trâu và hăng say làm việc.

Rau của trời

Hiếm có vùng đất nào như thôn Phong Nam, nơi người dân quanh năm hưởng “lộc trời”. Tại khu đất nhô cao, rộng khoảng 2ha, người dân địa phương gọi là cồn Khương, cứ sau mùa lũ, không hề gieo hạt, thế nhưng rau càng cua mọc dày như mạ. Ở nơi liên tục được bồi đắp bởi phù sa do lũ, loại rau dân dã này phát triển rất nhanh. Người dân chỉ việc thu hái. Thời gian gần đây, để tăng năng suất, người ta có bón thêm phân vi sinh và tưới nước cho rau càng cua. Với đặc tính ưa râm mát, nên phía trên, người ta làm giàn trồng khổ qua, bầu bí. Nhiều năm nay, các hộ có đất tại đồng cồn Khương luôn thu nhập cao, bởi  ngoài rau càng cua thu hái quanh năm, họ còn có  thêm 2 - 3 vụ từ các loại rau ăn quả.

Rau lá mơ, loại rau của trời rất phổ biến ở Phong Nam. Ảnh: N.C
Rau lá mơ, loại rau của trời rất phổ biến ở Phong Nam. Ảnh: N.C

“Từ lâu lắm rồi, 30 hộ sản xuất tại cồn Khương đã hưởng lộc từ rau của trời. Trừ 3 tháng mưa lũ không có, thời gian còn lại trong năm, ngày nào tôi cũng thu 10 - 15kg rau càng cua trên 1 sào đất. Thời điểm này (tức cách hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán), rau càng cua có giá 30 - 35.000 đồng/kg, lúc rẻ nhất cũng 12 -15.000 đồng/kg”, lão nông Ngô Tất Khắc, ngoài 70 tuổi cho biết. Làm phép tính nhẩm, ai nấy đều trố mắt trước nguồn thu rất hấp dẫn của nông dân tại đây. Quả là lộc trời ban tặng!  

Chỉ tay về phía thôn, lão nông này cho biết thêm: Không chỉ có rau càng cua mà ở Phong Nam này rau lá mơ cũng là loại rau của trời, bởi chẳng ai trồng cấy bao giờ nhưng thu hái quanh năm. Trước đây, dây mơ leo đầy các bờ rào. Lúc nào cần cứ thế thu hái. Những năm gần đây, loại rau này đem lại thu nhập rất cao, bởi mỗi kilôgam có giá từ 30 - 40.000 đồng, nên bà con đưa vào trồng rất bài bản, có làm choái hẳn hoi. Hiện tại, ở thôn này, hầu như hộ nào cũng có rau mơ bán quanh năm.

Còn rất nhiều thứ độc đáo ở làng quê hàng trăm năm tuổi này. Ví như bánh ít lá gai, bánh tráng mè, chỉ cần nhấm qua người ta biết ngay là sản phẩm do người Phong Nam làm ra. Ông Võ Quang Hiền, chủ cơ sở sản xuất các loại bánh, trong đó nhiều nhất là bánh ít lá gai, cho biết: Các loại bánh dân dã này nhiều nơi cũng làm. Song nơi khác tiêu thụ không dễ, còn ở đây sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Bánh tại đây có dư vị, ai đã một lần thưởng thức khó lòng quên nổi… Ông Lê Đức Hùng, Bí thư chi bộ thôn Phong Nam cho biết: Là thôn, nhưng dân số 650 hộ, 2.300 nhân khẩu, bằng 1/3 của xã miền núi. Với những ưu việt tạo hóa ban tặng, người dân Phong Nam không ngừng phát huy, nhờ vậy, tại thôn đã và đang hình thành nhiều hoạt động sẽ phát triển thành làng nghề. Hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, thôn đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, đến nay cả 19/19 tiêu chí đã hoàn thành…

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.