.

Chấm son Hòa Vang

.

Bác Hồ căn dặn: “Hãy cố gắng làm cho Hòa Vang trở thành chấm son trên bản đồ Tổ quốc”.

Cái rét cuối năm ập đến, không ngăn nổi màu xanh của những cánh đồng trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn… thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đi từ xa, đã nhìn thấy những “mái vòm” màu trắng trải dài dọc con đường bê-tông, giống như tuyết đầu mùa phủ dày ở nước Nga.

Trò chuyện với một số nhân viên đang chăm sóc những luống dưa leo và khổ qua trĩu quả, tôi mới hiểu rõ những đòi hỏi nghiêm ngặt trong quá trình ứng dụng công nghệ cao: mái che ni-lông trắng, không chỉ để điều hòa độ nóng và độ rét, mà còn ngăn ngừa sâu bệnh từ các vùng khác lây lan. Các ống dẫn dọc ngang, tự động phun nước giữ độ ẩm cho cây.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Nhà văn hóa xã Hòa Tiến tại lễ khánh thành.Ảnh: Thanh Tân
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Nhà văn hóa xã Hòa Tiến tại lễ khánh thành.Ảnh: Thanh Tân

Chị Thái cho biết, khoảng 40 đến 50 ngày là dưa leo cho thu hoạch, nếu được giá thì một héc-ta thu được khoảng 180 - 200 triệu đồng. Nhờ áp dụng công nghệ cao và liên doanh liên kết với doanh nghiệp, bà con nông dân an tâm đầu tư sản xuất, thu nhập ngày thêm “của ăn, của để”. Từ vùng rau, chúng tôi rẽ thăm vùng ao, đầm nuôi các loại cá trê, chép, rô phi, điêu hồng…

Gặp anh Cao Văn Thuận, 41 tuổi, đang cho cá trê lai ăn trên một diện tích hơn 20m2 mặt nước mà có tới hơn 900 con, có con nặng tới 4 – 5 cân. Anh vui vẻ kể, từ ngày nuôi loại cá trê lai này bằng công thức chăm sóc đơn giản, một năm gia đình anh cũng thu lời từ 30 – 40 triệu đồng…

Đi theo anh Nguyễn Thanh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; anh Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang, chúng tôi thăm dọc xã Hòa Khương vào chiều mưa lâm thâm, nhưng đồng ruộng vẫn rộn ràng nhịp sống.

Anh Hùng giọng sôi nổi: Rất tiếc vì ít thời gian nên không đưa anh thăm mô hình trồng hoa ở Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Ninh; mô hình trồng nấm ở Hòa Phong, Hòa Sơn…; mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Hòa Phú, Hòa Sơn; mô hình sản xuất lúa giống ở Hòa Tiến; mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương; mô hình trồng cỏ nuôi bò ở Hòa Phú, Hòa Bắc…

Nhưng may mắn, lúc về trụ sở huyện, được trao đổi cặn kẽ và tiếp xúc với nhiều văn bản, chúng tôi mới vỡ lẽ rằng, những mô hình nêu trên là kết quả quá trình nghiên cứu bài bản, triển khai từng bước vững chắc từ năm 2010, khi huyện chính thức phát động “Phong trào xây dựng nông thôn mới”, nhấn mạnh việc coi trọng làm thí điểm, gắn với sơ kết trước khi nhân rộng ra toàn huyện.

Đây cũng là thành quả từ các đề án được xây dựng công phu với sự góp ý, phản biện của các nhà khoa học, như Đề án phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Đề án cải tạo vườn tạp; Đề án dồn điền đổi thửa; Đề án phát triển giá trị rau an toàn; Đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch; Đề án củng cố, phát triển hợp tác xã…

Trên cơ sở các đề án đó, huyện nêu lên phương châm chỉ đạo: “Tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau, làm quyết liệt, có hiệu quả”. Trong các hội nghị cán bộ chủ chốt, Huyện ủy thường xuyên quán triệt quan điểm: “Nhận thức đúng là tiền đề; Cán bộ tâm huyết là quyết định; 19 tiêu chí là định hướng; Phát triển sản xuất là gốc; Xây dựng hạ tầng là khâu đột phá; Nâng cao đời sống của người dân là mục tiêu; Lợi ích mang lại cho người dân là động lực; Lòng dân đồng thuận là bí quyết thành công…”.

Tôi tâm đắc khi được biết, những dòng chữ nêu trên đã không “nằm bất động” trong nghị quyết, mà đã và đang biến thành ý chí, hành động của các tầng lớp nhân dân Hòa Vang cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Công tác tuyên truyền, cổ động khơi dậy niềm tự hào về một vùng đất có chi bộ Đảng được thành lập từ năm 1945; nơi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Công an nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; nơi mà những phát đại bác đầu tiên của thực dân Pháp đã bắn vào Hòa Vang năm 1858, mở đầu cuộc xâm lược nước ta; nơi mà năm 1965, những sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, từ biển đổ bộ đầu tiên vào Đà Nẵng, đã chọn Hòa Vang là cứ điểm khống chế thành phố, biến đây thành “vành đai trắng” nhằm chia cắt thành phố với căn cứ cách mạng của ta...

Ra đồng.  Ảnh: Ngô Văn Đức
Ra đồng. Ảnh: Ngô Văn Đức

Đọc kỹ cuốn “Lịch sử Đảng bộ Hòa Vang”, tôi thấm thía những thành quả của công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong phong trào xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay, có sự tiếp sức lớn lao từ truyền thống cách mạng hào hùng của Hòa Vang suốt 70 năm qua. Ba mươi năm đổi mới đã thay đổi diện mạo Hòa Vang, biến vùng đất chi chít đạn bom năm xưa thành màu xanh lan tỏa rộng, hứa hẹn ấm no, hạnh phúc.

Thu nhập bình quân đầu người từ 12,24 triệu đồng/năm (2010), nay đạt 27,24 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 12,6%, sau 5 năm còn 2,3%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ 43%, nay đạt 91,7%. Hiện nay, huyện không còn tình trạng dân ở “nhà tạm”, 98,7% đã có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; 100% số xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao khang trang…

Đi trên các con đường bê-tông liên thôn, liên xã thoáng rộng, tôi có chút băn khoăn khi thấy đây đó xuất hiện những bãi phân trâu, phân bò. Hiểu ý tôi, anh Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Phát triển nông nghiệp, nông thôn giải thích: Điều ấy sẽ được giải quyết thông qua phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, các Đội thanh niên tình nguyện sẽ tổng vệ sinh cùng các đội tự quản môi trường. 11/11 xã đều có phương án thu gom, vận chuyển rác thải.

Tổng kinh phí bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2015 là hơn 94 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới là 2.411 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 455,7 tỷ đồng, ngân sách thành phố là hơn 843 tỷ đồng, ngân sách của huyện gần 95 tỷ đồng, nguồn nội lực nhân dân là hơn 216 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp là hơn 130 tỷ đồng…

Điều mà nhiều người đến thăm Hòa Vang đều có chung suy nghĩ là: Chủ trương ở đây đã không “nằm trên giấy”; đồng tiền được chi đúng quy định và đạt hiệu quả; nhân dân tin Đảng, cán bộ và dân “xắn tay áo” cùng làm, tạo nên sức mạnh “lấp biển dời non”…

Tạm biệt Hòa Vang, tôi thấm thía câu thơ Tố Hữu: “Đất nghèo nuôi những anh hùng”. Riêng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của huyện, đã có 4 anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang nhân dân là Mai Đăng Chơn, Nguyễn Thành Năm, Nguyễn Bá Tùng, Lê Kim Lăng; hơn 1.300 Mẹ Việt Nam anh hùng...

Trong 30 năm đổi mới, nơi đây là “lò đào luyện” những cán bộ tài năng, tâm huyết như Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Bá Thanh, Trần Thọ, Nguyễn Thanh Quang... Và một trong những câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc trong tôi - đó là lời kể của đồng chí Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy: năm 1965, được cấp trên đồng ý, anh Mai Ngọc Châu, Huyện ủy viên, Chính trị viên Huyện đội được cử ra Bắc báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị về tình hình của Hòa Vang trong đánh Mỹ. Bác chăm chú nghe và căn dặn: “Hãy cố gắng làm cho Hòa Vang trở thành chấm son trên bản đồ Tổ quốc”. Không phụ niềm tin yêu của Bác, Hòa Vang hôm xưa và hôm nay đã và đang thành chấm son có sức lan tỏa rộng khắp đất nước ta.

HỒNG VINH

;
.
.
.
.
.