“Tuyệt vời”, “ấm áp” là cảm nhận của những nhà quản lý thể thao, vận động viên (VĐV) nước ngoài, khách mời quốc tế khi ghé qua Đà Nẵng. Không ngẫu nhiên mà Stefan Nguyen, VĐV của CLB Bóng rổ chuyên nghiệp Danang Dragons từng thốt lên: “Tôi thuộc về nơi đây!”. Hay như Horace Nguyen, dù trước đó chưa một lần trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của cha mẹ nhưng khi được biết sẽ khoác áo CLB bóng rổ Danang Dragons, anh đã bật khóc hạnh phúc và xem đó là “ngày trọng đại” trong cuộc đời mình.
Anh Nirut Bunmark, đại diện nhà tài trợ chính của Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 - ABG 5 và Tổng Biên tập tạp chí Sporting Asia của Hiệp hội Olympic châu Á (OCA) Jeremy Brett Walke đều thừa nhận, ngoài cảnh quan tuyệt đẹp, môi trường sống an hòa, Đà Nẵng còn tạo ấn tượng tốt bởi sự thân thiện, hiếu khách và hết sức cởi mở. “Đến Đà Nẵng, tôi có cảm giác như ở nhà khi tất cả đều sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi vô điều kiện”, Nirut Bunmark cho biết.
Thuyền trưởng Wendy Tuck của đội thuyền Đà Nẵng - Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Còn nhớ, trong chuyến hải hành đến Đà Nẵng cùng Cuộc đua thuyền buồm thế giới Clipper Race 2015-2016, không chỉ những “người con của Đà Nẵng” cảm nhận được tình cảm nồng hậu của mảnh đất này mà các vị khách lần đầu đến với thành phố bên sông Hàn cũng bị chinh phục trước vẻ đẹp cũng như tâm hồn người Đà Nẵng.
Rich Edwards, phóng viên thể thao của kênh BBC Sport khẳng định, Đà Nẵng là điểm đến ấn tượng nhất của đoàn đua. Tại đây, anh cùng lực lượng truyền thông của Clipper Race 2015-2016 cảm nhận được sự nhiệt tình của chính quyền thành phố và sự thân thiện của người dân để rồi tất cả đều không muốn chia xa.
Nhắc đến Clipper Race 2015-2016, không thể không nhắc đến nữ thuyền trưởng Wendy Tuck của đội thuyền Đà Nẵng - Việt Nam. Trong ngày chia tay quê hương thứ hai của mình, vị nữ thuyền trưởng này hết sức bất ngờ khi nhận được món quà mừng sinh nhật sớm từ Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trong tiếng hát vang “Happy Birthday to you” của hàng nghìn người có mặt tại cảng Sông Hàn.
Bà không giấu được cảm xúc: “Tôi thực sự hạnh phúc và quả là một bất ngờ. Những ngày ở Đà Nẵng là trải nghiệm tuyệt vời với mỗi chúng tôi. Đà Nẵng là thành phố quá tuyệt vời. Tôi rất tự hào là công dân của Đà Nẵng...”.
Gắn bó lâu dài cùng Đà Nẵng là điều chân sút Merlo (phải) đang hướng đến trong tương lai. |
Lần đầu tiên đến Đà Nẵng, “Cầu thủ xuất sắc nhất giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam 2016” Rudolphe Joly đến từ Canada bày tỏ lưu luyến trên trang cá nhân sau khi trở về nước: “Ở Đà Nẵng, tôi nhận được sự tôn trọng của mọi người và các bạn quá tuyệt vời.
Nếu không có các bạn tạo nên động lực và hỗ trợ tinh thần, chúng tôi không thể giành ngôi vô địch VBA 2016. Tôi ao ước và hy vọng sẽ được trở lại nơi đây bởi các bạn đã chấp nhận tôi như một đứa con của Đà Nẵng.
Cảm ơn vì tất cả”. HLV Peter Nagy, Trưởng Ban huấn luyện Bơi của CLB BVSC Zuglo (Hungary) trong lần đầu đến Đà Nẵng cũng bày tỏ: “Từng đến Thái Lan, Singapore, Hồng Kông nhưng tôi hết sức ấn tượng với Đà Nẵng bởi quê hương của các bạn thật tuyệt vời. Đó là thành phố của ánh sáng cùng những con người hiếu khách, thân thiện. Nếu có cơ hội, tôi ao ước sẽ trở lại và không chỉ một lần”.
Sự thân thiện của người hâm mộ khiến Rudolphe Joly yêu Đà Nẵng nhiều hơn. |
Một trong những cái tên nổi bật trong giới thể thao “phải lòng” Đà Nẵng là Gaston Merlo của CLB SHB Đà Nẵng. Chân sút từng 4 lần giành ngôi “Vua phá lưới V-League” bộc bạch: “Tôi rất yêu mến Đà Nẵng vì cuộc sống nơi đây nhẹ nhàng, yên bình. Tôi không muốn chia xa Đà Nẵng dẫu giã từ sân cỏ. Tôi muốn cống hiến cho bóng đá sông Hàn trong vai trò đào tạo trẻ. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của tôi”.
Sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, Merlo trở thành một công dân đúng nghĩa của Đà Nẵng và Joly hay Horace Nguyen trở lại để gắn bó, không chỉ cùng CLB Danang Dragons mà còn với thành phố bên sông Hàn. Bởi với họ, Đà Nẵng là quê hương…
NGUYÊN AN