.

Trước sông Hàn

.

Hơn 30 năm trước, nhà thơ Thu Bồn đã muốn... hóa thành cây để đứng lại mà nhìn sông Hàn trôi đi, khi... cắc cớ đòi hỏi người mình yêu thương phải lấy tóc chẻ mây/ buộc anh đứng lại như cây sông Hàn. Trước đó hơn 40 năm nữa, thi sĩ Phạm Hầu lại chọn một góc nhìn khác, trong giây phút dừng chân Vọng hải đài. Để đưa tay vẫy ngoài vô tận mà chẳng biết xa lòng có những ai. Xa hơn nữa, thì Vọng hải đài Vọng giang đài, khi vua Minh Mạng đặt tên, là sự thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước. Như thế, có nghĩa là, Đà Nẵng đã và sẽ hiện ra trong những dáng vẻ khác nhau.

Cầu Rồng về đêm. 															          Ảnh: PHÙNG ĐỨC DŨNG
Cầu Rồng về đêm. Ảnh: PHÙNG ĐỨC DŨNG

Còn giờ đây, khi muốn “nhớ xưa” thì thư tịch cổ hiện ra như những lời chứng. Theo đó, từ “Đà Nẵng” được nói đến sớm nhất trong sách Ô châu cận lục (năm 1555) của Dương Văn An, nhưng mới chỉ là tên gọi một cửa biển. Theo hai nhà nghiên cứu về Chăm là Inrasara và Sakaya, Đà Nẵng là biến dạng của tiếng Chăm cổ daknan, nghĩa là vùng nước rộng lớn  hay “sông lớn”, “cửa sông cái”. Những người Trung Hoa xưa gọi Đà Nẵng là Hiện Cảng. Giáo sĩ Buzomi (đến Đà Nẵng năm 1615) gọi nơi này là Porte de Kéan. Với giáo sĩ Chrisoforo Borri (đến Đà Nẵng năm 1618) thì là Touron. Sanson d’Abbeville vẽ bản đồ năm 1652 ghi là Turaon. Giáo sĩ A. de Rhodes thì gọi Turon. “Người mình” gọi là Cửa Hàn. Từ năm 1888  đến hết thời thuộc Pháp, Đà Nẵng có tên Tourane. Trong dân gian, Đà Nẵng còn có tên Vũng Thùng. Các nhà Nho thì gọi là Trà U, Trà A, Trà Sơn… Sau năm 1945, Tourane đổi  thành Thái Phiên, chí sĩ trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916… Rồi đến ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm lớn trên nhiều lĩnh vực của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước với dân số hơn 60 vạn người. Và dù có gọi tên gì đi nữa, thì trong ý nghĩ của bao người, Đà Nẵng luôn gợi lên hình ảnh về một thành phố mạnh mẽ, đầy nghị lực, luôn khao khát hướng về một ngày mai tốt đẹp hơn.

Trên vùng đất trắng ngày xưa, sự sống trở lại, mạnh và đẹp hơn. Trên đồng, có những chấm người xa xa đang vội vàng cho lúa kịp về sân phơi. Mồ hôi và ý chí người dân vùng cát đã nói lên rằng, đất đã sinh ra-nuôi lớn nhiều đời; đất là sự không-quên. Ngày vừa ngưng tiếng súng bom, một lần từ Hội An ra Đà Nẵng theo con đường ven biển nhỏ hẹp mới rải đá, đã mơ về diện mạo tương lai của nó. Giờ đây, con đường hiện ra trước mắt đẹp hơn nhiều nếu so với con đường trong giấc mơ của hơn 40 năm trước. Con đường rộng hai chiều, xanh cỏ cây, hoa lá tiếp nối hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn… Không phải tất cả đã đẹp, vì mới là hình hài chưa hoàn chỉnh. Nhưng cảm giác thư thái là có thực. Như thể con sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang), mạch huyết nối phố Hội ra tới vùng Non Nước ngày nay đã im lìm hơn 100 năm qua, được chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam chính thức khởi công khơi dòng cách đây gần 4 năm, dù đến nay, phần lớn dòng sông vẫn bị vùi lấp, đứt quãng, nhiều nơi vẫn còn đầy lục bình. Nhưng mỗi lần đi trên chiếc cầu mang tên Cổ Cò đầy lãng mạn vắt qua sông cũng đủ để mường tượng về hình hài của dòng sông cũ sẽ được trả lại nay mai.

Có ai không gợn lên lòng vui, khi nhìn những cây cầu vươn về phía bên kia. Đó là con đường, cũng là bàn tay. Để liền nối bàn tay. Như cuộc sống là giấc mơ này gọi cơn mộng khác. Để những nơi giao hòa giữa biển cả với núi rừng trở thành những khu du lịch thơ mộng, nơi một nhà thơ đã từng chiêm nghiệm về cái xa xanh thanh khiết không lời. Cái hào hiệp ngang tàng của gió. Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ (Vũ Quần Phương). Thốt lên, là để hiểu rằng, cuộc sống của người không chỉ là áo cơm. Mà hạnh phúc là niềm vui khi biết rằng đã làm việc hết lòng; là biết gánh vác những công việc lợi ích cho đồng loại. Cũng có nghĩa, mọi nỗ lực hướng về tương lai đã xuất phát từ chỗ lắng nghe.

Bên kia là ánh sáng của hy vọng. Bên này, khó nhọc hơn, vì phải làm ra cái mới trên nền cũ. Biết mấy khó khăn. Thành phố vẫn còn nhiều việc cần lo, vẫn còn hàng chục nhóm vấn đề phải giải quyết, mà quan trọng nhất, là con người. Người sống ở thành phố, nhưng đã thực sự là thị dân chưa? Phải làm gì để yêu cầu về môi trường sinh thái và nhà cao tầng không bị “đối địch”? Văn hóa, rốt ráo phải là một thái độ văn minh, từ nhiều góc nhìn. Mọi suy nghĩ phải quay về cái nền tảng triết lý này: Ý tốt - Tâm hiền...

Đứng trước sông Hàn, nhớ màu hoa thắm hồng trên con đường cong một cánh cung. Ôn lại bao còn-mất, được-không trong đời, để thầm nghe sóng và gió hát. Đất trời đã gửi trao cho người món quà quý: thành phố có núi-biển-sông. Người hãy giữ gìn, không để cho những tiếng vật chất cướp đi tặng vật vô giá ấy. Nghĩa là, phải có Tình yêu. Yêu đất. Yêu người.

Hơi lạnh tàn đông đang thầm tan. Tan dần những giá buốt. Cho một mùa xuân phục sinh. Lại ngỡ như chạm vào. Đứng trước. Buông hồn theo sóng!

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

;
.
.
.
.
.