.

Phan Quang, mùa Xuân này!

.

Đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chúng tôi có mặt tại Hà Nội, dành một buổi sáng đến thăm nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng lão thành Phan Quang. Ông sinh năm 1928, nếu tính tuổi theo năm âm lịch, Tết Đinh Dậu này ông lên lão 90 - thượng thọ.

Hà Nội giữa đông, nhưng tiết trời chẳng khác gì mùa thu. Mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm của xứ Tràng An hàng ngàn năm văn hiến. Nhiệt độ ban ngày 20 - 22 độ C, se lạnh. Gió nhẹ, mặt nước Hồ Gươm gợn sóng lăn tăn. Ngõ 6, phố Đinh Văn Ngữ, Hà Nội, nhà riêng của nhà báo, nhà văn Phan Quang có đến mấy cửa hàng hoa đẹp. PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Học viện Báo chí và Tuyên truyền mua một bó hoa đẹp tặng bác Phan Quang, nhân ngày Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Một chị bán hoa tươi thấy chúng tôi bấm chuông, tủm tỉm cười:

-  Các bác cứ gọi, bác ấy trong nhà.

Chưa dứt lời, ông Phan Quang đã ra mở cửa. Hôm nay ông  rất vui,  dẫn chúng tôi vào nhà, ông  nói:

-  Hôm nay lại có cái mới để khoe với các bạn. Tuổi già hay khoe. Ông cười hồn hậu.

Chúng tôi nhìn lên mặt bàn, một chồng sách mới. Hai cuốn vừa nhận từ nhà in về của tác giả Phan Quang. Một cuốn có tựa đề Xin đừng quên nhau in ở Hà Nội - Nhà Xuất bản Kim Đồng, một cuốn in từ TP. Hồ Chí Minh - Nhà Xuất bản Trẻ có tựa đề Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm. Một lần nữa, chúng tôi xin cúi đầu bái phục sức viết, khả năng lao động sáng tạo của nhà báo, nhà văn Phan Quang. Ông ngồi bên cạnh chúng tôi, hai thế hệ làm báo, nhưng ngày nay để theo kịp sức viết của ông, trui rèn để mong có được một phần trí tuệ, đắm say nghề nghiệp của ông, nhiều người thua kém ông. Để được như Phan Quang, không dễ dàng chút nào.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang rất vui:

- Thời nay, thời máy tính, thời điện thoại thông minh, thời kỹ thuật số, đây đó người ta thường ít nhớ về nhau. Tôi đặt đầu đề cuốn sách Xin đừng quên nhau là có ý lắm. Nghĩa tình là cái vĩnh cửu, nhất là đối với các nhà báo.

Ngừng lại giây lát, ông Phan Quang nói tiếp:

 -  Bữa Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm đạo đức báo chí Việt Nam, tôi đề xuất không nên cầu toàn, cũng chẳng câu nệ 5 điều, 9 hay 10 điều. Cốt lõi của đạo đức báo chí vẫn là sự trung thực, lành mạnh trong nghề nghiệp, là sự trung thực của một nền báo chí nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại. Rốt cuộc vẫn là nghĩa tình thủy chung - Xin đừng quên nhau.

Nhà báo, nhà văn Phan Quang có lắm duyên nợ, nhiều tình cảm sâu nặng với thành phố Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng Đà Nẵng tháng 3 năm 1975, Phan Quang là một trong những nhà báo đã có mặt đầu tiên ở thành phố mến yêu này. Trong Xin đừng quên nhau Phan Quang có những bài viết xúc động với thành phố bên bờ sông Hàn xinh đẹp, nơi ông từng cảm nhận như thành phố quê hương của chính mình.  

Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm là tập bút ký ông ghi lại những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi ông là phóng viên trẻ Báo Cứu quốc Liên khu 4. Những trang bút ký, nhật ký phóng viên của Phan Quang ngồn ngộn chất liệu, tươi rói tính thời sự, phản ánh những nẻo đường hành quân kháng chiến mà Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, kể từ ngày 19-12-1946. Nguồn sông Thạch Hãn là nơi ông xuất phát - từ quê hương Quảng Trị, năm 1946 - những năm tháng đi kháng chiến. 71 phố Hàng Trống, gần bên bờ hồ Hoàn Kiếm là nơi đặt trụ sở Báo Nhân Dân, khi ông được Trung ương điều động về Hà Nội, sau ngày thực dân Pháp đầu hàng vô điều kiện trên mặt trận Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại trên nửa phần Tổ quốc thân yêu.

Buổi sáng chúng tôi đến nhà riêng của nhà báo, nhà văn Phan Quang, ông nói:

-  Hôm nay còn khoe với các bạn, Phan Quang còn có một tập bút ký nổi tiếng, được bạn bè gửi tặng từ thủ đô Paris của nước Pháp.

Ông vừa nói vừa lần giở từng trang kèm nhiều ảnh và minh họa quý trong tập bút ký 100 bài nổi tiếng của các nhà báo kỳ cựu của nước Pháp và thế giới được đăng trên nhật báo Pháp Le Monde (Thế giới), nhân kỷ niệm ngày truyền thống của báo này. Trong tập bút ký, có 5 bài nổi tiếng của 5 ký giả hàng đầu của nước Pháp và thế giới viết về Việt Nam. Đó là các bài viết về cuộc chiến tranh bên bờ sông Hồng - cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Việt Nam, mở đầu vào mùa đông năm 1946, từ khi Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12 của 70 năm trước. Tiếp đó là các bài bút ký viết năm 1968, 1972, 1975 - về chiến dịch Tết Mậu Thân - Sài Gòn 1968, mùa hè đỏ lửa năm 1972 bên bờ Thạch Hãn, chiến dịch tháo chạy của Mỹ- ngụy quyền Sài Gòn năm 1975.

Phan Quang tâm niệm, nghề báo là nghề cần lắm đôi mắt tinh tường, thấu hiểu mọi chuyện trên cuộc đời này. Ông nói, tuổi già như ông mắt đã kém, tai cũng đã nghễng ngãng, nhưng không thể không tỉnh táo để phân biệt đúng sai, phải trái mà lên tiếng để phê phán cái sai, bênh vực lẽ phải. Ông đọc hai câu thơ mà ông chiêm nghiệm, cảm tác:

Thế thái buồn vui nhìn một mắt
Nhân tình ấm lạnh gác ngoài tai

Ông nói, thế thái nhân tình là chuyện ở đời. Điều ác, cái xấu, sự tráo trở ta coi khinh, đừng để tâm mà làm gì. Ấy nhưng khi đã qua lăng kính của nhà báo thì mọi việc cần phải rõ đúng sai, thái độ, cách nhìn rất cần sự minh bạch. Phan Quang cho rằng trong tập bút ký mới nhất còn tươi rói mùi mực in của ông, cũng như tập sách quý 100 bài bút ký nổi tiếng, nguyên bản tiếng Pháp - đánh dấu 100 sự kiện “nổ tung” thế giới  nằm trên bàn kia chính là một phần bàn  về thế sự, nhân tình thế thái cuộc đời, về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Làm nghề báo mà tai không tinh, mắt không sáng, lòng không trong là rất dễ nhầm lẫn. Mà sự nhầm lẫn đối với nghề báo sẽ gây ra bao hệ lụy khôn cùng. Một buổi sáng gần cuối đông, trước thềm Xuân mới Đinh Dậu, cùng trò chuyện với bậc lão thành Phan Quang, có thể nghiệm ra nhiều bài học sâu sắc về nghề nghiệp, mà chính ông đã nhẹ nhàng rút tỉa, ngấm vào máu thịt - một đời chinh chiến, sống chết với nghề, vào lúc ông sắp vào tuổi thượng thọ Chín mươi Xuân qua.

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.
.
.
.
.