.
Dấu xưa tìm lại

Giếng cổ - nơi tiếp xúc các mạch nguồn văn hóa

.

Tại Đà Nẵng ngày nay còn nhìn thấy 6  giếng cổ có lòng giếng hình vuông, gồm 1 giếng ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), 1 giếng ở phường Bình Hiên (quận Hải Châu) và 4 giếng ở địa bàn làng cổ Nam Ô (nay thuộc Phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Ngoài ra còn có một số giếng cổ khác đã bị vùi lấp hoặc thành giếng đã được thay mới.

Giếng Khương Mỹ.
Giếng Khương Mỹ.

1.

Giếng Hời - Khuê Trung: Giếng nằm ở góc sân của Miếu Bà Khuê Trung, trong khu vực di tích Nghĩa Trũng Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Lòng giếng hình vuông, kích thước 1,15m x 1,15m.  Còn nhìn thấy mỗi bờ thành giếng được ghép bằng 9 phiến đá xếp chồng lên nhau, 4 góc có trụ đá có rảnh để ghép nối 4 thành giếng. Trên trụ đá góc đông nam có khắc hai dòng chữ Hán, nay đã mòn mờ; năm 2000, GS Trần Quốc Vượng khảo sát và đọc được dòng chữ là “Tuế thứ Mậu Dần niên, mạnh thu, cát nhật, hàm long cổ tỉnh”. Dân địa phương còn gọi là “Giếng Hời”.

2.

Giếng Bộng - Nại Hiên: Giếng Bộng nằm ở địa bàn làng cổ Nại Hiên. Hiện nay, giếng nằm trong góc tây nam của khuôn viên Trường mẫu giáo Ánh Hồng, số 109 đường Trưng Nữ Vương, phường Bình Hiên, quận Hải Châu. Tên gọi “Giếng Bộng” đã trở thành một địa danh cổ (xứ đất) trong văn tế của các nghi lễ dân gian vùng Nại Hiên và lân cận. Lòng giếng hình vuông, kích thước 1,30m  x 1,21m. Thành giếng phía trên là các phiến đá ghép lại, phía dưới được ghép bằng gạch thẻ. Hiện nay, để bảo đảm an toàn cho học sinh trường mẫu giáo, miệng giếng được đậy bằng tấm bê-tông.

3.

Giếng Lăng – Nam Ô: Giếng này nằm cạnh ngôi miếu thờ cá Ông (Lăng Ông) nên nhân dân gọi là Giếng Lăng (thuộc tổ 35, khối phố Nam Ô 2A, phường Hòa Hiệp Nam). Lòng giếng hình vuông, kích thước 0,87m x 0,87m, ghép bằng các phiến đá. Thành giếng phía trên được nối cao thêm bằng gạch và xi-măng, cao hơn thềm giếng 77cm. Từ mặt phiến đá trên cùng đến đáy giếng đo được 4,45m, gồm 11 phiến đá. Đỉnh trụ đá góc có hình chóp nhọn, cao hơn mặt phiến đá trên cùng 53cm. Theo nhân sĩ địa phương, trước đây có thấy các chữ Hán khắc trên thành giếng “Bảo Đại thập niên - Ất Hợi tuế - Lục nguyệt tạo” (1935).

4.

Giếng Đình - Nam Ô: Giếng nằm gần ngôi đình cổ nên được gọi là Giếng Đình, hiện nằm giữa đường bê tông của khu dân cư, thuộc tổ 37, khối phố Nam Ô 2A, phường Hòa Hiệp Nam. Lòng giếng hình vuông, kích thước 0,89m x 0,89m. Từ mặt phiến đá trên cùng đến đáy giếng đo được 5m, gồm 10 phiến đá xếp chồng khít lên nhau. Theo nhân sĩ địa phương, trước đây có thấy các chữ Hán khắc trên thành giếng “Dương Hòa Nguyên niên - Ất Hợi tuế - Lục nguyệt tạo” (1635).

5.

Giếng Thành Cung – Nam Ô: Giếng còn có tên là Giếng Thành Trạm,  với ý nghĩa là thuộc về một đơn vị xưa kia gọi là “cung” hoặc “trạm”. Giếng hiện nằm sát bên đường bê tông trong khu dân cư, thuộc tổ 32, khối phố Nam Ô 2B, phường Hòa Hiệp Nam. Lòng giếng hình vuông, kích thước 1m x 1m,  còn nhìn thấy mỗi bờ thành giếng được ghép bằng 8 phiến đá. Theo nhân sĩ địa phương, trước đây có thấy các chữ Hán khắc trên thành giếng “Gia Long thập tứ niên. Ất Hợi tuế - Lục nguyệt tạo” (1815).

6.

Giếng Bà Bang – Nam Ô: Giếng còn có tên là Giếng Quán Hóa Ổ, ở vị trí gần bờ sông Hóa Ổ, nay nằm trong khu dân cư phía tây đường Nguyễn Lương Bằng, kiệt số 957, phường Hòa Hiệp Nam. Lòng giếng hình vuông, kích thước 0,96m x 0,96m, nay bị lấp nhiều rác thải, hiện chỉ còn nhìn thấy 2 lớp đá phía dưới và phần gạch, xi-măng xây nối thêm ở phía trên.

Giếng Đại La (Thăng Long), giếng Khuê Trung và giếng Lăng.
Giếng Đại La (Thăng Long), giếng Khuê Trung và giếng Lăng.

Những dòng chữ Hán khắc trên thành giếng khiến một số người nghĩ rằng đây là giếng được tạo tác trong thời kỳ gần đây, như các niên đại ghi trên thành giếng. Ngoài ra có một số giếng cổ khác có lòng giếng “trên tròn, dưới vuông”, hoặc “trên vuông dưới tròn” được giải thích là giếng được làm theo quan điểm âm-dương của người Việt. Tuy nhiên, khi so sánh với loại hình giếng tiêu biểu ở các bối cảnh cộng đồng cư dân thuần nhất, chúng ta có được cái nhìn rõ hơn về sự tiếp xúc văn hóa thể hiện ở các giếng cổ còn thấy ở Đà Nẵng.

Đối với địa bàn cư dân người Kinh, có thể xem địa bàn Thăng Long là tiêu biểu. Tại di tích Hoàng Thành Thăng Long được khai quật khảo cổ những năm gần đây, đã phát hiện nhiều giếng cổ, niên đại kéo dài từ thời Đại La (thế kỷ 8 - 9 đến thời Lý, Trần (thế kỷ 11-14); tất cả các giếng cổ này đều có dạng tròn, thành giếng xây bằng gạch. Đối với địa bàn cư dân Champa cổ, chúng ta còn thấy một vài chiếc giếng trong khu vực di tích Chăm, như một giếng vuông, đáy giếng có các thanh gỗ, được phát hiện năm 1997 khi khai quật tại trung tâm di tích thành Đồ Bàn (Bình Định); một giếng vuông hiện còn nhìn thấy tại khu di tích tháp Khương Mỹ (Quảng Nam). Ở khu vực đồng bào Chăm hiện nay, chúng ta thấy chiếc giếng ở làng Thành Tín (Ninh Thuận) có thành giếng hình vuông, ghép bằng các thanh gỗ, cách thức lắp ghép tương tự như lắp ghép các phiến đá của các giếng vuông ở Đà Nẵng.

Có thể nhận định rằng truyền thống khai thác nước ngầm của người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ chủ yếu là đào và xây lòng giếng hình tròn, bằng gạch. Trong khi đó cư dân Champa khu vực ven biển Trung bộ có truyền thống đào và xây lòng giếng hình vuông, ghép bằng các phiến đá hoặc gỗ. Trong quá trình chuyển dịch cư trú, các truyền thống riêng được tiếp thu, sử dụng đan xen giữa những cộng đồng cư dân. Ở khu vực miền Trung, chúng ta thấy có những trường hợp lòng giếng “trên tròn, dưới vuông” hoặc “trên vuông dưới tròn” (do quá trình cải tạo của người Kinh xây thêm miệng giếng tròn trên phần giếng vuông, hoặc lồng bi giếng tròn vào dưới lòng giếng vuông).

Trong khi đó ở khu vực đồng bằng Bắc bộ vẫn có một vài giếng cổ với những nét khác biệt, như giếng ở Đan Phượng (Hà Tây), lòng giếng phía trên hình tròn, xếp bằng đá ong, đáy giếng có ghép khung gỗ hình vuông; có thể nhận diện đây là một dấu hiệu tiếp thu truyền thống giếng Champa (xưa kia địa bàn Đan Phượng từng có cộng đồng cư dân từ Champa chuyển ra cư trú). Đặc biệt ở vùng Hà Tĩnh, một vùng đệm tiếp xúc lâu dài giữa Đại Việt và Champa, đã tồn tại song hành các giếng vuông cổ, ghép đá bên cạnh nhiều giếng tròn, xây gạch.

Giếng làng từ lâu đã là một địa chỉ thân thuộc trong văn hóa Việt Nam trước khi có các nhà máy cung cấp nước sạch qua đường ống. Nhiều cung bậc tình cảm, nhiều sắc màu văn hóa đã lắng đọng ở khung cảnh giếng làng Việt. Một số giếng cổ còn lại trong lòng đô thị Đà Nẵng  ngày nay là những chứng tích trực quan về sự giao lưu, hòa trộn của các dòng chảy văn hóa trong lịch sử của vùng đất, có lẽ cũng nên có biện pháp bảo tồn.

VÕ VĂN THẮNG

;
.
.
.
.
.