.

Kiến tạo dòng sông di sản

.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nói: “Trên thế giới, các thành phố lớn của nhiều nước phát triển như Nga, Pháp, Ý, Úc, Anh… đều có các con sông làm điểm nhấn tạo nên văn hóa và bộ mặt đô thị. Tại Việt Nam, những con sông làm nên cảnh quan của thành phố chưa nhiều, chỉ mới có sông Hàn tại Đà Nẵng là nổi trội hơn cả”. Không dừng lại sự nổi trội mà Đà Nẵng đang có khát vọng lớn để kiến tạo sông Hàn thành di sản với giá trị kiến trúc cao.

Việc khai thác hiệu quả dòng sông Hàn và không gian hai bên bờ sẽ mang lại những nét độc đáo cho hình ảnh đô thị Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Việc khai thác hiệu quả dòng sông Hàn và không gian hai bên bờ sẽ mang lại những nét độc đáo cho hình ảnh đô thị Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Trầm tích sông Hàn

Đô thị Đà Nẵng dọc sông Hàn có lịch sử phát triển lâu đời. Từ năm 1835, khi vua Minh Mạng quyết định cửa Hàn là nơi buôn bán với phương Tây thì Đà Nẵng nhanh chóng trở thành thương cảng bậc nhất miền Trung. Đầu thế kỷ XX, người Pháp xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị kiểu Tây phương. Thời đó, thành phố bắt đầu hình thành dọc bờ tây sông Hàn với 13 con đường được đặt tên, hiện dấu tích vẫn đọng lại khá rõ nét qua mạng lưới đường phố vuông vắn, các kiến trúc điển hình như Tòa Thị chính, nay là trụ sở HĐND thành phố, nhà thờ Con Gà, dãy phố thương mại chợ Hàn… Bờ tây sông Hàn, nhất là khu vực nằm trong phạm vi các đường Bạch Đằng - Đống Đa - Ông Ích Khiêm - Lê Đình Dương được đánh giá là “khu trung tâm lịch sử” của Đà Nẵng. Bề dày thời gian đã mang lại cho khu vực này một vai trò quan trọng, là nơi tập hợp đậm đặc các sinh hoạt thường nhật và sự kiện của thành phố, từ đó hình thành nên bản sắc đô thị rõ nét.

Trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của Đà Nẵng, sông Hàn gắn bó và trở thành một phần không thể tách rời của không gian và đời sống đô thị. Dòng sông là chứng nhân cho những thăng trầm lịch sử, những chuyển mình mạnh mẽ của thành phố, là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Dòng sông không chỉ là dòng chảy tự nhiên giữa lòng đô thị, mà còn là trục không gian công cộng chủ đạo của thành phố, đồng thời là kho báu thu hút đầu tư. Với tiềm năng và tầm quan trọng vốn có của sông Hàn, mọi tác động tới dòng sông và không gian hai bên bờ sông đều trở thành mối quan tâm sâu sắc của chính quyền và người dân thành phố. Sông Hàn và không gian cảnh quan hai bên bờ sông được kỳ vọng sẽ trở nên độc đáo, hấp dẫn hơn nữa, góp phần xây dựng hình ảnh biểu trưng cho Đà Nẵng.

Theo KTS Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, không gian công cộng ven mặt nước của thành phố Đà Nẵng đang dần trở thành những món ăn tinh thần đặc trưng của đô thị Đà Nẵng. Năm 2004, khi dự án cảnh quan đường Bạch Đằng  hoàn thành, nhiều người mới nhận thấy giá trị của không gian công cộng ven sông. Việc kéo dài các tuyến đường và hình thành tuyến cảnh quan liên tục dọc theo bờ sông Hàn, tạo một không gian sinh hoạt cộng đồng đặc sắc cho nhân dân thành phố; tạo một điểm tham quan du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi có ý nghĩa, góp phần phát triển ngành du lịch địa phương… Tuy nhiên, ông Vũ Quang Hùng lo lắng: “Hiện nay, hai bờ sông Hàn - đoạn qua trung tâm thành phố từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn đã có các dự án gần như phủ kín: các bến du thuyền, nhà hàng, khu đô thị, khu chợ đêm, công viên… mà chưa có một đồ án thiết kế đô thị mang tính tổng thể tại khu vực nhạy cảm về cảnh quan này”.

Trước năm 2015, việc tiếp cận quy hoạch kiến trúc cảnh quan sông Hàn đã được một số đơn vị tư vấn quy hoạch kiến trúc quốc tế tiếp cận nghiên cứu. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận: “Những ý tưởng quy hoạch, kiến trúc mới vẫn chưa chạm đến tầm phát triển mới của đô thị, chưa chạm đến trái tim của người Đà Nẵng yêu mến dòng sông. Sông Hàn là tài sản thiên nhiên quý giá, nên việc tiếp cận quản lý, đầu tư phát triển đô thị phải được tôn trọng, gìn giữ, không phí phạm để sau này phải hối tiếc và cũng không có cơ hội sửa chữa. Mỗi cái chạm nhẹ vào dòng sông Hàn là chạm đến trái tim”.

Dự án ” NET SÔNG”  đoạt  giải Nhì và Giải phương án có số phiếu bình chọn cao nhất  của Liên danh CPG Consultants- Landscape Jardins Asia - Consulus - Glopan.
Dự án ” NET SÔNG” đoạt giải Nhì và Giải phương án có số phiếu bình chọn cao nhất của Liên danh CPG Consultants- Landscape Jardins Asia - Consulus - Glopan.

Sức sống mới cho dòng sông di sản

PGS, TS, KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc đô thị quốc gia nhìn nhận và định vị sông Hàn, rằng “sự phát triển của Đà Nẵng được ví như một cuốn sách mở ra hai bên dòng sông Hàn. Dòng sông Hàn, như gáy của “cuốn sách”, như cột trụ của sự phát triển ấy đã trở thành dòng sông có ý nghĩa hơn bao giờ hết đối với đô thị Đà Nẵng về mặt không gian, kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường và hơn thế nữa, còn là đại diện cho “tinh thần” của thành phố”.

Cuối năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức thành công cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn”. Qua cuộc thi đã xuất hiện nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, bật lên sức sống mới cho dòng sông. Sức sống mới là thể hiện khát vọng biến đổi đôi bờ sông Hàn thành điểm đến độc đáo, đồng thời tạo ra mạng lưới những cơ hội phát triển kinh tế, mạng lưới gắn kết con người với cộng đồng và miền đất cùng mạng lưới sinh thái thiên nhiên. Xu hướng phát triển của Đà Nẵng sẽ là một nền kinh tế sáng tạo và dựa vào tri thức. Tương lai này bắt đầu hôm nay với việc sử dụng không gian mặt nước và trên bờ ven sông Hàn để tạo thành những điểm nhấn kiến trúc khơi gợi sức sống khởi nghiệp sáng tạo.

Vùng đất còn hoang sơ phía bờ đông sông Hàn và xung quanh Âu thuyền Thọ Quang ẩn chứa đầy tiềm năng cho tái phát triển. Trong tương lai, với việc xây dựng một công viên nghiên cứu với khu giáo dục đại học và khu văn phòng, nơi đây sẽ không chỉ là căn cứ của những ngư dân dũng cảm mà còn là ngôi nhà chung của các doanh nhân khởi nghiệp, những nhà khoa học dấn thân, những nghệ sĩ sáng tạo và những sinh viên nhiều khao khát. Với vị trí chiến lược, giáp với trung tâm hiện hữu về phía nam và khu đô thị quốc tế Đa Phước cùng với Công viên Công nghệ thông tin về phía bắc sẽ định hình thành khu Trung tâm thương mại toàn cầu với cụm văn phòng và thương mại tập trung có sức cạnh tranh quốc tế, một địa chỉ mới cho các doanh nghiệp hàng đầu và tạo ra việc làm chất lượng cao cho người dân Đà Nẵng.

Dòng sông Hàn cũng là nơi gắn kết cộng đồng khi cầu cảng Sông Hàn (cũ); hàng lang ven sông chợ Hàn – dự kiến quy hoạch thành Quảng trường trung tâm thành phố - sẽ thành một địa chỉ trải nghiệm văn hóa và ẩm thực địa phương giữa một cảnh quan đô thị pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Ngược lên khu vực Công viên Châu Á và Cung Thể thao Tiên Sơn sẽ hình thành khu vực của trung tâm sự kiện nghệ thuật và trình diễn tạo điểm vui chơi lý thú cho mọi lứa tuổi, mọi gia đình và cộng đồng.

Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn với khung cảnh sơn thủy hữu tình vừa đậm dấu ấn làng quê Việt, vừa mang màu sắc Phật giáo sẽ làm một điểm dừng giữa cuộc sống đô thị vội vã để con người kết nối với chính mình và văn hóa cội nguồn.

Một hệ thống những tuyến đường xanh, công viên xanh trải dọc ven bờ sông Hàn sẽ mang đến những con phố đi bộ rợp bóng cây xanh và những dòng mương sinh thái để dẫn lối cho cư dân cũng như những giọt nước mưa đến với dòng sông Hàn mến yêu.

Những doi đất thấp ven dòng Cẩm Lệ sẽ được biến đổi thành công viên sinh thái Cẩm Lệ – nơi cất giấu sự giàu có của thiên nhiên cho những ai có đam mê khám phá. Ở nơi sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng sẽ hình thành khu bảo tồn thiên nhiên cửa Hàn là một rừng dừa nước, vốn một thời phổ biến nơi đây, để giúp nâng cao chất lượng nước, làm phong phú trở lại hệ sinh thái vịnh biển và tạo ra một không gian xanh rộng lớn ngay thềm cửa trung tâm mới của thành phố.

Phát triển đôi bờ sông Hàn để tạo ra một dự án di sản trong tương lai, một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất cho thành phố của thế kỷ XXI. Sông Hàn là nơi kết nối không gian phát triển đô thị, với cảnh quan độc đáo và mang tính biểu tượng, kết nối gián tiếp các khu vực, tạo ra những không gian sinh hoạt văn hóa và giao lưu. Ý tưởng này tập trung củng cố hình ảnh đô thị hiện hữu và nâng cao giá trị của dòng sông.

Ý tưởng khác tiếp cận để sông Hàn thành vùng cảnh quan năng động, hiện đại. Dòng sông Hàn được chia làm ba phần. Phần đi qua đô thị trung tâm từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn là vùng dịch vụ thương mại đô thị trung tâm. Phần nông thôn - ngã ba sông Cổ Cò đến bờ phía tây nam đường Chương Dương là vùng cảnh quan nông nghiệp cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch công nghệ cao. Vùng đệm ngoại ô từ ngã ba sông Cổ Cò đến vùng thắng cảnh di tích Ngũ Hành Sơn là vùng cảnh quan kết nối các vùng đô thị lớn lân cận và trung tâm. Điểm nhấn của toàn bộ cảnh quan sông Hàn và là biểu tượng của đô thị Đà Nẵng trong tương lai là khu đô thị mới được hình thành tại khu đô thị Đa Phước, với bối cảnh núi non bán đảo Sơn Trà, cầu Thuận Phước, sông nước và biển cả hữu tình…

KTS Vũ Quang Hùng chia sẻ: “Việc khai thác hiệu quả dòng sông Hàn và không gian hai bên bờ sẽ mang lại những nét độc đáo cho hình ảnh đô thị Đà Nẵng. Xây dựng quỹ đất để tổ chức kiến trúc cảnh quan ven sông Hàn là then chốt. Ðà Nẵng đã mở rộng bờ sông bằng giải pháp vươn vỉa hè về phía dòng nước, nhưng không gian hai bên bờ của dòng sông Hàn vẫn còn nhỏ so với tầm vóc của mình, những hoạt động văn hóa ở nơi này còn cần được bổ sung thêm. Việc tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị và kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Hàn có liên quan tới nhiều lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và nghệ thuật, đòi hỏi có sự tham gia và hợp tác của nhiều chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, kiến trúc phong cảnh, cây xanh, công viên... Trong đó, người kiến trúc sư có trách nhiệm điều phối chung. Do đó, trách nhiệm tạo ra một tác phẩm đẹp, một đồ án để khai thác hiệu quả các không gian công cộng ven sông Hàn và cảnh quan đô thị hai bên bờ đã được đặt lên vai những người làm công tác chuyên môn”.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.