.

Văn chương tuổi Dậu

Nhìn lại thành tựu văn chương nước ta trong thế kỷ XX, những người thành danh “cầm tinh tuổi con gà” quả là không nhiều: chỉ có 59 tác giả, trong đó chủ yếu tập trung vào tuổi Kỷ Dậu (1909), Tân Dậu (1921), Quý Dậu (1933) và Ất Dậu (1945). Bước sang tuổi Đinh Dậu (1957) chỉ có một tác giả khá nổi bật là Nguyễn Quang Thiều, còn các cung tiếp theo hầu như không có vóc dáng tâm hồn nào hiện ra thành câu chữ, đáng được ghi nhận.

Tuổi Kỷ Dậu (1909), là tuổi của các nhà học thuật với 12 tác giả, trong đó chỉ có 2 nhà thơ là Đặng Xuân Thiểu và Bảo Lương, 4 nhà văn là Đỗ Đức Thu, Sơn Vương, Thao Thao và Nguyễn Đức Quỳnh, nhưng có đến 6 nhà nghiên cứu lý luận, phê bình mà là toàn những cây bút thời danh, những cây đại thụ trong văn giới và học giới như Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Thục, Lê Ngọc Trụ, trong đó có cả thế hệ trí thức / học giả viết bằng hai thứ tiếng Pháp – Việt, mà chủ yếu là bằng tiếng Pháp như Nguyễn Mạnh Tường (năm 23 tuổi, cùng trong một năm, bảo vệ thành công hai bằng tiến sĩ luật khoa và văn khoa), Nguyễn Tiến Lãng (13 tuổi đã phụ trách trang văn học dịch của tờ Hữu Thanh), Cung Giũ Nguyên (không chỉ viết bằng tiếng Việt, tiếng Pháp mà còn bằng cả tiếng Anh); hoặc với Hoài Thanh, trong sự nghiệp văn chương đồ sộ gồm 17 công trình tác phẩm, trong đó có 1 tập truyện và 1 tập bút ký, nhưng nhắc đến Hoài Thanh người ta nhớ ngay đến Thi nhân Việt Nam (1941) và phong trào thơ mới, cũng như khi nói đến phong trào thơ mới không thể không nhắc đến Hoài Thanh. Tập phê bình chủ quan theo trường phái ấn tượng đầu tiên của nền phê bình văn học non trẻ của nước ta thời ấy, cho đến nay đã trải qua đúng ba phần tư thế kỷ vẫn còn giữ nguyên giá trị học thuật và những ai được “bầu chọn” vào đây, đều trở thành thi nhân của đất nước!

Tuổi Tân Dậu (1921), là tuổi thành danh của các nhà văn xuôi với 17 tác giả, có đến 5 nhà nghiên cứu là Hoàng Tuệ, Vũ Đức Phúc, Hồng Chương, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Ngu Í; 6 nhà thơ là Tế Hanh, Anh Thơ, Quang Dũng, Vương Linh, Khổng Dương, Bùi Hạnh Cẩn và kịch tác gia có làm thơ là Lưu Quang Thuận. Chỉ có 5 nhà văn nhưng xem ra là những cây đại thụ của văn xuôi hiện đại Việt Nam: Nguyễn Văn Bổng tác giả của một tài sản văn chương đồ sộ, gồm 7 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và bút ký, 1 vở kịch, 1 kịch bản phim, 1 tập tiểu luận phê bình… xoay quanh hai mảng đề tài là nông thôn, người nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ và Sài Gòn, các đô thị miền Nam trong những năm chống Mỹ, đã đạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn (1952, 1955, 1965) và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000). Võ Hồng, tác giả của 30 đầu sách gồm nhiều thể loại, trong đó có những tiểu thuyết như Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Thiên đường ở trên cao, những tập truyện ngắn Hoài cố nhân, Trầm mặc cây rừng, Vết hằn năm tháng,…người sống và viết dưới chế độ cũ ở miền Nam, vẫn kiên trinh giữ cho ngòi bút của mình thấm đẫm chất nhân văn và tình yêu quê hương đất nước. Nguyễn Văn Xuân, tác giả của 2 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 3 công trình nghiên cứu, biên khảo, trong đó có Bão rừng (1957) được coi là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi đầu tiên lên án việc khai thác thuộc địa của Pháp ở nước ta, tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống (2002) ra đời khi tác giả đã vượt qua tuổi tám mươi vẫn được giải A của Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc vốn kiến văn sâu rộng trong các công trình khảo cứu của ông được tôn vinh là “nhà Quảng học” (Dương Trung Quốc). Kim Lân, xuất thân trong một gia đình nghèo, “chỉ học hết bậc tiểu học, đã phải đi làm để kiếm sống” (Trần Mạnh Thường, Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb VHTT 2008, tr.823), nhưng là tác giả của những tập truyện ngắn bất hủ như Nên vợ, nên chồng (1945), Con chó xấu xí (1962),… được tôn vinh là “nhà văn của những phận người nhỏ bé”. Nguyễn Khắc Thứ, tác giả của 3 truyện dài, 1 tiểu thuyết 1 tập truyện ký là Trận Thanh Hương (1955) đã đạt giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam.

Tuổi Quý Dậu (1933) cũng là tuổi của những nhà nghiên cứu, học thuật, với 12 tác giả, trong đó có 3 nhà thơ là Hồng Chinh Hiền, Thái Giang, Trang Nghị, 3 nhà văn là Lý Văn Sâm, Lê Phương, Trần Công Tấn và một kịch tác gia là Vũ Đình Phòng. Nghiên cứu lý luận, phê bình áp đảo cả về số lượng lẫn chất lượng với 5 tác giả: Giáo sư, Viện sĩ Phan Cự Đệ, tác giả của 30 công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, sưu tầm tuyển chọn, trong đó có các công trình nổi bậc như Phong trào thơ mới (1966), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập 1974,1978), Văn học Việt Nam thế kỷ XX (2004). Ninh Viết Giao, tác giả của 40 công trình in riêng và in chung, trong đó có những công trình được tái bản nhiều lần như Câu đố Việt Nam (1959, 1990, 1993, 1995, 1997, 2000, 2001), Hát phường vải (1961, 1993, 2002). Lê Bá Hán, tác giả của 8 công trình nghiên cứu, trong đó có các giáo trình lý luận văn học đáng chú ý như Thuật ngữ nghiên cứu văn học (1974), Nghệ sĩ và quá trình sáng tác (1980). Nguyễn Thị Ngọc Trai, tác giả của 8 công trình lý luận, phê bình, sưu tầm biên soạn, trong đó có các công trình đáng chú ý như Nhà văn Nguyễn Tuân – con người và văn nghiệp (1974), Tác phẩm và dư luận (1975, tái bản 1985). Và, đặc biệt là Văn Tâm, tác giả của 8 công trình, chủ yếu là những hiện tượng văn học “có vấn đề”  như Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực (1957), Tản Đà – khối mâu thuẫn lớn (1964), Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm (1995), hay nói như Nguyễn Huệ Chi, ông luôn “chứng tỏ cái tư cách “phù suy” rất hiếm có, cái tư cách dám xông vào những mảnh đất lắm chông gai và ít bảo hiểm để làm tròn phận sự nhà phê bình nghiên cứu của mình” (Nguyễn Huệ Chi, Văn Tâm như tôi nghĩ).

Tuổi Ất Dậu (1945) có 17 tác giả, trong đó có 6 nhà thơ là Hoàng Vũ Thuật, Trần Nhật Thu, Lò Ngân Sủn, Phạm Đắc, Phan Quế, Quang Khải. Và, dường như có sự san đều giữa văn và thơ: 5 nhà văn là Hà Đình Cẩn, Hà Khánh Linh, Xuân Mai, nổi trội hơn là Nguyễn Mạnh Tuấn với 8 tập truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, trong đó có các tiểu thuyết thời danh Đứng trước biển (1980), Cù lao tràm (1985); hoặc Thái Bá Lợi với 2 tập truyện ngắn, 8 tiểu thuyết, trong đó có những tiểu thuyết đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam như Họ cùng thời với những ai (1981), Minh sư (2012). Có một tác giả thành công cả văn và thơ là Thanh Quế. Nghiên cứu lý luận, phê bình có 5 tác giả là Đinh Xuân Dũng, Hồng Diệu, Nguyễn Văn Lưu, trong đó nổi trội về lý luận văn học là Lê Ngọc Trà với các tác phẩm Lý luận và văn học (1990), Văn chương, thẩm định và văn hóa (2007); đặc biệt đóng góp của Lại Nguyên Ân về phê bình văn học và văn bản học về di sản của các tác giả Nguyễn Minh Châu, Vũ Trọng Phụng, Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Lê Thanh, Trần Đình Hượu,…đưa ông trở thành nhà văn bản học lớn nhất nước ta.

Điều đáng lưu ý là trong số 59 tác gia văn chương tuổi Dậu, chỉ có 2 kịch tác gia, nhưng có đến 22 người hành nghiệp nghiên cứu lý luận, phê bình và hầu hết đều là những tên tuổi tài danh. Về số lượng, tỷ lệ này khác xa với văn chương tuổi Thân trước đây (8 tác giả nghiên cứu trên tổng số 79 tác giả) và cả với văn chương tuổi Tuất sắp tới (4 tác giả nghiên cứu trên tổng số 50 tác giả). Nên có thể nhận ra rằng, người tuổi Dậu tư duy duy lý nhiều hơn, họ tập hợp vào đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn chương lý trí có thể dễ thành đạt hơn là văn chương tưởng tượng.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.