Thực sự sống ở thành phố “đầu biển cuối sông” này ngót nghét 20 năm nhưng lần đầu tiên tôi mới để ý đến món bánh mì Đà Nẵng. Bởi bánh mì ở đâu chẳng có, nhưng khác nhau thế nào thì chỉ có du khách mới cảm nhận rõ nhất. Có lẽ vậy mà cô bạn đồng nghiệp của tôi vẫn thường ăn sáng bằng bánh mì, hôm nay chợt giật mình thảng thốt hỏi cô bán hàng: “Bánh mì Đà Nẵng là gì vậy?”, khi nghe hai du khách đứng bên cạnh nói: “Cô ơi, bán cho con hai ổ bánh mì Đà Nẵng!”.
Có mặt hơn 30 năm tại Đà Nẵng, bánh mì bà Lan luôn được nhân viên chuẩn bị chỉn chu từng công đoạn trước khi bán cho khách. Ảnh: Đoàn Lương |
Câu chuyện của cô bạn đồng nghiệp làm tôi chợt hiểu ra một cảnh tượng trước đây mình gặp mà chính tôi và cả cô bé bán bánh mì ngày ấy cũng không tài nào hiểu nổi. Chả là hôm đó, trời mưa lâm râm, tôi đang ngồi ăn bánh mì vỉa hè trên đường Lê Đình Thám thì có một nhóm khoảng 5-6 du khách U60 người Nhật đi dạo trên vỉa hè và ghé vô mua một ổ bánh mì không nhân 2.000 đồng.
Sau đó, họ túm tụm lại thò tay cùng xé chia nhau từng mẩu nhỏ ăn rón rén giữa trời mưa. Cô bé bán hàng cứ cười tủm tỉm thắc mắc: “Sao không mua mỗi người một ổ mà ăn?”. Giờ qua câu chuyện của đồng nghiệp, tôi chợt nhận ra “chắc họ từng nghe nói đến món bánh mì Việt Nam được các tạp chí uy tín trên thế giới bình chọn là một trong những món ăn đường phố ngon nhất không thể bỏ qua nên họ ăn thử xem sao?”. Cũng từ đó, tôi bắt đầu để ý đến các loại bánh mì có mặt ở Việt Nam, đặc biệt bánh mì Đà Nẵng.
Hiện nay, có rất nhiều loại bánh mì có nhân đi kèm khác nhau nhưng với bánh mì Đà Nẵng thì phải luôn có pa-tê, mayonnaise, thịt nguội, chả quế, chả heo, chả bò, húng quế, ngò, ớt xanh. Đây là món ăn khá phổ biến đối với người dân Đà Nẵng trong các bữa sáng. Có thể kể đến một số quán bánh mì đúng chất Đà Nẵng và được người dân ưa thích như bánh mì Bà Lan, bánh mì Ông Tý…
Bánh mì Bà Lan chỉ hoạt động từ 16 giờ 30 hằng ngày trở về tối để dồn toàn bộ thời gian buổi sáng cho việc mua và chế biến nguyên liệu, đặc biệt là thịt bò và thịt heo. Ổ bánh mì Bà Lan luôn đầy đặn và tươm tất. Từng loại nhân được quệt vào ổ bánh theo “lộ trình” nhất định: đầu tiên là lớp pa-tê dày, tiếp theo là lớp mỏng mayonnaise làm từ trứng, sau đó mới đến thịt nguội, chả quế, chả heo, chả bò, húng quế, ngò, ớt xanh và một đoạn hành lá có chiều dài gần bằng ổ bánh và cuối cùng là rắc nhẹ một ít muối tiêu.
Trong khi đó, bánh mì Ông Tý được đánh giá là thương hiệu bánh mì không chỉ lâu đời mà còn ngon nhất tại Đà Nẵng. Tinh túy của bánh mì Ông Tý tập trung toàn bộ vào những lớp chả bò, chả heo. Không giống như chả ở bất kỳ nơi đâu, chả Ông Tý được làm theo hình chữ nhật, mỗi tấm nặng từ 3 đến 4kg. Chả làm từ loại thịt tươi, được lọc kỹ gân, da, mỡ và đích thân ông tẩm ướp.
Sau khi ra lò, thành phẩm lập tức được đặt trong ngăn mát tủ lạnh vì không sử dụng chất bảo quản, bột và hàn the. Lát chả bò luôn có màu hồng nhẹ, chả heo trắng đục, thơm và luôn có độ sần, lấm tấm rỗ trên bề mặt chứ không mịn màng, trắng nõn như các loại chả thông thường.
Nói đến bánh mì Ông Tý, tôi chợt nhớ trước đây cô bạn tôi tất tả phóng xe dưới trời mưa tầm tả ngược lên đường Trưng Nữ Vương để mua cho được ổ bánh mì Ông Tý sau khi ngồi uống cà-phê với tôi. Nghe tôi thắc mắc: “Bánh mì nào chẳng giống nhau mà sao phải vất vả vậy?”, bạn giải thích rất đơn giản: “Anh của em chỉ thích ăn bánh mì Ông Tý, còn các loại khác ổng không bao giờ ăn!”.
Đôi khi món ăn cũng gắn với kỷ niệm thuở nhỏ và những năm sau đó họ cứ mãi ăn như một thứ không thể bỏ được. Điều này rõ nhất là lúc tôi còn sống chung dãy trọ với các em sinh viên người Đại Lộc, Quảng Nam. Trong ký ức tuổi thơ của các em có những năm tháng đói nghèo, mỗi lần được mẹ chở ra Đà Nẵng chơi thì thể nào cũng phải mua cho được mấy ổ bánh mì Đà Nẵng. Dù bây giờ quán xá có rất nhiều món ăn nhưng các em vẫn thích “gặm” bánh mì vào buổi sáng hoặc chiều muộn.
Chị Thanh Xuân, một đồng nghiệp cũ của tôi cũng cho biết, bánh mì Đà Nẵng có từ rất lâu và bây giờ đã có mặt tận thủ đô Hà Nội. Ngoài đó người ta còn gọi với cái tên khác là bánh mì Hội An. Tuy nhiên, bánh mì Đà Nẵng ở ngoài Bắc có khác đôi chút, chẳng hạn như vỏ mỏng, nhiều ruột nhưng vẫn sử dụng nhiều tương ớt và ớt trái xanh lấy từ Đà Nẵng. Em dâu của chị vẫn thường xuyên lấy hàng chục ký tương ớt từ chợ Hàn gửi xe khách ra bán lại cho quầy bánh mì Đà Nẵng ở Hà Nội.
Tuy là món ăn dân dã nhưng đã dùng quen thì khi đi xa lại càng nhớ. Chị Thanh Thủy, một người Đà Nẵng định cư ở Mỹ nhiều năm vẫn không thể quên được hương vị của bánh mì Đà Nẵng. Chị chia sẻ: Mỗi lần ăn bánh mì tôi lại nhớ những ngày mùa đông ở Việt Nam. Ngày đó, sáng nào tôi cũng tranh thủ ăn bánh mì trên đường đến trường vì không có thời gian.
Nhiều năm ở Mỹ, tôi vẫn thường ăn bánh mì Việt Nam ở quán Đông Phương. Mặc dù không có hương vị đúng chất như bánh mì Đà Nẵng nhưng bánh mì của quán Đông Phương cũng là một trong 5 tiệm bánh sandwich ngon nhất thành phố New Orleans, bang Lousiana (Mỹ) vừa được chuyên trang du lịch của CNN bình chọn. Bánh mì này còn có tên tiếng Anh “Vietnamese po-boys” (bánh kẹp kiểu Việt Nam) có vỏ cứng và giòn ngon, bên trong nhân có cả cà rốt muối, pate, nước sốt, rau mùi, ớt, thịt heo quay... gần giống với bánh mì Đà Nẵng đã phần nào giúp tôi nguôi ngoai cảm giác nhớ nhà”.
“Người Úc thưởng thức món ăn Việt Nam hằng ngày, và đây chính là một trong những đóng góp tích cực của gần 300.000 người Việt định cư ở Úc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi dùng bánh mì Việt Nam! Tôi thực sự yêu thích vị tươi mới trong các món ăn Việt Nam” Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chia sẻ khi thưởng thức bánh mì tại Đà Nẵng trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 |
ĐOÀN LƯƠNG