.

Nhớ Tết cổ truyền xứ Quảng

.

Dẫu đã nhiều năm sống ở thành phố, dự bao nhiêu cái Tết tại đây, tôi vẫn không bao giờ quên được cái Tết cổ truyền xứ Quảng quê tôi mấy mươi năm về trước.

Tết quê tôi có một nét riêng, vừa thân thương, vừa ấm cúng, tuy quê mùa chất phác mà hấp dẫn lạ lùng.

Khoảng 20 tháng Chạp trở lên, trong làng tôi đã thấy xôn xao. Kẻ thì ra bến sông mua gạo, mua nếp (vì làng tôi chuyên nghề dệt, ít ruộng đất, dân phải mua gạo của người buôn), người thì dặn nhà hàng xóm để dành cho mình mấy tàu lá chuối.

Vài cụ già rảnh rang ngồi chẻ lạt để sẵn cho con cháu gói bánh. Những sợi lạt tước từ cây trảy, mềm mướt, trắng trẻo mà có màu xanh phớt phớt, được buộc lại, gác lên giàn. Các bà mẹ lo sắm áo quần mới cho con nhỏ. Tuy là mỗi đứa chỉ một cái áo, bà mẹ cũng phải tính toán cho đủ. Kẻo rồi đứa có, đứa không, lại phân bì. Các nhà khá giả còn lo quét vôi lại bức tường, sơn lại các cửa, đánh bóng đồ đồng, dọn dẹp bàn thờ, trang hoàng nhà cửa.

Bận rộn nhất là những bà nội trợ có biết ít nhiều khâu bánh trái. Các bà lo mua bột, mua đường, chuẩn bị trứng gà, trứng vịt. Rồi thì các việc rang nếp, rang đậu cũng chiếm nhiều thì giờ. Rang xong, còn phải xay ra bột mới in thành bánh. Làm bánh nổ phải rang nếp vỏ cho nở bung ra. Xong, phải ngồi nhặt những hạt nổ ấy cho sạch vỏ trấu, để riêng ra.

Khi làm bánh nổ, phải thêm đường cho tới, trộn vào nổ, bỏ trong khuôn, nhận cho chặt, làm thành bánh nổ. Bánh nổ có nhiều cỡ, cỡ to và vuông vắn như cái khay trà, cỡ trung trung như cái hộp, cỡ nhỏ xíu mỗi cạnh chỉ ba phân, nhưng tất cả đều được sấy trên lò than, trở nên giòn, ăn rất ngon, thơm mùi gừng. Bánh in cũng có nhiều hình, nhiều cỡ, cái tròn, cái vuông, hình chữ thọ, hình hoa thị.

Từ 25, 26 Tết trở đi, các hàng bánh đã được bày bán trong một căn nhà ngói trong chợ, gọi là Đình Thị. Thôi thì đủ loại, đủ màu sắc. Bánh bò nở ba tai trắng nuột, bánh màu xanh hoa lý, màu hồng, bên cạnh bánh bò là bánh thuẩn nở màu vàng, bánh thuẩn giòn, bánh in bột đậu, bột nếp, bánh da, bánh bảy lửa có một lớp mè rang bọc ngoài thơm phức.

Ngày 27, 28 đến 30, các hàng có thêm bánh tét, bánh tổ. Bánh tét gói bằng lá chuối sứ, có hình ống, mỗi đòn dài độ 50 phân, trong cũng có nhân đậu xanh, thịt mỡ nhưng lượng thịt, đậu ít hơn bánh chưng. Bánh tổ cũng bằng bột nếp và đường vàng nên có màu ngà ngà, được đổ trong chiếc giỏ tre có lót lá chuối, hấp chín, rắc mè lên mặt bánh.

Khách mua bánh ngày Tết cũng rất đông, không những chỉ là người trong làng mà còn là người ở các làng lân cận. Họ thường dạo qua dạo lại, xem kỹ rồi mới mua. Họ chọn những hàng quen, vì đã mua các Tết trước, để có được bánh ngon, không bị sống (bánh tét) vì gói bằng loại nếp ngon, dẻo.

Chợ bánh còn đông đến chiều 30 mới tan, và tuy là nhiều hàng nhiều loại như thế nhưng chiều 30 là hết sạch.

Tối 28, 29 trong xóm cũng đã có nhà làm thịt heo, tiếng éc éc vang xa. Đó là các nhà quen biết, thân thích chung nhau để lấy thịt ăn Tết, khỏi mua thịt chợ. Làm thịt heo, họ còn tận dụng được xương lòng để nấu cỗ, có thịt để làm chả, gói nem, gói trưỡi.

Chiều 30, lác đác có pháo nổ trong xóm, đó là lễ cúng rước ông bà, tổ tiên về vui Xuân với con cháu. Nhà nhà đều quây quần ăn bữa cơm tất niên có nhiều món ngon chế biến từ thịt heo, thịt gà, nói cười rôm rả. Mọi việc xích mích hờn giận ngày thường giữa chị em, con cái đều được đẩy lùi, chỉ có sự chan hòa đoàn kết, thân mật nên không khí trong gia đình trở nên ấm cúng lạ thường.

Cơm xong, cha mẹ, anh chị còn mừng tuổi cho các con nhỏ. Chúng vui cười, nhảy nhót, xúng xính trong quần áo mới, rủ nhau đi chơi. Nhưng theo phép nhà, sáng mồng 1 Tết, trẻ con chưa được đến nhà hàng xóm, bạn bè, phải để buổi chiều và nhường cho người lớn đi trước.

Khuya 30, mẹ tôi rang 100 hạt đỗ đen, đem đổ xuống giếng nước trong vườn nhà, mẹ tôi bảo đó là khử giếng, làm cho nước giếng trong lành, ngọt mát, không có chất độc.

Giờ giao thừa, mỗi nhà đều cúng gà đầu năm. Gà cúng phải là gà trống giò, chưa biết gáy mới tốt. Cùng với gà, còn có xôi, bánh. Gà được cúng xong, xé thịt ra từng miếng nhỏ, trộn với hành tây, rau răm và gia vị để ăn với cháo. Người ta thường xem đôi chân gà để đoán những điều lành dữ cho gia đình trong năm đến.

Sáng mồng một, có tục kiêng cử không đến nhà ai buổi sáng sớm, nên các ông, các chú lớn tuổi thường ra Đình hay nhà thờ tộc. Trưa mồng một nhà nhà đều sắm cỗ cúng bàn thờ, cũng nhiều món ngon, như chiều 30. Tối mồng một, phần nhiều là cúng hoa quả, bánh trái, trà nước, không cúng cơm.
Ngày mồng hai, các nhà đi thăm nhau, chúc Tết, mừng tuổi cho người già, trẻ con. Các học trò thăm thầy, cô giáo.

Lễ đưa ông bà thường cúng vào trưa mồng ba, với ý nghĩa tiễn đưa ông bà về cõi âm, nên có nhà cũng đốt pháo.

Trong ba ngày Tết, tại thôn xóm thường diễn ra các trò chơi giải trí như lô tô, bài chòi, bài ghế để người dân giải trí sau một thời gian lao động nhọc nhằn.

Các trò chơi này ăn thua không nhiều, chỉ vui là chính. Vì vậy, người chơi phần lớn là đàn bà, trẻ em. Còn những người đàn ông có máu mê cờ bạc thì họ đi tìm những chỗ khác, khuất lén hơn và ăn thua to hơn.

Bài chòi, bài ghế vui ở chỗ khi có người “tới” là trống con được đánh bum bum và mọi người chơi hô “hụi hụi”, lá cờ giấy màu đỏ được trao cho người “tới”. Người đứng rút con bài còn hô những câu “thai” nghe rất hấp dẫn như:

Đi đâu mang gói đi hoài

Cử nhân không thấy tú tài cũng không là con “học trò”! (con bài có tên là “học trò”)

Hoặc: Một quan tiền tốt mang đi

Nàng mua những gì mà tính không ra

Là con Tám tiền (con bài tên là tám tiền)

Trong nhà, các bà, các chị còn chơi bài trùng, tứ sắc, thanh niên thì xì lát, các-tê, ăn thua không nhiều, chủ yếu là chơi cho vui.

Mồng 4, mồng 5 trở đi là quê tôi trở lại cuộc sống bình thường. Mọi người lại lo đi chợ mua sợi về đạp nước, đạp cơm, quây vải, mắc cửi rồi ngồi vào khung cửi, cần mẫn dệt ra những tấm vải cung cấp cho người tiêu dùng.

Tết cổ truyền của xứ Quảng cũng giống như Tết ở các tỉnh, thành khác trong nước ta, chỉ có ít nhiều nét về thủ tục, thói quen là không hoàn toàn giống nhau. Ở miền Bắc, Tết cổ truyền có:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh

Bây giờ, bánh chưng xanh cũng đã có mặt ở miền Nam từ sau giải phóng, nhưng bánh tét, bánh tổ cũng vẫn là đặc trưng cho cái Tết miền Trung. Đây là một nét văn hóa của người Việt chúng ta, dù ai có sang Âu, sang Mỹ vẫn luôn luôn nhớ về phong tục tập quán chốn cội nguồn.

THANH MINH

;
.
.
.
.
.