.

Hồ Chí Minh với tư duy đổi mới

.

Chuyện kể rằng, trước lúc ra đi tìm đường cứu nước, được học với các sĩ phu yêu nước tiến bộ, Hồ Chí Minh đã nghe những lời dạy: “muốn bắt cọp phải vào hang cọp”; “muốn đánh Pháp phải hiểu nước Pháp, muốn hiểu nước Pháp phải học chữ Pháp”.

Với một trí tuệ mẫn tiệp, một tư duy đổi mới từ sớm, ngay ở tuổi 13, Hồ Chí Minh đã nghi ngờ những từ ngữ đẹp đẽ “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” mà người Pháp treo ở các trường Pháp-Việt. Hồ Chí Minh muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau các khái niệm đó và anh quyết định sang tận nước Pháp xem họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào.

Không chấp nhận con đường cứu nước Đông du của các bậc cha chú, tự quyết định con đường Tây du, sang tận sào huyệt của kẻ thù đang áp bức dân tộc mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư duy đổi mới với một tầm nhìn và cách nhìn mới.  

Bác Hồ thăm Nhà máy dệt 8-3 (1965). (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ thăm Nhà máy dệt 8-3 (1965). (Ảnh tư liệu)

Sang đến nước Pháp, thấy ở đất “văn minh” cũng có những người nghèo khổ như ở nước mình, Hồ Chí Minh đặt câu hỏi “tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?”.

Đến nước Mỹ, đứng trước Tượng nữ thần Tự do, Người suy nghĩ về các dân tộc bị áp bức và đặt câu hỏi “bao giờ những người bị áp bức mới được tự do, bình đẳng thật sự?”. Suy nghĩ này khác với nhiều người khi họ chỉ nhìn thấy ánh hào quang tỏa ra trên đầu Tượng nữ thần Tự do.

Hoạt động ở trên đất Pháp, từ thực tiễn, qua những điều mắt thấy tai nghe, Hồ Chí Minh có những cảm tưởng chứa đựng tư duy mới  như “người Pháp ở Pháp tốt hơn, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương. Người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo, đối với họ, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”.

Tư duy đổi mới - cách mạng chín muồi dần trong suy nghĩ của Nguyễn Ái Quốc. Chuyện kể rằng năm 1917, khi làm việc lau chùi thìa, nĩa ở tiệm ăn Các-lơ-tông ở Luân Đôn, đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng, đôi khi còn cả phần tư con gà, những miếng bít-tết to tướng, thì anh giữ gìn sạch sẽ và đưa lại cho nhà bếp.

Khi nghe người phụ trách bếp Ét-cốp-phi-e hỏi “Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng, như những người kia?, anh Ba trả lời: “Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy”. Theo Ét-cốp-phi-e, đó là một ý nghĩ cách mạng, nhưng “hãy tạm thời gác sang một bên” để làm những việc được nhiều tiền hơn.

Cái gì đến sẽ đến. Tháng 7-1920, sau khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của
Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc vui mừng đến phát khóc lên và coi đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.

Tuy nhiên, Người không quyết định làm như cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 mà khẳng định giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Đây là một quyết định sáng suốt thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Cũng từ đây, Người bắt đầu nói đến sức sống của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, rằng “chủ nghĩa xã hội phải gieo hạt giống cho công cuộc giải phóng”, “chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á hơn là ở châu Âu”.

Di tích nhà Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.  Ảnh: THANH TÌNH
Di tích nhà Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: THANH TÌNH

Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh bắt đầu có một tư tưởng đổi mới mang chất lượng khoa học, cách mạng và nhân văn. Những bài giảng đầu tiên của Người ở lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1925-1927 thể hiện một hệ thống quan điểm đổi mới.

Người khẳng định cách mạng muốn thắng lợi trước hết phải có Đảng lãnh đạo, nhưng Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững phải lấy chủ nghĩa Lê-nin “làm cốt”; những người vào Đảng phải có tư cách của người cách mạng như cần kiệm; hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại; hay nghiên cứu, xem xét; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng tham muốn về vật chất; bí mật…

Tác phẩm Đường cách mệnh năm 1927 đã nói đến tư tưởng kinh tế mới của Lênin với ý nghĩa khẳng định sức sống của NEP; nói đến đảng cầm quyền do Lê-nin sáng lập.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn sáng tạo và đổi mới trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam.

Với sợi chỉ đỏ xuyên suốt “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sức mạnh của lòng dân và tập trung xây dựng lực lượng chính trị bằng tổ chức Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh và khát vọng lòng dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ sau khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, với tầm nhìn xa trông rộng, thấy rõ hai mặt tốt và xấu của quyền lực, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng Đảng ta thành một Đảng đạo đức, văn minh, trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong dòng chảy của văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo-quản lý, văn hóa cầm quyền. Đây là những điều còn khá mới mẻ đối với một đảng cộng sản ở một nước thuộc địa.

"Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm."

Hồ Chí Minh

Nỗi bận tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền là sự tha hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên, biểu hiện ở tham ô, nhũng lạm, lãng phí, quan liêu, đè đầu, cưỡi cổ dân, vác mặt làm quan cách mạng.

Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì  nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng.

Chuyện kể rằng sau khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, có cán bộ cao cấp hỏi Bác có điều gì phải lo ngại, Bác trả lời rằng, đảng cầm quyền, chính quyền về tay nhân dân thì có gì lo ngại nữa, chỉ sợ các chú làm bậy thì dân mất tin, mà mất lòng tin của dân là mất tất cả.

Từ sự trăn trở về Đảng khi có chính quyền, Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ, đảng viên phải không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân. Bởi vì, nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Dân chỉ biết rõ giá trị của độc lập, tự do khi ăn no, mặc đủ. Theo Hồ Chí Minh, tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Vì vậy, phải thực hiện làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành.

Hồ Chí Minh là người sớm thấy vai trò của giới công thương trong phát triển kinh tế. Chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, trong lịch tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể, Người xếp thương giới ở hàng thứ năm, trước cả công chức, nông hội.

Ngày 13-10-1945, Người có thư gửi các giới công thương Việt Nam, khẳng định “giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công-Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.

Hồ Chí Minh là người khởi xướng sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tăng giàu. Từ năm 1947, Người đã nói: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người giàu thì giàu thêm”. Hồ Chí Minh cũng là người sớm nhận thức vai trò của nhân dân trong xây dựng đất nước.

Tư tưởng về một chủ nghĩa xã hội nhân dân, một nền kinh tế thị trường, trong đó Chính phủ không làm thay nhân dân, đã manh nha từ trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người viết: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân.

Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động. Chính phủ chỉ làm một phần để làm kiểu mẫu cho dân. Một phần đồng bào địa phương tự làm lấy. Chính phủ chỉ giúp ý kiến”.

Với bút danh Tân Sinh, Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới (3-1947). Giải thích đời sống mới, Người viết: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.

“Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân."

Hồ Chí Minh

Sửa đổi lối làm việc (10-1947) là tác phẩm chứa đựng tư tưởng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền một cách toàn diện, sâu sắc. Tác phẩm chỉ ra rằng phải có tinh thần khoa học, cách mạng và nhân văn trong phê bình và sửa chữa các khuyết điểm.

Mục đích là để sửa đổi cách làm việc của Đảng cho tốt hơn. Nếu không thế, khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong người thì quên chữa. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào.

Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”. Phải chỉnh đốn Đảng, sửa đổi công tác cán bộ, vì vấn đề cán bộ quyết định mọi việc.

Trong tác phẩm Dân vận (10-1949), Hồ Chí Minh trình bày một cách ngắn gọn, cô đọng, súc tích về vai trò, trách nhiệm của người dân trong một nước dân chủ: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã đều do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Di chúc được coi như một cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới. Là một văn kiện lịch sử vô giá thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ, Di chúc không bàn nhiều về quá khứ, mà chủ yếu nói đến tương lai: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.

Di chúc dặn lại Đảng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi thiếu sót, bị động sai lầm trong việc xây dựng lại đất nước ta, đẹp đẽ, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trước chiến tranh. Di chúc thể hiện tư tưởng chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.

Nhiều vấn đề lớn thực hiện trong công cuộc đổi mới 30 năm qua về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều đã được dặn lại trong Di chúc. Về chính trị, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đó là thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Về kinh tế, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Về văn hóa-xã hội, phải sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Đặc biệt, đầu tiên là công việc đối với con người. Di chúc quan tâm tới các hạng người như những người đã hy sinh một phần xương máu của mình, các liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của thương bình và liệt sĩ, những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân và thanh niên xung phong, phụ nữ, nạn nhân của chế độ cũ, đồng bào nông dân.

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới thấm vào toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người, xuyên suốt, nhất quán từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến tận cuối đời. Muốn giành lấy thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

CHÂU PHONG

;
.
.
Các tin khác
.
.
.