Báo xuân Đà Nẵng 2014

Thể thao

Ông Chính "cầu lông"

08:07, 27/01/2014 (GMT+7)

Ở Đà Nẵng, rất nhiều người biết ông Chính - hai chín tháng ba và cũng không ít người biết ông Chính “cầu lông”. Cũng dễ hiểu bởi đến nay, sự phát triển của cầu lông Đà Nẵng có phần đóng góp rất lớn của ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt - may 29-3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Đà Nẵng Huỳnh Văn Chính tại giải Cầu lông thành phố Đà Nẵng năm 2009.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Đà Nẵng Huỳnh Văn Chính tại giải Cầu lông thành phố Đà Nẵng năm 2009.

Duyên nợ

Những năm 1980, do công việc, ông Chính thường xuyên đi công tác khắp các địa phương trong cả nước. Lúc ấy, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn khi “ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm” nhưng người dân ở những nơi ông từng ngang qua lại rất lạc quan, vui vẻ. Bởi đơn giản, ngoài “bánh mì”, cuộc sống của họ còn có “hoa hồng”. Và “hoa hồng” ở đây chính là cầu lông.

Ông Chính nhớ lại: “Một thời, cả nước từng có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” thì tại sao hôm nay chúng ta không biết lấy phong trào cầu lông để giúp cuộc sống lạc quan hơn, mang lại nhiều hơn sự sảng khoái cho mọi người giữa những bộn bề gian khó?”.

Suy nghĩ ấy được ông bàn bạc với một số bạn bè cùng chơi cầu lông và sự phát triển manh nha của cầu lông Đà Nẵng đã được định hướng nghiêm túc. Năm 1995, Liên đoàn Cầu lông Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức được thành lập và ông được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch.

Song, xây dựng phong trào là một chuyện, nuôi dưỡng và phát triển phong trào lại là chuyện khác, ông nghĩ như thế. Muốn vậy, phải để những tay vợt cầu lông nghiệp dư được cọ xát, thi thố, thỏa mãn thì mới có thể tạo được sức mạnh cho phong trào.

Ngay trong giải cầu lông các CLB Quảng Nam - Đà Nẵng lần đầu tiên vào năm 1995, sức sống của phong trào được thể hiện rõ nét khi giải thu hút sự tham gia rất hào hứng của tất cả các cơ quan, đơn vị, CLB trong toàn tỉnh. Không chỉ Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ mà cả những huyện miền núi như Hiệp Đức, Trà My... cũng đưa quân về thi đấu. Từ năm 1996, giải được chính thức gắn thêm hai chữ “truyền thống”, như sự khẳng định mạnh mẽ cho những bước phát triển tương lai của cầu lông Đà Nẵng. Đến năm 1997, từ những thay đổi hành chính dẫn đến những thay đổi về lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông, ông chính thức trở thành “thuyền trưởng” của cầu lông Đà Nẵng trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông thành phố.

Không để “chết” phong trào

Nhưng giữa lúc phong trào đang có những bước phát triển khá sáng sủa thì tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách. Những xáo trộn nhân sự, lại thêm những khó khăn dẫn đến việc một số doanh nghiệp không tham gia tài trợ nên có một số ý kiến đề nghị tạm dừng tổ chức giải. Song, khi giải đã thành truyền thống và tác động tốt đến phong trào thì không dễ dàng dứt bỏ.

Ông Huỳnh Văn Chính (bên trái) đã tạo được dấu ấn khi góp phần quan trọng vào thành công của cầu lông Đà Nẵng thông qua các giải cầu lông truyền thống thành phố Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Văn Chính (bên trái) đã tạo được dấu ấn khi góp phần quan trọng vào thành công của cầu lông Đà Nẵng thông qua các giải cầu lông truyền thống thành phố Đà Nẵng.

Là doanh nhân từng đưa được “con tàu 29-3” vượt qua không ít thử thách của thời cuộc nên trong “cuộc chơi” này, ông Chính không chấp nhận bỏ cuộc dễ dàng. Với vai trò Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông thành phố, không ít lần ông phải “xách bị, gậy đi xin”- theo cách nói vui - để duy trì tổ chức giải, đồng nghĩa với việc duy trì phong trào.

Chính sự nhiệt tâm, những đóng góp bất vụ lợi cùng cách nghĩ và cách làm quyết liệt của mình, ông Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Huỳnh Văn Chính đã góp phần tạo được sự đồng thuận trong lãnh đạo liên đoàn. Đồng thời, sự nhiệt thành với phong trào của ông rồi cũng tạo được niềm tin rất lớn từ các nhà tài trợ.

Cho nên, không ngẫu nhiên để Công ty Nam Việt Á gắn bó với hoạt động cầu lông Đà Nẵng không dưới 8 năm hay Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam - thương hiệu Larue vẫn tiếp tục tài trợ cho giải đến năm 2014. Đặc biệt, Hãng cầu 999 trở thành doanh nghiệp đồng hành cùng giải qua 20 lần tổ chức. Từ tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết của ông và các thành viên trong Liên đoàn Cầu lông Đà Nẵng đối với phong trào, số người tập luyện cầu lông Đà Nẵng thường xuyên duy trì ở mức 10.000-15.000 người trong hơn 50 CLB trên toàn thành phố.

Trăn trở

Năm 2013, sau gần 20 năm gắn bó với cầu lông, ông Chính xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch Liên đoàn. Nhưng cầu lông Đà Nẵng vẫn không thể thiếu ông, cũng như ông không thể rời xa cầu lông. Mối “lương duyên” ấy không thể dứt trong ngày một, ngày hai.

Bây giờ, ông vẫn cứ đau đáu như hồi còn đương nhiệm: “Tự hào khi đã góp phần tạo nên một thương hiệu cho thành phố thông qua cầu lông, thông qua 19 lần giải truyền thống nhưng tôi cũng hụt hẫng khi không thể có cuộc chuyển giao đầy đủ cho các anh em đi sau một cơ sở đầy đủ như ước muốn”.

Đó cũng chẳng phải nỗi niềm của riêng ông nhưng có lẽ ông là người cảm thấy khắc khoải, trăn trở nhiều hơn trước tương lai của cầu lông Đà Nẵng.

Còn nhớ, những năm 1999-2000, Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên và gần như duy nhất của cả nước có được một cơ ngơi làm việc cùng địa điểm tập luyện cho các vận động viên cầu lông. Thậm chí, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và không ít vị lãnh đạo thành phố từng đến thăm và hứa hẹn sẽ có hướng đầu tư tốt hơn cho cầu lông Đà Nẵng. Thế nhưng, do những biến động, đến nay, nhà tập luyện cầu lông không còn thuộc sở hữu của Liên đoàn Cầu lông thành phố và các VĐV được tập luyện chỉ nhờ vào… lòng tốt của đơn vị chủ quản sân Chi Lăng!

Không những thế, khi cầu lông Đà Nẵng gặt hái được những thành công ban đầu trên sân đấu quốc gia cũng khiến ông Chính vẫn trĩu lòng. “Thành tích đỉnh cao không phải là nhiệm vụ của liên đoàn mà Nhà nước cần phải có trách nhiệm. Vì thế, chúng tôi cần một sự chung lưng, đấu cật, song trước mắt liên đoàn vẫn bảo đảm đi đúng mục tiêu, định hướng của mình”, ông nói.

Dù trở lại điểm xuất phát sau 14 năm xây dựng nhưng có thể trong tương lai không xa, cầu lông Đà Nẵng sẽ trở lại thời hưng thịnh như đầu những năm 2000. Bởi lẽ, với những người đầy nhiệt huyết như ông Chính, cầu lông Đà Nẵng vẫn có cơ sở để hy vọng khi nền tảng của ngày mai đã có từ hôm nay...

BẢO AN

.