Là chuyên gia của Hiệp hội Cứu hộ bằng ván lướt sóng của Úc (Surf Life Saving Australia), David Field (sinh năm 1957) đến Đà Nẵng dạy bơi, cứu hộ rồi yêu luôn thành phố này.
David Field (áo vàng) hướng dẫn các vận động viên trong cuộc thi Cứu hộ biển quốc tế lần thứ nhất tại biển Đà Nẵng.Ảnh: T.H |
Khi mới đến Đà Nẵng, bên cạnh các buổi tập huấn cứu hộ cho các thành viên đội cứu hộ của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý - BQL), hoạt động đầu tiên mà David Field tham gia là dạy các em nhỏ kỹ năng an toàn bãi biển và cứu hộ trong khuôn khổ chương trình “Lướt sóng cứu hộ dành cho trẻ em” tại khu nghỉ dưỡng Furama.
David nhanh chóng nhận ra rằng, so với một số nước trong khu vực như Úc, Thái Lan…, các tiêu chuẩn cũng như kỹ năng về bơi lội của trẻ em ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn thấp. Từng là giáo viên tiểu học, nhiều năm liền gắn bó với các em nhỏ nên ông rất quan tâm đến các kỹ năng của trẻ.
Ông kể, ở Úc, các trường học, các câu lạc bộ (CLB) cứu hộ đều có những lớp học về bơi lội, các khóa tập huấn cứu hộ dành cho các em nhỏ để trẻ có thể tự bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được chú trọng nhiều nên ông rất trăn trở, ông muốn làm được điều gì đó cho em nhỏ Đà Nẵng - trẻ em phố biển không những phải biết bơi mà còn biết… chơi với nước.
Có lẽ vì vậy mà ông đã chọn gắn bó với thành phố biển Đà Nẵng nhiều hơn so với một số thành phố của các nước khác trong khu vực như Bangkok, Phuket của Thái Lan hay Boracay của Philippines. Ngay trong Cuộc thi cứu hộ quốc tế lần thứ 2 diễn ra tại bãi biển Mỹ Khê (năm 2015), ông đã cùng với BQL đưa nội dung cứu hộ dành cho trẻ em vào cuộc thi. Đã có nhiều em nhỏ từ 10-15 tuổi hào hứng tham gia tranh tài cùng các em thiếu nhi quốc tế.
David luôn mong muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cứu hộ biển của Đà Nẵng. Trong ẢNH: David (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp trong một sự kiện tại biển Đà Nẵng. |
Theo David, sau những khóa tập huấn bơi lội hay cứu hộ các em sẽ không còn ngại nước, nhiều em sẵn sàng bơi lướt ván hay tự tin hơn khi bơi ở biển. Năm tới đây, David dự kiến sẽ cùng với BQL tổ chức thêm các lớp cứu hộ không chỉ bó hẹp trong khu vực khu nghỉ dưỡng Furama mà ở bãi biển Mỹ Khê, mở rộng cho nhiều trẻ em ở Đà Nẵng được tham gia.
“Chúng tôi cũng sẽ tổ chức khóa tập huấn chuyên cứu hộ trẻ em cho đội cứu hộ Sơn Trà, đồng thời dạy bơi cho các em luôn. Chúng tôi cũng đang làm một dự án xin chính phủ Úc hỗ trợ, dự án sẽ tập huấn bơi an toàn dưới nước khu vực biển cho trẻ em các xã của huyện Hòa Vang, nhất là những xã ở vùng xa khó tiếp cận với biển. Nếu mọi việc thuận lợi thì hè năm 2016 sẽ triển khai”, ông David hào hứng.
Song song đó, mục tiêu của David khi làm việc tại BQL là nâng cao chất lượng đội cứu hộ Đà Nẵng. Với 35 năm kinh nghiệm cứu hộ biển, ông đã tập huấn đội cứu hộ theo chuẩn quốc tế, hướng dẫn các kỹ năng sơ cứu, chăm sóc người bị nạn, các kỹ năng cứu hộ bằng ván lướt sóng cũng như diễn giải về cơ chế hoạt động của cơ thể người, cách giảm thiểu tối đa những chấn động tiêu cực đối với nạn nhân cho các nhân viên cứu hộ biển Đà Nẵng.
Theo David, phải có sự rèn luyện thường xuyên, có như vậy chất lượng đội cứu hộ mới ngày một nâng cao. Vì thế, mỗi sáng sớm, người dân đi tắm biển Đà Nẵng đã quen với hình ảnh một ông Tây ôm ván cứu hộ đi ra biển. Tại đây, nhân viên đội cứu hộ thay phiên nhau luyện tập về bơi ván dưới sự giám sát của David. Ông còn dành thời gian để dạy tiếng Anh miễn phí cho nhân viên đội cứu hộ và đội trật tự biển.
Phó BQL Nguyễn Đức Vũ cảm thấy rất may mắn khi David chọn gắn bó với Đà Nẵng vì ông là một tình nguyện viên quốc tế có kinh nghiệm, chuyên môn về cứu hộ. David cũng kết nối được với các bãi biển của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Myanmar, Úc… để cử người tới giao lưu, thi đấu trong các cuộc thi. Đây vừa là cơ hội giới thiệu về biển Đà Nẵng vừa là dịp để cứu hộ Đà Nẵng được cọ xát với các nước bạn, học được cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.
Mong muốn nhân viên cứu hộ biển Đà Nẵng tiếp cận các chương trình tập huấn quốc tế, năm 2015, ông David đã xin được 2 suất học bổng tập huấn ở Malaysia trong thời gian 2 tuần. Mới đây, ông còn hỗ trợ Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng ký kết hợp tác với 10 CLB của Úc. Theo đó, các CLB này sẽ gửi các dụng cụ như ván cứu hộ, phao kẹp, máy hỗ trợ tim, dụng cụ hỗ trợ thở… tới Đà Nẵng vào tháng 3-2016. Ông cảm thấy rất tự hào khi là tình nguyện viên đầu tiên của Úc được làm việc ở địa phương, lại là một thành phố biển đẹp như Đà Nẵng. |
THU HÀ