.

Nguyễn Bá Thanh - tầm nhìn, sức nghĩ vẫn tỏa sáng

.

Mùa Tết đầu tiên Đà Nẵng vắng anh Nguyễn Bá Thanh là Tết Bính Thân 2016. Tết Đinh Dậu 2017 là mùa Tết thứ hai Đà Nẵng không còn anh. Cảm giác trống vắng càng rõ hơn khi mùa Tết năm nay Đà Nẵng vừa tròn 20 năm trực thuộc Trung ương - một sự kiện lịch sử tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển mà anh là một trong những người khởi sự đứng mũi chịu sào có công lao đóng góp nhiều nhất.

Đường Điện Biên Phủ được mở rộng từ năm 2004, 1.072 hộ phía bên trái đường phải di dời được đền bù thỏa đáng. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đường Điện Biên Phủ được mở rộng từ năm 2004, 1.072 hộ phía bên trái đường phải di dời được đền bù thỏa đáng. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Trong cuộc thi phóng sự - ký sự Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức trên Báo Đà Nẵng, có nhiều bài dự thi khẳng định dấu ấn cá nhân sâu đậm của anh. Tác giả Lê Vinh Quang- người từng bảo vệ luận án “Tính bền vững của ngân sách thành phố Đà Nẵng” theo chương trình đào tạo Fulbright của Đại học Harvard, đánh giá cao chủ trương lựa chọn khai thác quỹ đất để phát triển của thành phố bên sông Hàn: “Chia tách là một làn gió mới mẻ thổi bùng lên sinh khí của thành phố Đà Nẵng, dù tôi đoán chắc rằng, không mấy ai biết được điều gì đang chờ đón ở phía trước. 

Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ xét về lợi thế so sánh, tiềm lực để phát triển, thì lúc ấy Đà Nẵng thậm chí kém xa hai địa phương lân cận là Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế (…) Người Đà Nẵng phải làm gì trong bối cảnh ấy? Đó là câu hỏi rất lớn - hay mệnh đề nan giải ấy - may thay, đã được trả lời một cách khôn ngoan, mạnh mẽ nhất: Đất! Đà Nẵng theo cách nào đó đã bắt đầu diễn trình phát triển từ thứ tài nguyên gần như duy nhất này - đất.

Tôi tin rằng, đất là câu chuyện sinh động và thú vị bậc nhất của thành phố suốt 20 năm qua, nó cũng là minh chứng về tài năng lỗi lạc của các vị lãnh đạo thành phố, trong đó có cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.

Có một câu chuyện hài hước truyền tụng rằng, ông Nguyễn Bá Thanh đến đâu thì đất phân lô tới đó. Hẳn nhiên, đó chỉ là câu chuyện khôi hài, nhưng ẩn sau đó là cả quyết sách lớn nhất, thành công nhất của thành phố Đà Nẵng trong suốt hàng thập niên”. Tác giả còn dẫn lời Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng: “Lựa chọn khai thác quỹ đất để phát triển là sự lựa chọn rất thông minh, táo bạo của lãnh đạo thành phố và chỉ có Đà Nẵng mới làm được điều đó”.

Ảnh: ĐẶNG NỞ
Ảnh: ĐẶNG NỞ

Tác giả Nguyễn Đình An cũng cho rằng, chủ trương gây ấn tượng nhất của Đà Nẵng 20 năm qua chính là “chủ trương khai thác quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị” và bằng quan điểm lịch sử, đã bàn sâu về câu chuyện chia lô: “Có được thành tựu này không chỉ nhờ công của định giá đất mà còn có cả việc phân lô bán nền.

Có người trách làm như thế là băm nát thành phố. Chúng ta đều biết, một thành phố tân tiến, hiện đại phải có kiến trúc các cao ốc và căn hộ biệt thự sang trọng, xen vào đó là các công viên, công trình công cộng hoành tráng; thành phố đẹp như mơ ấy không phù hợp với những người dân chỉ có khả năng mua những mảnh đất nhỏ trên dưới 100m2 xây nhà cấp bốn hoặc đổ 1-2 tấm.

Chúng ta đứng trước sự lựa chọn và chắc là phải chọn cái mà dân cần. Còn chuyện chỉnh trang phá đi làm lại các thế hệ sau sẽ có cách xử lý. Bây giờ, tiền đền bù có ít lại chưa hết tâm lý dị ứng với ở nhà chung cư - di sản của một thời bao cấp chung cư nhếch nhác - thì phân lô nhỏ bán nền là tốt hơn cả”.

Tác giả còn lý giải nguyên nhân dẫn đến thành công khi triển khai thực hiện chủ trương này là do người lãnh đạo thành phố luôn gần dân và biết lắng nghe dân: “Chắc chắn là nếu có một cuộc bình chọn thì Bí thư Nguyễn Bá Thanh là người vô địch về tiếp dân, đối thoại với dân; từ đó ông hiểu và cảm thông với những tâm tư, cảnh ngộ của người dân.

Tôi thường thấy những người dân đã gặp ông, trò chuyện với ông dù là phải đến sớm chờ gặp ông ở nhà riêng hay ở các cuộc tiếp dân có thông báo lịch đều ra về với sự hài lòng. Họ biết rằng cái mà họ có được là sự cố gắng cao nhất của ông, của chính quyền. Họ chấp nhận chia sẻ với ông”.

Đương nhiên sinh thời anh Nguyễn Bá Thanh- trong câu chuyện khai thác quỹ đất - vẫn luôn có ý thức về mức độ, về ngưỡng đến, về điểm dừng, vẫn luôn ghi nhớ lời dặn dò của Vladimir Ilyich Lê-nin: Khuyết điểm của ngày hôm nay không gì khác là sự kéo dài quá mức cần thiết ưu điểm của ngày hôm qua.

Và ngay từ năm 2004 khi mở rộng đường Điện Biên Phủ (thời gian này, tôi làm Bí thư Quận ủy Thanh Khê), anh đã thay đổi cách nghĩ, cách làm quen thuộc: không thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” từng thành công ở những tuyến đường trước đó mà tính toán đền bù sòng phẳng đối với 1.072 hộ phía bên trái đường Điện Biên Phủ phải giải tỏa di dời.

Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh rõ nét nhất khi anh quyết định cùng lúc cho giải tỏa di dời hai vệt: vệt ngoài để mở rộng đường, vệt trong để những hộ - thường có vốn đầu tư và kinh nghiệm kinh doanh - được giải tỏa ở vệt ngoài “đàng sau lui” để tiếp tục khai thác ưu thế mặt tiền.

Chính nhờ tư duy không kéo dài quá mức cần thiết ưu điểm của ngày hôm qua ấy mà việc giải tỏa di dời trong quá trình mở rộng đường Điện Biên Phủ được sự đồng thuận cao của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công - nhanh đến mức một người giỏi kiềm chế cảm xúc như anh Nguyễn Bá Thanh đã phải thốt lên khi đến Thanh Khê kiểm tra hiện trường: “Ông Tiếng ơi, ông có thấy tốc độ kinh hoàng không?”. Không kinh hoàng sao được khi 2.700 mét đường từ đầu nút giao thông Điện Biên Phủ - Lê Độ - Nguyễn Tri Phương đến ngã ba Huế được nâng cấp mở rộng chỉ trong vòng 1 năm…

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế do anh Nguyễn Bá Thanh khởi xướng, từ năm 2017 sẽ trở thành sự kiện thường niên. Trong ảnh: Quang cảnh sông Hàn trong đêm pháo hoa. Ảnh: NGỌC HỢI
Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế do anh Nguyễn Bá Thanh khởi xướng, từ năm 2017 sẽ trở thành sự kiện thường niên. Trong ảnh: Quang cảnh sông Hàn trong đêm pháo hoa. Ảnh: NGỌC HỢI

Mùa Tết năm Đinh Dậu 2017 này, Đà Nẵng bước vào một thời kỳ phát triển mới - 20 năm lần thứ hai. Những người đang kế thừa sự nghiệp khai mở của anh Nguyễn Bá Thanh vẫn tiếp tục theo đuổi hoài bão mà anh từng nung nấu về một Đà Nẵng phát triển ngang tầm khu vực và châu Á; đồng thời vẫn tiếp tục học tập tư duy “biết cãi lại chính mình” của anh.

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế do chính anh khởi xướng từ năm 2017 sẽ trở thành sự kiện thường niên, được giao hẳn cho Sun Group đăng cai tổ chức với một số thay đổi so với trước đây, chẳng hạn trước đây chỉ thu hẹp trong hai ngày thì nay sẽ kéo dài trong vòng 2 tháng.

Tất cả những thay đổi này cũng nhằm thực hiện trọn vẹn hơn ý tưởng của anh Nguyễn Bá Thanh là qua các bữa “đại tiệc ánh sáng và âm thanh” hằng năm để quảng bá thương hiệu Đà Nẵng và phát triển hiệu quả hơn kinh tế - xã hội thành phố. Rồi trong quy hoạch và phát triển đô thị thời kỳ 20 năm lần thứ hai chắc Đà Nẵng sẽ hướng mạnh đến cấu trúc đô thị nén thay cho cấu trúc đô thị mở rộng như trước đây…

Cầu Thuận Phước. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình
Cầu Thuận Phước. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình

Còn nhớ năm 2003, khi nghe tôi đọc diễn văn tại lễ đón danh hiệu Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước trao tặng cho Đảng bộ và nhân dân quận Nhì/Thanh Khê, trong đó có đoạn trích dẫn một quan niệm hết sức đúng đắn về truyền thống của Jean Jaurès: “Trung thành với truyền thống nghĩa là phải đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”, anh Nguyễn Bá Thanh bảo tôi: “Đúng là phải đem hết sức mình tiến về phía tương lai thì mới gọi là biết kế thừa truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh”.

Tôi hiểu ý anh muốn nói cần phải dũng cảm vượt qua những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời để đưa Thanh Khê nói riêng, Đà Nẵng nói chung phát triển vững vàng trước những thời cơ và thách thức hiện nay.

Mùa Tết thứ hai Đà Nẵng không còn anh Nguyễn Bá Thanh nhưng tầm nhìn, sức nghĩ của anh vẫn đang tỏa sáng, vẫn luôn tỏa sáng…

Chắc chắn là nếu có một cuộc bình chọn thì Bí thư Nguyễn Bá Thanh là người vô địch về tiếp dân, đối thoại với dân; từ đó ông hiểu và cảm thông với những tâm tư, cảnh ngộ của người dân. Tôi thường thấy những người dân đã gặp ông, trò chuyện với ông dù là phải đến sớm chờ gặp ông ở nhà riêng hay ở các cuộc tiếp dân có thông báo lịch đều ra về với sự hài lòng. Họ biết rằng cái mà họ có được là sự cố gắng cao nhất của ông, của chính quyền. Họ chấp nhận chia sẻ với ông.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.