.

Lay ơn đỏ

.

Hồi Bà Nà còn đầy vẻ nguyên sơ, men theo những bờ dốc đầy cỏ cây hoa lá, bao người đã dừng bước bần thần trước những cánh lay ơn đỏ thắm nằm rải rác. Cứ muốn ngắt một nhành cắm vào ly nước trong phòng nghỉ, mà đành phải dời chân khi thấy tấm biển nhỏ xin đừng bẻ hoa. Có lẽ đó là dấu tích của một trong những loại hoa sang trọng mà người Pháp đã từng phải để lại trong quên lãng trên đỉnh Bà Nà.

Hàng chục năm rồi, cứ trước Tết độ 2-3 ngày, tôi cũng dặn bà Rơi ở chợ Hàn, để sẵn cho vài bó lay ơn. Phần để chưng ở nhà, phần đem chưng bàn thờ hai bên nội ngoại. Một năm chỉ có 3 ngày giáp Tết là bà Rơi bày bán lay ơn Đà Lạt ở góc đường Trần Phú - Nguyễn Thái Học.

Bó hoa của bà nặng trịch, búp căng mọng, như còn  thiêm thiếp ngủ. Bà bảo, về nhà cứ để nguyên vậy, cuốn giấy báo, ngâm vào xô nước chừng 3-5cm. Tới sát Tết, hãy cắt chéo cuống hoa, phun ít nước rồi đem cắm, hoa sẽ dần dần nở, cành nào cũng có trên 10 bông. Có năm, không thấy bà bán, lội mãi, vẫn không mua được bó hoa ưng ý.

Nhiều gia đình thích lay ơn nở bung vào ngày mồng một Tết. Nhiều gia đình lại thích ngắm lay ơn khi nụ hoa đỏ thắm mới nhoài ra khỏi búp. Hết 3 ngày Tết, rồi 5 ngày Tết, nhiều người vẫn quyến luyến cái màu đỏ này, lại đảo ra chợ, mua chục hoa mới cắm lại kéo dài cho gần đến rằm tháng Giêng.

Vạn người mua, có mấy người biết được ngoài vẻ đẹp thắm rực kia, lay ơn còn ẩn chứa một “lý lịch” bi thương. Lần tìm trong sự tích các loài hoa, lay ơn được dành nguyên một câu chuyện dài trên ngàn từ. Xin tóm lại mươi dòng:

Ngày xưa tại thành Roma có viên tướng tài tên là Bácbagalô. Trong một trận đánh chống người Tơrevơ, ông bắt được hai viên sĩ quan trẻ tuổi phong nhã, tài ba làm tù binh là Têrét và Xép. Ngoài tài thao lược, họ còn tinh thông cả âm nhạc, hội họa, thơ ca.

Nhưng, thật trớ trêu, cả hai người con gái của viên tướng đều đem lòng yêu thương các chàng trai. Biết được điều này Bácbagalô đã tìm cách giết hại các chàng trai trẻ bằng cách bắt họ đấu kiếm để giết hại lẫn nhau.

Têrét và Xép bèn cắm phập lưỡi kiếm xuống đất, thà chịu tội chết chứ quyết không đấu kiếm. Lập tức hai người bị chém đầu. Đầu hai chàng trai vừa rơi xuống đất thì lạ thay, từ hai thanh kiếm vươn ra những chiếc lá dài sắc nhọn và ở mỗi nách lá đâm ra một bông hoa thắm màu rực rỡ…

Với nhiều nước trên thế giới, lay ơn trở thành biểu tượng của chiến thắng. Cua-rơ Gerrie Knetemann (Hà Lan) là người đầu tiên nhận những bông hoa lay ơn khi chiến thắng ở Tour de France vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Không biết, lay ơn có được xem là biểu tượng của tình yêu, niềm tin? Dù là biểu tượng gì, thì lay ơn luôn là loài hoa khiến bao người, từ Bắc chí Nam luôn muốn ngắm nhìn trong ngày Tết. Phiên chợ Tết, các mẹ các chị nào cũng vây quanh những chỗ bán lay ơn để chọn tìm một bó, rồi cứ hỏi nhỏ nhau: Đà Lạt hay Tuy Hòa? Lay ơn Đà Lạt có giá cao có khi gấp rưỡi, gấp đôi Tuy Hòa. Người không rành mua, thì khó lòng phân biệt. Nhiều khi, cầm bó lay ơn Tuy Hòa rời chợ, nhưng lại trả cái giá của lay ơn Đà Lạt!

Lay ơn được trồng ở Đà Lạt từ khoảng giữa thế kỷ 20. Còn ở Tuy Hòa, nhiều gia đình cũng đã có hàng chục năm gắn bó với lay ơn. Riêng  vùng đất Bình Ngọc của thành phố này là nơi cung cấp lay ơn chủ yếu cho cả tỉnh Phú Yên, và các tỉnh lân cận, vào tận Sài Gòn.

Những năm gần đây, không chỉ lo chong mắt phân biệt Tuy Hòa với Đà Lạt nữa, mà còn chong mắt giữa rừng lay ơn tràn ngập đủ màu: đỏ cờ, đỏ tía, hồng nhung, hồng phấn, hồng đào, hồng nhạt, vàng, màu xanh, màu tím, màu trắng sữa. 

Dù có lắm sắc màu thế nào đi nữa, thì cái màu đỏ vẫn là màu áp đảo và được nhiều người ưa chuộng nhất. Không còn lo đi chợ muộn, kiếm không ra một bó để mua, Lay ơn đã có những lúc ê hề như thịt, như rau ngày Tết. Cứ khoảng đất nào trống ở rìa rìa cổng chợ là thấy lay ơn nằm lăn lóc.  Hình như người xóa đi vị trí độc tôn của lay ơn Đà Lạt, chính là… người Đà Lạt! Ngoài diện tích trồng hằng năm tại Lâm Đồng, người dân ở đây còn xuất bán hàng triệu củ giống đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc.

Ngay vùng đất Nghĩa Hà (Quảng Ngãi), nhiều năm trước, vài hộ dân thử mang giống hoa lay ơn Đà Lạt về trồng nơi xứ nóng miền Trung trên bãi bồi ven sông. Không ngờ, lay ơn lại vươn cành khoe sắc. Giờ, vùng đất này đã có cả trăm hộ dân trồng hoa Tết, trong đó, chủ yếu là lay ơn. Nhiều hộ trồng cả vài ngàn m2. Ngày Tết, hoa được các thương lái chuyển thoăn thoắt về các tỉnh lân cận.

Rồi, do thời tiết đỏng đảnh. Như  cái Tết năm 2015, mãi sau Tết, chừng 50ha lay ơn ở vùng trồng hoa lâu năm nhất tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) có diện tích lớn nhất nước, mới đủng đỉnh đơm bông.

Mà lay ơn lại là loài hoa cao giá, thường được làm đẹp cửa nhà vào những dịp đặc biệt, như Tết, hay dịp đám hỏi, đám cưới, nên ai dám bày lay ơn đầy đường mà bán nữa. Người dân không muốn ra đồng hoa, sợ nhìn lại phải xót xa. Cánh đồng lay ơn đã bị bỏ mặc. Tàn phai. Rũ héo.

Trong khi đó, cũng năm ngoái, tận ngày 29 Tết, lay ơn Tuy Hòa lại rơi vào cảnh thương lái không buồn ngó tới, vì nguồn hoa quá dồi dào. Lay ơn sang trọng, kiêu hãnh là thế, mà vào những ngày hối hả cuối năm, đoạn ngang qua tuyến quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh này, hàng chục căn chòi của các nhà vườn dựng lên để bán hoa cho khách đi đường. Nhiều chủ vườn hoa đến ngày 30 Tết đã vừa bán vừa cho, để kịp về nhà đón giao thừa.

Đã nhiều lần, trên con đường cũ vào Hội An, thấy rất nhiều luống hoa lay ơn được trồng, miên man sắc thắm. Đã nhiều lần, ngồi ngắm bình hoa lay ơn được nâng niu cắt từng cành, thả nhẹ, chạm đáy bình. Nhưng lần nào, cái hình ảnh bông lay ơn đỏ thắm, kiêu hãnh, trên đỉnh Bà Nà cứ nằm hoài nơi đáy mắt.

Cứ ngỡ, chỉ những đóa lay ơn trên đỉnh núi này, người Pháp đã đành lòng bỏ lại, ngờ đâu, ở đỉnh Mẫu Sơn (*) - nơi người Pháp đã có mặt từ năm 1916 xây những căn biệt thự Pháp cho sĩ quan nghỉ dưỡng - cũng có những đóa lay ơn neo lại cả 100 năm. Không may mắn như Bà Nà, Mẫu Sơn hiện ở trong cảnh điêu tàn, trơ trọi, rêu phong. Ngay cả nhánh lay ơn cũng cong queo/gầy rớt/ngập đời giữa đám cỏ hoang/từng bông lơ ngơ/từng bông nhàu ướt… cố kiễng lên/nhìn mây cuốn về xa (**).
Lay ơn năm nay không biết số phận sẽ ra sao?

Khi củ lay ơn được gửi vào lòng đất, phải mất trên dưới 70 ngày, người trồng hoa thắc thỏm cùng tiết trời lúc lạnh muộn, khi mưa dài. Mong rằng, phiên chợ 30, lay ơn không phải vất vưởng nơi dặm đường sương gió. Mong rằng, triệu triệu đóa lay ơn đều bung nở đúng ngày. Mong rằng, trên đỉnh Mẫu Sơn, một mai, du khách muôn phương tìm đến, lay ơn không phải trơ vơ nơi đỉnh núi.

PHAN HOÀNG PHƯƠNG


(*) Đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) cao 1.489m; đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cao hơn 1.500m so với mực nước biển.  (**) Thơ Chu Sơn.

;
.
.
.
.
.