.

Người Việt luôn nhớ cội nguồn

.

“Dù môi trường sống đổi thay thế nào đi nữa, các gia đình Việt Nam vẫn là cái nôi cho các em hiểu biết về cội nguồn đất Việt. Gia đình Việt Nam ở nước ngoài vẫn giữ tục cúng giỗ ông bà hay đón Tết cổ truyền, nấu các món ăn Việt - yếu tố đặc biệt kết nối các em với văn hóa Việt Nam”, kỹ sư Trần Thắng, Việt kiều định cư tại Mỹ nói trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đà Nẵng.

Anh Trần Thắng (trái) tặng Đà Nẵng bản đồ do mình sưu tập. Ảnh: HOÀNG ANH
Anh Trần Thắng (trái) tặng Đà Nẵng bản đồ do mình sưu tập. Ảnh: HOÀNG ANH

* Theo anh, các thế hệ người Việt trẻ sinh ra, trưởng thành, chịu ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài có ý thức về cội nguồn “con Rồng cháu Tiên” của mình không?

Người Việt sống tại Mỹ bao gồm nhiều thế hệ khác nhau. Thế hệ trên 35 tuổi hiểu biết về tình hình Việt Nam và mọi người quan tâm nhiều đến đời sống xã hội, kinh tế, chính trị. Thế hệ từ 22-35 tuổi là các em sinh ra ở Mỹ hoặc định cư khi còn bé, vì thế các em ảnh hưởng nhiều về cuộc sống và văn hóa tại Mỹ.

Một số em chịu khó tìm hiểu về Việt Nam qua việc học tại trường đại học hoặc trở về Việt Nam nghiên cứu, học tập, làm việc trong thời gian ngắn. Các em về Việt Nam tiếp nhận kiến thức căn bản về Việt Nam, còn lại đa phần chỉ biết Việt Nam chút ít. Thế hệ dưới 22 tuổi thì hầu như chỉ biết Việt Nam qua cuộc sống hằng ngày tại gia đình hay sinh hoạt trong cộng đồng người Việt.

Gia đình bên ngoại của tôi sang Mỹ từ những năm đầu 1980 - 1995, đến nay có 4 thế hệ với 50 người. Người lớn nhất là ông ngoại tôi nay đã 93 tuổi, người nhỏ nhất là cháu tôi gần được 1 tuổi. Trong gia đình, nói tiếng Việt là chính, các em họ và cháu tôi nói tiếng Anh nhưng nghe được tiếng Việt và nói tiếng Việt được chút ít. Sống và học trong môi trường văn hóa Mỹ mà giữ được tiếng Việt hơi khó cho bọn trẻ, mặc dù mọi người lớn đều nói tiếng Việt. Ngoài ra, xem các video ca nhạc Việt, tấu hài Việt… cũng là dịp để các em và cháu học tiếng Việt.

* Anh thấy người Việt trẻ ở nước ngoài phản ứng như thế nào trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5-2014 hay những sự kiện trong năm 2015 khi Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xây đảo nhân tạo trái luật pháp quốc tế ở Trường Sa của Việt Nam?

Người Việt trong nước hay ở nước ngoài đều phản ứng trước hành vi xâm phạm lãnh thổ Việt Nam khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam hoặc xua đuổi người dân Việt đánh cá trên vùng biển truyền thống của mình. Lịch sử quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ngàn năm qua luôn ở trong tâm thức của người Việt. Người Việt luôn tranh đấu chống âm mưu thôn tính chủ quyền của Trung Quốc.

Khi đỉnh điểm sự việc xảy ra, các bạn trẻ người Việt và Philippines ở các thành phố lớn như: New York, Washington DC kéo nhau đến sứ quán Trung Quốc để bày tỏ chính kiến và yêu cầu chính phủ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 về lãnh hải Trung Quốc. Một số bạn trẻ hay các học giả người Việt có cách tranh đấu về pháp lý trên đất Mỹ để bảo vệ quyền lợi cho Việt Nam.

Trong dịp này, tôi đã gửi thư lên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain nói rõ tính hợp pháp chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và tham vọng Trung Quốc cũng như nêu ý kiến phản đối những hành động hung hăng của Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương. Tôi đã nhận được thư hồi đáp của Thượng nghị sĩ John McCain và ông ta khẳng định sự xâm phạm của Trung Quốc lên lãnh hải Việt Nam và ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Ðông.

* Trong các hoạt động của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ do anh làm Chủ tịch có đề cập đến nội dung chủ quyền biển, đảo của Việt Nam không?

Chúng tôi có nhiều hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói chung. Gần đây nhất, tháng 11-2015, chúng tôi đã tổ chức hội thảo về hải thương trên Biển Ðông thế kỷ 16-19 tại Đại học danh tiếng Columbia. Qua hội thảo, các bạn trẻ và người Mỹ hiểu thêm về các vấn đề tự do hải thương trên Biển Ðông thời xưa. IVCE cũng đã trợ giúp Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phát hành bộ phim tài liệu 5 tập về Biển Ðông “Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời” đến 100 thư viện của đại học lớn tại Mỹ nhằm giúp thư viện có thêm tư liệu về Biển Ðông. Ngoài ra, chúng tôi đưa bộ phim lên Youtube và đã thu hút trên 70.000 lượt người xem và nửa con số này là từ người Việt tại hải ngoại.

* Sau sự kiện anh sưu tập 150 bản đồ cổ và 3 sách atlas Trung Hoa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa gửi tặng thành phố Đà Nẵng, dư luận trong nước nhận thấy anh là người Việt ở nước ngoài nhưng vẫn giữ cho mình tình yêu đất nước. Từ sau sự kiện này, anh có gặp hay kết thân với người Việt nào chung tư tưởng với mình không?

Tôi làm vấn đề phát triển giáo dục tại Việt Nam và giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Mỹ từ năm 2000 cho đến nay. Nét nổi bậc nhất là việc sưu tầm tài liệu bản đồ cổ. Đây là một phát hiện tình cờ nhưng nó thực sự đã cuốn hút tôi làm miệt mài trong 6 tháng để tìm kiếm và mua bằng được các bản đồ cổ về Biển Ðông và Hoàng Sa cùng những bản đồ cổ Trung Hoa chứng minh giới hạn lãnh thổ Trung Hoa dừng lại tại đảo Hải Nam. Khi số lượng bản đồ nhiều, tôi tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và xã hội thành phố Ðà Nẵng để quản lý và nghiên cứu.

Tôi tin tưởng rằng nhiều người Việt trẻ ở hải ngoại đóng góp cho quê hương ở các lĩnh vực khác nhau, tùy theo điều kiện và thời gian. Nếu hội đủ điều kiện thích hợp, các bạn chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp quý báu. Sự đóng góp của cá nhân tôi hay IVCE cho Việt Nam thể hiện ở việc làm cụ thể, việc làm này cần có sự dấn thân hay say mê với công việc. Tôi tin bằng nhiều cách khác nhau, nhiều người Việt trẻ ở hải ngoại đã và đang làm công việc tương tự như tôi cho Việt Nam.

Trần Thắng sinh năm 1970 tại Quảng Ngãi trong gia đình có truyền thống văn học - nghệ thuật. Ông của anh là nhà thơ Tế Hanh và giáo sư, nhạc sĩ Thế Bảo. Trần Thắng cùng gia đình định cư tại Mỹ năm 1991. Anh tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại Đại học Connecticut và làm việc cho công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt và Whitney từ năm 2000. Anh là Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại New York.

Từ giữa năm 2012, anh sưu tầm 150 bản đồ cổ và 3 sách atlas Trung Hoa cổ chứng minh chủ quyền biển, đảo Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Với đóng góp này, anh được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Biên giới - Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Ðà Nẵng tặng Bằng khen.  Anh được bầu vào Ủy viên Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 8.

HOÀNG ANH thực hiện

;
.
.
.
.
.