Những ngày chuẩn bị đón Tết của gia đình tôi trước kia bao giờ cũng là những ngày vui nhất. Việc đầu tiên mẹ tôi nghĩ đến là mượn người gói bánh chưng. Ông Tiệp gần nhà là người nổi tiếng gói bánh khéo nhất xóm. Cả xóm đều nhờ ông. Nhà tôi cũng vậy. Ông dồn tất cả sự khéo léo và thẩm mỹ vào công việc. Những cái bánh chưng ông gói vuông vắn, đẹp đẽ mà không cần đến một thứ khuôn nào. Màu xanh của lá dong cứ ánh lên như ngọc. Vậy mà, món quà mẹ tôi cảm ơn ông thường chỉ là một nải chuối thật đẹp.
Thời đó, có được nguyên liệu để gói bánh chưng cũng không dễ, lá dong có thể lên rừng kiếm được, đỗ xanh thì nhà tự trồng lấy, lạt giang xin hàng xóm hoặc đổi bằng thứ gì đó, cái khó nhất là kiếm được một ít thịt lợn để làm nhân bánh.
Để có được chút ít thịt quý báu cho ngày Tết và dùng để gói bánh chưng, mẹ tôi thường phân công tôi nhận nhiệm vụ đi xếp sổ lấy thịt phân phối của nông trường từ sáng sớm. Trời mới mờ đất, khoảng 5 giờ mẹ đã đánh thức tôi dậy, dặn dò kĩ lưỡng, làm sao xếp sổ được sớm và nhanh, vì tôi nhỏ con nên có thể luồn qua những người lớn để len vào và nhớ phải nhờ vả chú Huần, một người chú họ của tôi làm nghề giết lợn ở lò mổ để kiếm được miếng thịt được ngon.
Để cái sổ phân phối nhà mình được đặt ở trên để được gọi sớm cũng không phải dễ vì có rất nhiều người đến sớm xếp hàng, cái cửa sổ cửa hàng phân phối thì bé tí. Tôi phải rất khéo léo nhanh nhẹn mới len được vào đặt sổ cũng như canh người ta không làm đảo thứ tự và khi có người cân thịt gọi đến tên nhà mình, tôi phải nói to lên, cháu là con nhà nào, để ông chú họ tôi nghe thấy, ông tác động thế nào đó để nhà tôi được miếng thịt ngon hơn một ít, tôi thường lấy đó làm tự hào và khoe công với mẹ.
Bánh chưng ngày Tết đương nhiên là thành phần quan trọng trong mâm cỗ nhưng còn một món ăn mà mẹ tôi chuẩn bị rất công phu và tôi cũng thấy nó ngon nhất là món bánh đậu xanh rán trộn thịt. Chỗ đậu xanh dùng để gói bánh chưng được mẹ để dành ra một ít.
Thịt ba chỉ thì đã để gói bánh chưng, mẹ cố lọc ra một ít thịt nạc, dùng cối đá giã tay cho thật nhuyễn rồi trộn với đậu xanh cũng giã nhuyễn và mang rán. Đó chính cái món ăn xa xỉ và ngon nhất của nhà tôi mấy ngày Tết. Mẹ chỉ làm được cỡ hơn chục cái bánh nhỏ như thế và cả nhà phải ăn dè, mùi bánh rán thơm phức, thịt vừa bùi vừa ngọt, mỗi người chỉ dám rón rén ăn từng tí và chấm nước mắm thật đẫm, thật mặn để ăn cho khỏi tốn.
Khi ông Tiệp hàng xóm đã gói xong chục cái bánh chưng, mẹ sắp nồi, bếp và giao cho chị em tôi trông nồi bánh vì mẹ còn phải bận bịu với những việc khác. Củi thì đã chuẩn bị từ mấy tháng trước với những khúc gỗ khô và nạc nhất, mẹ bảo, lửa có đều và đượm thì bánh mới ngon.
Chị em tôi ngồi quây quần bên bếp trông bánh, không để lửa to hoặc tàn quá, thỉnh thoảng lại mở vung chế thêm nước kẻo bánh bị khê cháy. Nhà tôi thường nấu bánh chưng vào đúng ngày ba mươi Tết, khoảng gần mười hai giờ mới vớt bánh, bánh được luộc kĩ và đều lửa nên rất “rền”, mềm và thơm. Khi vớt bánh ra bao giờ cũng có một cái bánh nhỏ do không đủ thịt và gạo để phần riêng cho mấy chị em tôi trông nồi được ăn trước.
Nhưng cái đáng nhớ nhất để chuẩn bị đón Tết là bữa tắm tất niên chiều ba mươi. Dù trời có lạnh hay nóng thế nào thì chị em tôi cũng phải tắm để tẩy trần đón năm mới. Mẹ nấu một nồi lớn nước cùng với những cây mùi già để cho nước được thơm, thân thể sạch sẽ.
Nồi nước mẹ nấu dù có nhiều đến mấy cũng không đủ và hình như hồi đó rét hơn bây giờ, vừa tắm tí nước nóng ít ỏi mà người cứ run cầm cập, tắm xong có cảm tưởng mình đã làm được một điều gì lớn lắm, khó khăn lắm mà ai muốn đón Tết cũng phải làm.
Ngày mùng một Tết, mẹ cho chị em chúng tôi đi chúc Tết người thân và hàng xóm, mẹ bao giờ cũng dặn kĩ càng, vào nhà người ta phải chúc to, mạch lạc, rõ ràng kẻo người ta không thích thì “dông” cả năm. Tôi thường dẫn đầu một đám trẻ con hàng xóm, chuẩn bị hoặc học thuộc những câu chúc thật vui vẻ, rõ ràng để chúc Tết mọi người.
Cái hồi đó người ta cũng không kiêng kị là mấy nên đoàn trẻ con chúng tôi cứ rồng rắn chúc Tết từ đầu xóm đến cuối xóm, từ xóm trên xuống xóm dưới và nhà nào cũng được mọi người vui vẻ chào đón, mừng tuổi cho bánh kẹo hoặc vài đồng tiền lẻ. Vui nhất là vào nhà ông Hanh giữa xóm, ông giàu có hơn mọi người nên phần mừng tuổi bao giờ cũng tươi hơn một chút.
Món tiền nhỏ nhoi được mừng tuổi ngày Tết đó tôi quý lắm, tôi giấu đi thật kĩ nhưng rồi cũng đưa cho mẹ để mẹ mua cho tôi một bộ quần áo mới hoặc cái cặp sách vì chị em chúng tôi nên không đứa nào dám giấu khi thấy mẹ vất vả kiếm từng đồng.
Đã bao cái Tết qua, mẹ tôi giờ tóc đã bạc trắng và những sự chuẩn bị cho ngày Tết bây giờ cũng không phải vất vả, khốn khó như ngày xưa nữa. Bánh chưng có thể đặt ngoài hàng, thịt lợn, gà thì bán đầy siêu thị, chợ; và tắm thì trong phòng kín với đầy nước nóng, nhưng cái ấn tượng, nỗi nhớ cái Tết xưa của mẹ thì vẫn còn mãi. Cái thời đó giờ đã qua rồi.
UÔNG TRIỀU