.

Theo dấu nam mai

.

Danh sĩ Cao Bá Quát lúc về quê, nhớ hai người bạn là Nguyễn Văn Lý tiến sĩ khoa 1833 và Phạm Sĩ Ái hoàng giáp khoa 1832 đang ở kinh thành Huế đã viết hai câu đầy cảm xúc:

Hoa mù u.
Hoa mù u.

Hồi thủ Hải Vân phan bất đáo
Phiêu phiêu thùy lệ hướng nam mai

Có người dịch rất hay là:

Ngoái lại Hải Vân không với tới
Ròng ròng nhỏ lệ nhớ mù u.

Vì sao hướng về chót vót Hải Vân mây nước thâm u với cơ man cây cối kia mà chỉ nhắc mỗi cây mù u (nam mai mộc)? Tôi đồ rằng nhà thi sĩ tài danh và cao ngạo thời Nguyễn kia dùng nam mai như một hình ảnh tượng trưng cho bạt ngàn cây cối tạo bóng mát trên đường thiên lý. Vì sao đoán thế? Đơn giản bởi trên đường cái quan thời Nguyễn - và có thể trước đó nữa - cây mù u được trồng nhiều nhất ở hai bên đường- kể cả nơi hiểm trở khó trồng là trên đường đèo nối liền Quảng Nam và Thuận Hóa. Điều này được xác nhận một lần nữa khi gặp hai câu trong bài “Qua đèo Hải Vân” của Thượng thư Nguyễn Hữu Bài:

Xuống ải, qua đò, nhìn lối cũ
Sờ sờ hai dãy gốc mù u.

Cây mù u còn được trồng trên những con đường ngang dọc chốn kinh thành, cả trên lối đến những chốn tôn nghiêm của hoàng triều Nguyễn là lăng miếu và đàn Xã Tắc. Trong cuốn Cố đô Huế, học giả Thái Văn Kiểm cũng đã nhắc đến câu ca dao:

Văn thánh trồng thông
Võ thánh trồng bàng
Ngó vô xã tắc (thấy) hai hàng mù u.

Vì sao mù u được trồng nhiều đến vậy? Quê xứ của nó xuất phát chốn nào? Và du nhập vào nước ta đã bao lâu để được vinh hạnh đi vào thơ ca, không chỉ ở văn chương bác học mà còn thấm đẫm trong từng lời thơ dân gian óng ả:

Ong bầu vờn đọt mù u
Lấy chồng chi sớm tiếng ru càng buồn?

và đôi khi cũng vô cùng tinh quái:

Mù u ới hỡi mù u!
Hai vợ chồng cãi lộn lấy thằng cu giải hòa.

 Cây mù u ven sông Tam Kỳ. Ảnh: V.T.L
Cây mù u ven sông Tam Kỳ. Ảnh: V.T.L

Chẳng biết chàng và nàng “hòa giải” nhờ thằng con nhỏ thế nào? Chỉ biết trong những đêm xuân mơ màng, bỗng thảng thốt nghe một mùi hương thầm lặng đâu đây, ngào ngạt và nuột nà lẫn vị hăng hăng cay nồng như hồn tiêu phách quế… mới biết cha ông xưa đã thực tế và tinh tế đến nhường nào khi đưa nam mai về trồng khắp chốn.

Bên cạnh nhiều đoạn mô tả về các nhà dịch trạm từ Bắc vào Nam, sách Đại Nam thực lục tiền biên và Đại Nam nhất thống chí còn cho biết, ngay từ buổi đầu khai cơ dựng nghiệp, bên cạnh việc tu bổ đường thiên lý, triều Nguyễn đã sức dân chúng trồng nhiều cây mù u ven con đường huyết mạch này.
Mù u rất hợp với vùng đất cát ven biển miền Trung: hạt rơi xuống đâu, cây mọc ngay ở đó; dễ bứng, dễ trồng, chóng thành cổ thụ. Cành mù u có độ cong lý tưởng để làm hai đoạn xương sống (lô) ở mũi và lái ghe và làm sườn cũng như cọc chèo của thuyền lớn. Ngâm trong nước mặn, gỗ mù u càng bền, càng dẻo.

Từ Lý, Trần đến thời các chúa Nguyễn Nam tiến, việc đi lại chủ yếu bằng thuyền. Trong một trang mô tả của Phủ biên tạp lục về việc tuyển quân năm Quí Dậu (1753) đời Lê Cảnh Hưng, học giả Lê Quý Đôn cho biết có đến hơn phân nửa người “thế lính” ở phủ Quảng Ngãi được sung vào các đội thuyền, trong đó có Đội Hoàng Sa đến cai quản vùng đảo này trên Biển Đông để xác lập chủ quyền cùng khai thác sản vật. Không chỉ là vật liệu chủ yếu của phương tiện di chuyển trên sông nước, dầu ép từ hạt mù u chín còn dùng làm vị thuốc chữa bỏng, sát trùng và chữa một số bệnh ghẻ lở ngoài da. Trái mù u khô rơi lăn lóc khắp nơi, ép bằng tay có thể lấy dầu dùng đốt đèn soi đường ban đêm cho khách lữ hành. Vì vậy, việc triều đình cho trồng nhiều mù u cũng là điều dễ hiểu!

Cây mù u còn đi vào huyền thoại lịch sử với các chuyện kể về các trận đánh với giặc Pháp trong buổi đầu chúng xâm lược nước ta. Chuyện kể, thấy lính Pháp mang ghệt dài phủ đến quá bắp đùi, đi đứng cứng nhắc nên đã có lời đồn “bọn Tây dương không có đầu gối”; đó là lý do dân ta đổ trái mù u ra đầy đường với hy vọng lính Pháp sẽ trượt ngã và bị quân ta xông tới kết liễu. Lời đồn về các “trận mù u” ở kinh thành Huế, ở đèo Hải Vân, ở Quảng Nam chưa thấy sử liệu chính thức nào ghi; nhưng, trong dân gian, đã có những chuyện kể, những câu ca nhắc đến việc này với một cảm xúc hào hùng khó tả!

Giáo sư Đỗ Tất Lợi, nhà nghiên cứu danh tiếng về dược thảo, đã mô tả loài cây này như sau: “Mù u có tên khoa học Calophyllum inophyllum L. (Balsamaria inophyllum Lour); thuộc họ măng cụt Guttiferea. Cây cao chừng 10-15 m, lá mọc đối, mỏng, thon dài, phía cuống hơi thắt lại, đầu lá hơi tù, phiến lá dài 10-17cm, rộng 5-8cm, gân rất nhỏ, nhiều, chạy song song và nổi rỗ cả hai mặt lá. Hoa khá to, thơm, màu trắng, mọc thành chùm xen ở kẽ lá hay đầu cành. Từ xa, người ta phân biệt được cây mù u với cây khác là nhờ màu trắng đặc biệt của hoa”.

Màu trắng muốt của nam mai như đã mô tả trên rất giống hoa trắng của một loài mai vườn, được người địa phương gọi là mai mù u, trồng nhiều ở vùng Nam bộ. Sách xưa cũng gọi cây mai mù u là Nam mai tuy rằng loài này trổ hoa vào đầu xuân còn cây mù u chính tông trổ hoa từ cuối xuân trải dài suốt mùa hạ.

Tại thành Gia Định xưa có một gò cao trồng nhiều mai mù u mùa xuân trổ hoa trắng xóa được nhiều văn nhân thi sĩ gọi tên chữ là Mai Sơn. Địa danh này nổi tiếng đến độ được hoán dụ để chỉ toàn vùng Nam Bộ xưa.

Tam nguyên Trần Bích San, một danh sĩ thời Tự Đức, vào mùa xuân năm Đinh Mão 1867, đã có hai câu rất hay nói về  “gò mai trắng” ấy như sau:

Cử mục Mai Sơn thiên lý viễn
Kim triêu xuân sắc cánh hà như?

câu ấy được Chu Thiên, tác giả cuốn “Nhà Nho” dịch hay không kém:

Non mai nghìn dặm xa vời
Hôm nay nào biết xuân tươi thế nào?

Liên hệ hoàn cảnh Nam Kỳ lục tỉnh vừa rơi vào tay thực dân Pháp lúc ấy mới thấy nỗi buồn của nhà thơ gởi gắm qua hình ảnh Mai Sơn thê thiết đến dường nào?

Nam Bộ còn có một gò mai mù u trắng nữa gọi là Mai Khâu được Trịnh Hoài Đức, một nhà thơ vừa là văn thần thời Nguyễn, mô tả rõ trong “Gia Định thành thông chí”. Cả Mai Khâu lẫn Mai Sơn là thi đề của nhiều bài thơ trong thi phẩm “Mộng Mai đình” và là biểu tượng của Bạch Mai thi xã, một hội thơ qui tụ nhiều văn thi nhân nổi tiếng của Nam Bộ nửa sau thế kỷ 19 như Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Huỳnh Mẫn Đạt, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Thông…

Cùng Mai Sơn và Mai Khâu ta gặp một hình ảnh gò mai nữa có tên là “Mai Cương”. Trong một bài thơ tiễn ông Nguyễn Tăng Doãn sung chức phó sứ bộ đi Tây năm 1873, Hà Đình Nguyễn Thuật, văn thần cuối thời Tự Đức, đã viết: “Tiết quyển mai cương vũ/ Phàm phi xích hải trình” (Mưa cuộn trên đồi Mai, buồm chạy trên biển Đỏ) Cũng trong một bài thơ khác, Hà Đình- người được xem là “hay chữ” nhất của đất Quảng cuối thế kỷ XIX kia, lúc tiễn một ông bạn về Nam đã viết: “Mai cương hà xứ trú ngâm yên/ Hương mộng du du thủy nguyệt hàn” (Dịch thoát ý: Đồi mai giờ náu chốn nào? Quê nhà nương giấc chiêm bao lạnh lùng). Xem cách thể hiện trong các câu thơ trên, có thể thấy Nguyễn Thuật đã dùng Mai Cương cùng nội hàm với “núi mai” và “gò mai” như đã nói ở trên.

Vậy là, từ bắc chí nam, bóng dáng nam mai gần như gắn liền với chiều dài đất nước. Cùng với hoàng mai, có thể xem nam mai như một biểu tượng khác về hình ảnh mùa xuân đất nước.

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.