.

Em bé Cơtu

.

Tại lễ trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 12-2013 tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhà báo Đặng Văn Nở -Báo Đà Nẵng đã được xướng tên với tác phẩm Em bé Cơtu - Huy chương Vàng FIAP- giải của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế. Có mặt tại lễ trao giải, nhà báo Xuân Phong- Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) đã có một góc nhìn về tác giả đoạt giải.

 

Nhà báo Đặng Văn Nở đã chứng minh rằng không cứ phải là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp mới có thể giành ngôi vương. Anh đã đoạt Huy chương Vàng của FIAP với tác phẩm “Em bé Cơtu” trong cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam.

Khi cái tên Đặng Văn Nở được xướng lên cho Huy chương Vàng ở thể loại ảnh Chân dung do FIAP trao tặng, nhiều người nhìn lên khán đài với ánh mắt ngạc nhiên. Tác giả của bức ảnh “Em bé Cơtu” quá trẻ. Nhìn anh chân chất, mộc mạc, nụ cười hiền, nói năng chậm rãi, đĩnh đạc quy chuẩn giống một công chức hơn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nếu tìm kiếm ở vẻ bề ngoài thường thấy của những tay máy chuyên nghiệp chất lãng tử, phong sương, ống kính tê-lê dài mấy gang tay, tóc dài thổi bay trong gió hoặc búi tó củ hành, ăn sóng nói gió, hẳn nhiên không có ở anh. Nhưng tất cả những điều ngạc nhiên thoáng qua ấy được quên ngay bởi người ta quan tâm đến bức ảnh của anh.

Bức ảnh đơn sắc (đen trắng) đặc tả khuôn mặt của em bé Cơtu với bố cục truyền thống của ảnh chân dung. Điều đặc biệt của bức ảnh là đôi mắt to đen láy như đọng nước nhưng tươi sáng của em bé như hút ánh nhìn của bất cứ ai khi chạm đến. Bức ảnh này Đặng Văn Nở chụp trong chuyến đi cùng CLB Nhiếp ảnh Nghệ thuật Sông Hàn (thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng) về làng Aduông 2 thuộc thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam trao quà giúp đỡ đồng bào dân tộc Cơtu tại đây.

Ấn tượng đầu tiên của anh về em bé này là khuôn mặt rất ngây thơ, đôi mắt sáng trong và nụ cười mỉm rất huyền bí. Và giây phút bắt gặp ánh nhìn của em bé, anh đã bấm máy. Bức ảnh này anh rất thích nên gửi dự thi ở nội dung ảnh nghệ thuật Chân dung cùng với những bức ảnh khác ở các chủ đề Thiên nhiên, Du lịch và Tự do như quy định của ban tổ chức. Khi chọn bức ảnh này, Đặng Văn Nở không thể nghĩ rằng bức ảnh có thể đoạt giải vì bố cục bức ảnh này hơi cổ điển. Trong khi đó, cuộc thi lần này, có tới 4.005 ảnh chân dung trong tổng số 15.360 ảnh của hơn 1.427 tác giả là những nhà nhiếp ảnh trên toàn thế giới gửi đến dự thi.

Cho đến bây giờ, Đặng Văn Nở đã chụp hàng ngàn bức ảnh ở các đề tài nhưng chủ yếu là ảnh báo chí. Chụp ảnh nghệ thuật đòi hỏi cao hơn rất nhiều, ngoài kiến thức ra thì còn cần phương tiện kỹ thuật. Nhưng có một bức ảnh mà Đặng Văn Nở chụp sau đó giành được giải thưởng đã tiếp cho anh thêm sức mạnh, rằng anh có thể làm được điều kỳ diệu ngay trong điều kiện khó khăn, thua kém về mặt công nghệ. Đó là tác phẩm Lung linh sông Hàn anh chụp năm 2008, khi lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế.

Nhưng những tác phẩm đoạt giải này với anh vẫn chưa phải là bức ảnh đem lại cho anh nhiều cảm xúc nhất cho đến khi anh chụp được bức ảnh mang tên Nỗi đau. Tác phẩm này anh chưa công bố. Bức ảnh này anh chụp tại Hội trường UBND tỉnh Quảng Bình, nơi diễn ra lễ dâng hương và lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà Quảng Bình. Để có được bức hình này, anh đã “phục” hơn một giờ đồng hồ và chụp gần 100 bức ảnh về một nữ sĩ quan trẻ đang khóc nghẹn ngào tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hay tác phẩm Nước mắt người mẹ, Đặng Văn Nở chụp một người phụ nữ có hai con bị nhiễm chất độc da cam. Trong gần 20 năm qua, người mẹ ấy đã vượt qua bao khó khăn để chăm sóc chu đáo cho những đứa con tật nguyền. Bức ảnh chụp không hề thấy người mẹ khóc, nhưng ai đó khi nhìn vào chắc hẳn sẽ không khỏi rơi lệ… Để có bức ảnh này, Đặng Văn Nở đã đến thăm gia đình chị ấy rất nhiều lần, tâm sự, sẻ chia với những mất mát và nỗi đau mà họ đang phải trải qua.

ĐÀ NẴNG

;
.
.
.
.
.