.

Nhãn vườn quê ngoại

.

Hành lý đã nêm chặt vào túi, đang trên đường vào sân bay để chuẩn bị làm thủ tục chuyến bay, tôi bỗng nhận được cuộc gọi của người chị, con dì tôi: “Mẹ chị gửi nhãn cho dì. Em chịu khó mang về để dì vui nhé!”. Dì gửi quà cho mẹ, đặc biệt là nhãn hái từ vườn nhà. Trời ạ, làm sao mà từ chối được đây, dù tôi chúa ghét cảnh rườm rà lỉnh kỉnh mỗi bận đi xa. Thường, nếu muốn mua quà cho ai đó, tôi vẫn hay đến các siêu thị sau lúc xuống máy bay rồi chọn món quà có xuất xứ từ nơi mình vừa đến. Siêu thị và chợ bây giờ thiếu gì đặc sản địa phương.

Tôi quay ra cổng nhà xe sân bay đón người chị. Chao ôi, chẳng phải một gói nhỏ mà là một thùng nhãn to tướng, trái căng tròn còn tươi màu lá. Hẳn là dì tôi vừa bỏ cả buổi trưa để hái cho em mình rồi cẩn thận đóng gói và gửi theo xe đò từ Vũng Tàu lên thành phố. Dì muốn không riêng mẹ tôi mà cả các cháu của dì cũng được chia phần. Trong nắng trưa đổ lửa, chị em tôi hì hục phân ra từng chùm nhãn nhỏ để tiện bỏ vào túi xách. Có cố lèn chặt kiểu gì thì túi xách của tôi cũng không chứa hết chỗ nhãn, đành bỏ lại mấy cuốn sách ưng ý mà mình vừa tậu được trong lúc dạo chợ sách cũ chiều qua. Vài người qua đường trố mắt nhìn chị em tôi mồ hôi nhễ nhại dưới nắng trưa. Có lẽ họ tức cười trước cảnh hai người cứ loay hoay vì mớ cây trái vốn được bày bán ê hề ở các chợ bây giờ.

Cô nhân viên ở quầy làm thủ tục thì không ngạc nhiên như họ. Giọng cô lạnh lùng sau khi bảo tôi đặt chiếc túi xách lên bàn cân: “Hành lý của chú vượt đến 3 ký so với hạn định. Chú cần mua vé bổ sung nếu không muốn bỏ bớt vài thứ ra ngoài”. Tôi phân trần với cô gái rằng đây là mấy chùm nhãn vườn của người chị gửi cho em gái ở phương xa, rằng nếu không phải là thứ cây trái đặc biệt mà chỉ là loại nhãn bày bán ở chợ, muốn mua bao nhiêu cũng có thì tôi không dại gì mà cố nêm chặt túi xách của mình. Giọng tôi ân cần nhưng dường như cô nhân viên nghe tai này liền bỏ tai kia. Cũng phải thôi, ngồi ở quầy từ sáng đến giờ chắc cô ấy đã nghe quen những lời phân trần tương tự. Mắt cô vẫn mải mê dán chặt vào màn hình trước mặt. Sau lưng tôi, dãy dài hành khách xếp hàng chờ đến lượt mình chừng cũng nóng lòng…

“Mẹ chị bảo thuở nhỏ mẹ với dì thường chơi đùa  bên gốc nhãn nhà ngoại”, chị tôi tỉ tê trong lúc phụ tôi kéo chặt chiếc túi xách. Tôi hình dung cái khoảnh vườn nhỏ nhắn bình yên ven sông Vu Gia ngày xưa, dì và mẹ quấn quít bên nhau không rời nửa bước. Tản cư, chạy giặc bao phen, ngoại tôi chỉ còn mỗi hai cô con gái. Một thân một mình, ngoại lặn lội, tần tảo nuôi con. Vườn nhãn sum suê tán lá trở thành khoảng trời ấm áp chở che ba mẹ con qua bao mưa nắng thăng trầm. Trong tình thương của ngoại, dì và mẹ lớn lên trong trẻo, hồn nhiên. Nhưng lần lượt dì và mẹ theo chồng phương xa, một mình ngoại còm cõi quạnh hiu trong vườn nhãn vắng tiếng cười.

Rồi đạn bom, rồi ly tán. Ngày ngoại đi xa, vườn nhãn cũng xác xơ trụi lá…

Ở phương Nam, nhớ về khoảnh vườn ngọt ngào nuôi lớn tuổi thơ và thời thiếu nữ, dì tôi cố công gầy dựng vườn nhãn ngay trên mảnh đất mà mình lập nghiệp. Không gian yên bình, vị ngọt những ngày bên mẹ bên em thôi thúc dì không ngại nắng mưa gian khổ. Như được tiếp sức từ bàn tay chăm bón cần mẫn và lòng hoài nhớ của người con xa quê, vườn nhãn nhà dì đến mùa thường sai quả. Chị tôi bảo, vào mùa nhãn chín, chị thỉnh thoảng bắt gặp mẹ mình ngồi bên hiên nhà nhìn xa xăm ra sân nắng. Dì đang tìm lại tuổi thơ, có bóng dáng người thân trong hương thơm ngạt ngào của từng chùm nhãn sai quả. Nơi ấy, vào mùa trăng, trong ánh sáng lung linh rọi qua cành nhãn, cả khoảnh vườn ríu ran tiếng nói cười của hai chị em bên ánh nhìn trìu mến của người mẹ.

Ngoại giờ đã thành người thiên cổ, mẹ tôi thì ở cách xa dì cả ngàn cây số, hiếm khi gặp mặt. Nhưng vị ngọt của từng trái nhãn lồng thời thơ trẻ bên mẹ bên em hãy còn nồng đượm trong dì…

“Chú ơi, chú đã mua vé bổ sung chưa vậy?”, tiếng cô nhân viên đánh thức tôi.

Tôi trở lại quầy làm thủ tục với tấm vé bổ sung hành lý, lòng rưng rưng khi mường tượng miệng cười móm mém của mẹ lúc run run bóc từng trái nhãn của người chị gửi về. Vẫn cặp mắt chú mục vào màn hình, cô nhân viên nói với tôi, giọng lúc này hồn nhiên, pha chút an ủi: “Nhãn của chú trông vậy mà nặng ghê nhỉ!”. “Đó là cháu căn cứ trên số cân vượt quy định chứ gì?”, tôi mỉm cười.

Mà đúng vậy, làm sao cô gái trẻ ấy có thể biết được mớ nhãn trong túi xách của tôi lúc này nặng đến mức nào!

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.