Sống xa gia đình, điều kiện thiếu thốn, lịch học dày đặc, các du học sinh Đà Nẵng vẫn đón “Tết ta” theo cách riêng mình. Và cũng nhờ những cái Tết xa, các bạn càng thấm thía hơn ý nghĩa những phút giây đoàn tụ.
Các du học sinh Việt Nam tại Nhật bên bữa tiệc chào năm mới 2016. |
Bùi Thu Linh (Đại học Quốc tế Nhật Bản): Bên nhau cùng làm cái Tết ấm cúng
2017 là năm thứ hai Bùi Thu Linh đón Tết xa nhà. Tết cổ truyền năm ngoái, Linh cùng 21 bạn Việt Nam khác tại trường tổ chức gói bánh chưng, làm nem, nấu thịt đông. Nguyên liệu cho bữa tiệc thịnh soạn nhất năm này được các bạn chuẩn bị trước nhiều tháng. Trong đó, lá chuối gói bánh đặt mua qua trang mạng Vietnam online, đậu xanh, bánh tráng gói nem được đặt mua và chuyển theo đường bưu điện sang Nhật.
Bữa tiệc trở nên đông vui hơn khi có nhiều sinh viên Nhật cùng tham gia. Mọi người hướng dẫn cho nhau, cùng gói, nấu và cùng ồ lên vui sướng khi những chiếc bánh lần đầu thực hiện vẫn vuông vức, xanh ngắt màu lá, vẫn nằm trọn vẹn trong lá chuối sau nhiều giờ nấu. Nồi thịt đông – món ăn nhất định phải có trong bữa tiệc giao thừa của các bạn miền Bắc – không chỉ ngon mà còn trong suốt, rất đẹp.
“Cách nấu, ý nghĩa của từng món ăn, sự tích bánh chưng, bánh dày được các sinh viên Việt Nam kể lại cho các bạn học Nhật Bản. Không nói ra nhưng ai ai cũng thấy tự hào về văn hóa đất nước, về sự gắn kết trong cộng đồng du học sinh Việt. Không được đoàn tụ cùng gia đình nhưng du học sinh Việt vẫn bên nhau, cùng làm một cái Tết ấm cúng nơi xứ người”, Linh nói.
Bùi Thu Linh cho biết, Tết năm nay rơi vào thời gian diễn ra kỳ thi quan trọng, tuy nhiên, các bạn Việt Nam vẫn đặt nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống, lên kế hoạch các trò chơi nhỏ sẽ diễn ra trong lúc đợi đến thời khắc giao thừa, lên danh sách các bản nhạc chào xuân sẽ hát cùng nhau.
Không chỉ vậy, năm nay, mỗi du học sinh Việt Nam tại trường còn tự làm một món quà nhỏ và sẽ “gửi” về làm quà cho gia đình trong thời khắc giao thừa thông qua mạng Internet. Với Linh, đó là một bài thơ, trong đó có đoạn: “Con sẽ về, lại ù óa nũng nịu/ Lại chân trần giả bận bịu cùng ba/ Góc sân nhỏ, lộc vừng hoa thắm đỏ/ Để ngày về, lại rộn rã lòng thơ”.
Mai Hoàng Long (du học sinh tại Troyes, Pháp): Mong muốn quảng bá Tết Việt
Thành phố Troyes (Đông Bắc nước Pháp) có khá đông du học sinh Đà Nẵng đang theo học tại Trường Đại học Kỹ thuật Troyes (University of Technology of Troyes – UTT). UTT nằm trong mạng lưới các trường đại học được Đà Nẵng chọn để “gửi gắm” các học sinh diện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng là trường trao học bổng liên kết với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng).
Năm nay, Mai Hoàng Long (sinh năm 1992, nghiên cứu sinh) đón cái Tết thứ sáu tại Pháp. Long từng là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Troyes, gồm khoảng 50 thành viên – chủ yếu là người Đà Nẵng.
Nhớ lại cái Tết năm ngoái, Long vẫn còn bồi hồi. Vì Tết Bính Thân trùng vào thời điểm giữa tuần nên các du học sinh đành chọn ngày mồng 6 Tết (cuối tuần) để quây quần với nhau trong một chương trình văn nghệ, ẩm thực “cây nhà lá vườn”.
Long kể, bắt đầu từ 19 giờ, các du học sinh Việt Nam tại Troyes tề tựu đầy đủ trong một hội trường nhỏ. Không chỉ có các sinh viên đang học, mà cả những cựu sinh viên Việt Nam đã đi làm tại Pháp, những Việt kiều sinh sống tại Troyes, những người bạn quốc tế do các sinh viên Việt Nam “lôi kéo” đi cùng cũng đến tham dự.
Được chuẩn bị từ trước đó một tháng, chương trình chào Xuân của Hội Sinh viên Việt Nam thật rộn ràng với các tiết mục từ truyền thống như múa lân, múa dân gian, hái lộc xuân cho đến sinh hoạt hiện đại như nhảy flashmob, karaoke giao lưu. Các du học sinh mỗi người một tay, người đi chợ, người nấu để mang đến buổi gặp mặt một thực đơn “no nê”. Cậu bạn vẫn còn nhớ rõ bàn tiệc năm ngoái, với nào những chả giò, gỏi cuốn, nộm, bánh mì vịt quay. “Tự nấu, tự ăn, tự… khen, vậy mà vừa ngon, vừa vui,” Long kể.
Đối với Long, cái Tết xa nhà ấm áp hơn khi được quây quần bên bạn bè, ăn những món Việt Nam, nghe những bài hát Việt Nam… “Cái vui đã đến từ những lúc đi chợ, nấu nướng, bày biện, những buổi tranh thủ tập múa quạt, lúc đi chùa mượn lân…” Long cười nói. Sống xa nhà, niềm vui của các du học sinh tại Troyes đến từ những điều rất giản dị: Được duyệt hồ sơ thuê sân khấu nhanh chóng, được vị sư trụ trì ở chùa Nhân Vương (một ngôi chùa tại thành phố Troyes) cho mượn bộ lân để múa…
Thời điểm này, Hội Sinh viên Việt Nam tại Troyes đang náo nức chuẩn bị cho một dịp quây quần, cùng nhau đón ngày Tết cổ truyền dân tộc. Long nói: “Bây giờ mình không chỉ vui vì cái sum họp của mình, mà còn mong muốn quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt cho những người bạn Pháp. Mình cũng muốn các cô chú Việt kiều đã lâu không có cơ hội về thăm quê được sống với một chút không khí quê nhà ngày Tết”.
Võ Khánh Linh (du học sinh Trường Đại học Sussex, Anh): Đi xa để nhận ra khoảng cách chỉ kéo mình gần lại
Không giống như hầu hết những du học sinh khác vẫn có thể đón Tết cổ truyền cùng Hội Sinh viên Việt Nam, đặt chân đến Anh vào 27 tháng Chạp, Võ Khánh Linh là sinh viên châu Á duy nhất tại trường đại học và có lẽ là người châu Á duy nhất tại tỉnh Sussex. Không ai xung quanh Linh quan tâm đến ngày Tết âm lịch.
Không khí Tết, chợ hoa, bánh chưng, dưa món, thịt muối… bạn chỉ có thể xem qua facebook chứ không thể chạm được, ngửi được hay ăn được. Tuyết và mưa lạnh, cuộc sống mới tại đất nước hoàn toàn xa lạ khiến Linh càng quay quắt nỗi nhớ nhà, nhớ Tết đoàn viên.
Nhìn lại Tết đầu tiên xa nhà của mình, Linh vẫn sợ cảm giác buồn và cô đơn. Tuy nhiên, Linh thừa nhận, nếu cho chọn lại bạn sẽ vẫn chọn đi học với mỗi ngày là một trải nghiệm mới đầy màu sắc, ý nghĩa. Nếu được chọn lại, bạn sẽ vẫn chọn ngôi trường không có người Việt Nam đó để có thêm cơ hội làm bạn với nhiều người đến từ các quốc gia trên thế giới và kể cho họ nghe về phong tục Tết quê mình.
“Đi xa để nhận ra khoảng cách chỉ kéo mình và gia đình lại gần nhau hơn. Đi xa để nhận ra điều ước năm mới giờ đây không phải là được lì xì, được đi du lịch mà là được ôm ba, mẹ thật chặt, dù chỉ là trong mấy phút. Đi xa để nỗ lực học tốt hơn, để rút ngắn thời gian học và sớm quay về cùng gia đình”, Linh chia sẻ.
"Đi xa để nhận ra khoảng cách chỉ kéo mình và gia đình lại gần nhau hơn. Đi xa để nhận ra điều ước năm mới giờ đây không phải là được lì xì, được đi du lịch mà là được ôm ba, mẹ thật chặt, dù chỉ là trong mấy phút. Đi xa để nỗ lực học tốt hơn, để rút ngắn thời gian học và sớm quay về cùng gia đình" Võ Khánh Linh |
NHẬT XUÂN – KHANG NINH