.

Người trẻ tuổi Dậu với khát vọng cống hiến khoa học

.

Cả 4 chàng trai là những nhà nghiên cứu khoa học trẻ, cầm tinh con Gà và ở tuổi 36. Họ đều đam mê khoa học và mong muốn được cống hiến cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.

• Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Duy Tân: Mỗi công trình khoa học là một “đứa con tinh thần”

Đối với người làm khoa học, mỗi một công trình đều là một “đứa con tinh thần” nên dù là công trình lớn hay nhỏ thì họ đều tâm huyết. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư mạnh mẽ cho NCKH, các thủ tục từng bước được đơn giản hóa. Cũng đã có một bộ phận nhà khoa học bảo đảm được cuộc sống thông qua việc thực hiện các đề tài cấp Bộ hoặc đề tài Nafosted... Tuy nhiên, số lượng này chưa nhiều và nằm ở những lĩnh vực khoa học chuyên sâu, nơi mà các yếu tố ứng dụng thực tiễn lại khá xa vời. Vì vậy, để khuyến khích đam mê nghiên cứu cũng như nhiệt huyết đóng góp của các nhà khoa học đối với việc xây dựng và phát triển thành phố, tôi mong muốn thành phố nên thành lập câu lạc bộ các nhà khoa học hoặc “Hội các nhà khoa học thành phố Đà Nẵng”. Đây được xem như một tổ chức phi lợi nhuận, hỗ trợ tư vấn cho các chiến lược, chính sách của thành phố, qua đó phát huy tiềm năng đóng góp của các nhà khoa học cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Một trong những điểm mạnh của các nhà khoa học mà thành phố có thể phát huy là mối quan hệ của họ đối với các nhà khoa học hay các chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Họ có thể làm cầu nối để đưa các nhà khoa học và các phát minh khoa học trên toàn thế giới về với thành phố một cách nhanh và chính xác nhất. Tôi nghĩ đây là điều cần thiết khi thành phố đang hướng đến “Thành phố thông minh” và đang thúc đẩy phát triển công nghệ cao. Thông qua tổ chức này, thành phố có thể đặt hàng các công trình nghiên cứu áp dụng cho thành phố. Song, để làm được điều này, trước hết, thành phố cần cởi mở hơn với các nhà khoa học và làm quen với cách hỏi ý kiến cũng như cách tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học.

• Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng: Tạo thêm nhiều sân chơi nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ

Trước đây, tôi học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp. Tại đây, tôi đã tham gia cộng đồng NCKH, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp và cho ra đời nhiều đề tài, dự án, đóng góp vào sự phát triển của KH&CN nói chung. Tôi về Đà Nẵng được 4 năm và được giao chủ trì nhiều đề tài, dự án; trong đó có các đề tài về phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch quốc tế, các giải pháp thu ngân sách, đề án về quy hoạch thành phố. Đà Nẵng là địa phương có nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài, thu hút nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Đà Nẵng nói riêng và ngành KH&CN nói chung vẫn còn nhiều hạn chế về môi trường và điều kiện NCKH. Nhất là hệ thống kết nối các chuyên gia, hệ thống thông tin còn sơ sài, văn hóa NCKH còn mang tính hàn lâm, các công trình nghiên cứu chưa có giá trị ứng dụng thực tiễn cao…

Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, tôi mong muốn Bộ KH&CN và thành phố Đà Nẵng cần khẳng định hơn nữa vai trò của giới khoa học trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố cần mạnh dạn kết nối các chuyên gia và nhà khoa học địa phương, khối trường đại học, Viện nghiên cứu để tạo thành mạng lưới chuyên gia phục vụ cho thành phố. Đồng thời, cần thay đổi một số chính sách, mở rộng các cá nhân có năng lực tham gia NCKH, hỗ trợ nhà khoa học trẻ về đời sống để giúp họ ổn định công việc, yên tâm nghiên cứu.

Thành phố cũng cần có các kênh lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trẻ thông qua các diễn đàn đối thoại; hoàn thiện hệ thống cơ sở thông tin, có cơ chế động viên, khuyến khích nhà khoa học trẻ tham gia NCKH. Các trường đại học cũng cần thắp lên ngọn lửa đam mê NCKH cho sinh viên, tạo ra nhiều sân chơi mới, cuộc thi, ý tưởng mới về NCKH để kết nối và tạo đam mê cho các nhà khoa học trẻ... Có như vậy, phong trào NCKH trong sinh viên mới phát huy hiệu quả, các nhà khoa học trẻ mới mạnh dạn nghiên cứu và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của thành phố.

• Tiến sĩ Ngô Đình Thanh, giảng viên bộ môn Tự động hóa - khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng: Truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học

Là giảng viên, tôi luôn tự hỏi làm thế nào để truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát huy tính sáng tạo trong sinh viên. Vì thế, tôi chú trọng tạo ra các sân chơi khoa học công nghệ cho sinh viên như phối hợp với các công ty tổ chức hội thảo chuyên ngành, chia sẻ kinh nghiệm dành cho sinh viên, các cuộc thi sáng tạo robot tự động…

Quá trình NCKH luôn đồng hành với những thuận lợi và khó khăn nên người làm NCKH cần sự đam mê và quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Là giảng viên, tôi xác định NCKH không chỉ là đam mê mà còn là nhiệm vụ. Vì thế, thời gian tới, tôi và các nhà nghiên cứu khoa học trẻ khác mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng cần có thêm cơ chế, chính sách, ưu tiên hỗ trợ phát triển các đề tài NCKH ứng dụng như hỗ trợ việc đăng ký bản quyền ý tưởng cũng như trong quá trình thương mại hóa sản phẩm; đồng thời, có thêm các chính sách, cơ chế đãi ngộ, trọng dụng các nhà nghiên cứu khoa học trẻ để tạo động lực, khuyến khích sáng tạo, đam mê NCKH trong thế hệ trẻ.

Tôi đang ấp ủ ước mơ thành lập không gian NCKH theo mô hình Makerspace - nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, công cụ thiết yếu để sinh viên có thể tạo ra sản phẩm từ ý tưởng ban đầu của mình. Đây cũng là nơi khuyến khích sự sáng tạo, truyền lửa đam mê NCKH cho sinh viên thông qua những sản phẩm NCKH thực tế, những mô hình, ý tưởng hay và mới lạ. Có thể nói, Makerspace là nơi ươm mầm cho ý tưởng khởi nghiệp về khoa học công nghệ.

• Thạc sĩ Phan Tiến Dũng, Phó trưởng Trạm Sản xuất kinh doanh, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng: Nghiên cứu cần hướng đến tính ứng dụng cao

Là thạc sĩ Công nghệ sinh học, các đề tài, dự án của tôi hầu hết hướng đến tính ứng dụng, bám sát thực tiễn với ngành và đơn vị đang công tác, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, làm giàu cho nông dân và cho quê hương.

Để khuyến khích, tiếp lửa đam mê NCKH, sáng tạo cho thế hệ trẻ, trước thềm năm mới, tôi mạnh dạn đề xuất Bộ KH&CN nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng tập trung giải quyết các khó khăn về tài chính, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác NCKH và môi trường làm việc cho các nhà nghiên cứu khoa học.

Bởi lẽ, thực tế hiện nay, mức lương của các nhà nghiên cứu khoa học trẻ quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp đến tâm lý khiến họ chưa yên tâm công tác, chưa nói đến việc cống hiến cho ngành và thành phố. Do đó, cần có chính sách hợp lý hơn về tiền lương đối với người làm công tác NCKH để KH&CN thực sự trở thành “động lực của sự phát triển” và “chìa khóa của thành công”.

Mặt khác, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác NCKH của thành phố còn sơ sài, thiếu đồng bộ. Đây là một trở ngại lớn ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học cũng như tính chính xác trong NCKH. Ngoài ra, môi trường làm việc chưa bảo đảm cũng là một trong những khó khăn mà các nhà nghiên cứu khoa học trẻ đang gặp phải. Vì vậy, mong muốn của các nhà nghiên cứu khoa học trẻ là Bộ KH&CN và thành phố Đà Nẵng quan tâm hơn đến đời sống và môi trường nghiên cứu của họ.

THANH TÌNH thực hiện

;
.
.
.
.
.