Chứng kiến cái sống, cái chết mỗi ngày, nhưng trái tim của những người làm công việc chạy chữa cho bệnh nhân vẫn có thể “tan chảy” trước hoàn cảnh quá khó khăn của người bệnh, để rồi họ thôi thúc bản thân phải làm điều gì đó sẻ chia với những mảnh đời này.
Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, em Nguyễn Thị Ngọc Quyên (phải) đã được điều trị kịp thời và trở lại trường học sau những tháng ngày gián đoạn. |
Quyên ơi, đừng bỏ cuộc!
Một ngày gần cuối năm 2017, anh Nguyễn Đình Quốc (nhân viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng) gọi cho chúng tôi với mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ cho một bệnh nhân hết sức đặc biệt. Đó là trường hợp em Nguyễn Thị Ngọc Quyên (học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Liên Chiểu). Quyên bị tai nạn giao thông, không người thân thích.
Số tiền viện phí phải chi trả lên đến gần 20 triệu đồng hoàn toàn nằm ngoài khả năng của em. Nếu không tiếp xúc, thật khó tin những éo le, bi kịch của cuộc đời mà cô bé 13 tuổi này phải đối mặt. Vừa lọt lòng, bé Quyên bị bố mẹ ruột bỏ rơi bên vệ đường.
Ông Nguyễn Ngọc B. và bà Trương Thị T. (ngụ phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã nhận em làm con nuôi. Năm 2016, gia đình ông B. và bà T. vỡ nợ, bỏ đi khỏi địa phương, để mình Quyên bơ vơ, lang thang giữa đời.
Em xin phụ việc cho một quán cơm trên đường Tô Hiệu để có tiền sống qua ngày. Một lần đi mua nguyên liệu cho chủ quán, Quyên bị xe tông khi bước qua đường. “Vết thương ở cổ chân của Quyên nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây thương tật suốt đời. Vì lý do đó nên bệnh viện quyết định điều trị, phẫu thuật sớm cho em, mọi chi phí liên quan sẽ tính tiếp”, anh Quốc chia sẻ.
Khi những bác sĩ tiến hành hội chẩn, bắt tay vào điều trị cho Quyên cũng là lúc đội ngũ nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đà Nẵng tỏa ra khắp nơi… xin tiền bằng cách viết thư kêu gọi, đăng fanpage, huy động truyền thông, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ Quyên. Số tiền 17 triệu đồng quyên góp được chính là món quà của hàng chục tấm lòng sẻ chia dành cho em thông qua lời kêu gọi, giới thiệu của các nhân viên y tế tại bệnh viện.
Giờ đây, đều đặn hai tuần mỗi lần, Quyên lại xuống bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám miễn phí, hướng dẫn phương pháp tập luyện để sớm phục hồi. Kể với chúng tôi, Quyên chia sẻ, thỉnh thoảng qua facebook, zalo vẫn hiện lên những dòng tin nhắn động viên của các bác sĩ, dù ngắn ngủi nhưng đủ làm cho cô bé đang tuổi trưởng thành có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua những ngày sóng gió sắp tới.
Hiện Quyên đang được vợ chồng chị Phạm Thị Tuyết (trú tổ 115, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) nhận làm con nuôi, tiếp tục trở lại trường học sau những tháng ngày đứt đoạn. “Đã có lúc tưởng Quyên bỏ cuộc vì hoàn cảnh quá khó khăn nhưng anh em tại bệnh viện vẫn động viên, cổ vũ để Quyên tiếp bước con đường phía trước, dù biết còn rất dài và đầy khó khăn nhưng nếu có nghị lực thì chắc chắn Quyên sẽ vượt qua”, anh Quốc cho biết.
Đây chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời thông qua sự kêu gọi, kết nối của đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Theo ông Hồ Anh, Phó phòng Công tác xã hội, hơn 1,7 tỷ đồng là số tiền đơn vị này đã kêu gọi, tiếp nhận và hỗ trợ cho hơn 150 bệnh nhân hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2017. “Ngoài việc hỗ trợ viện phí và quà tặng, chúng tôi tổ chức các chuyến xe đưa đón bệnh nhân về địa phương, kết nối, giới thiệu người bệnh tìm mái ấm mới, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế, bảo đảm người bệnh không bị thiệt thòi vì lý do thủ tục”, ông Anh cho biết.
Gần 3 năm đi vào hoạt động, bếp ăn tình thương, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã cung cấp hơn 35.000 suất ăn miễn phí cho người bệnh. |
Lan tỏa điều thiện
Trong hơn 30 năm khoác chiếc áo blouse trắng với sứ mệnh chữa bệnh cứu người, ấn tượng khó quên nhất đối với bác sĩ Phùng Đình Thạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là những lần vô tình “chạm” đôi mắt chất chứa buồn tủi của người bệnh trong những lần ông đi làm về. “Xã hội vẫn chưa có cái nhìn thiện cảm, sẻ chia đối với bệnh nhân bị bệnh lao, phổi. Người ta kỳ thị vì sợ lây nhiễm. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, trở thành một nỗi đau mà đáng lẽ người bệnh không đáng nhận”, bác sĩ Thạnh chia sẻ. Hình ảnh một số bệnh nhân ra ngoài bệnh viện mua thức ăn và bắt gặp những ánh nhìn, cử chỉ dè dặt, xa lánh của mọi người khiến vị bác sĩ này nghĩ đến những bữa ăn ấm cúng dành cho người bệnh ngay bên trong bệnh viện. Ý tưởng bắt đầu từ cuối năm 2014, nhưng mãi đến tháng 2-2015, bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng mới bắt đầu đi vào hoạt động.
Để có kinh phí, đội ngũ nhân viên y tế tại đây phải huy động tất cả các mối quan hệ, tìm đủ cách kêu gọi các nhà hảo tâm. Nhân viên y tá, điều dưỡng tại bệnh viện luân phiên làm đầu bếp, trực tiếp chế biến món ăn phục vụ người bệnh. “Gặp ai cũng xin, cũng trình bày hoàn cảnh của bệnh nhân và nguyện vọng của bệnh viện, riết rồi quen, số người biết đến bếp ăn tình thương ngày càng nhiều. Người cho ít ký gạo, người cho chai nước mắm, dầu ăn, rồi cho tiền, của ít lòng nhiều”, chị Thái Thị Thanh Hường, Điều dưỡng phó Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nói. Gần 3 năm bếp ăn tình thương đi vào hoạt động cũng là chừng ấy thời gian chị Hường đảm nhận cùng lúc nhiều vị trí, công việc. Nhà ở khối phố Thanh Vinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), cách nơi làm việc chừng 30 phút đi xe máy nhưng từ sáng sớm, người ta đã thấy chị rảo quanh chợ Mai gần nhà, lựa chọn đủ loại thực phẩm, lỉnh kỉnh kèm sau xe mang lên chuẩn bị bữa trưa cho các bệnh nhân.
Mục tiêu ban đầu của bếp ăn tình thương là phục vụ 1 bữa ăn miễn phí/tuần nhưng đến nay, bếp ăn này đã cung cấp 3 bữa ăn miễn phí/tuần, phục vụ cho khoảng 70-90 bệnh nhân mỗi bữa. Bếp đã tiếp nhận khoảng 530 triệu đồng từ các tấm lòng gửi trao để cung cấp hơn 35.000 suất ăn miễn phí trong chừng ấy thời gian. Thành quả này, theo bác sĩ Thạnh, không phải của riêng ai, mà là tấm lòng của hàng ngàn người cùng chung một nhịp đập yêu thương. “Ngoài giá trị trực quan là hỗ trợ vật chất, chúng tôi mong muốn người bệnh hiểu rằng, trong bất cứ hoàn cảnh, vị trí nào, tình yêu thương, sự sẻ chia vẫn luôn tồn tại. Điều đó mới là quan trọng và có giá trị bền lâu. Những món quà, sự hỗ trợ đến bếp ăn tình thương có thể nhỏ về vật chất nhưng chất chứa trong đó biết bao tình cảm và giá trị không thể đong đếm được”, bác sĩ Thạnh nói.
Giống như lời ông nói, giá trị đó đã trở thành hiện thực trong gần 3 năm qua tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Thỉnh thoảng, bệnh viện vẫn tiếp những đoàn khách đến trực tiếp nấu ăn để phục vụ người bệnh. Họ là người thân của những bệnh nhân đã từng điều trị, từng rưng rưng cầm trên tay những suất ăn nghĩa tình tại bệnh viện. Trước khi từ giã cõi đời, tâm nguyện để lại của người đã khuất vẫn là mong muốn được phục vụ một bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân. Như trường hợp chị Lê Thị Ngân (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), đăng ký nấu bữa ăn miễn phí phục vụ các bệnh nhân tại bệnh viện đúng vào 49 ngày mất của cha. Ông M., cha chị đã thì thào nói lời cuối cùng là muốn những nụ cười, ánh mắt ấm áp hiện lên trên khuôn mặt của những “người bạn” ông gặp tại bệnh viện, ở trong mỗi bữa ăn. Gần 2 năm điều trị, tuy không tránh khỏi diễn biến của bệnh tình nhưng điều ông M. tin có thể thay đổi được, đó là tình người, sự đồng cảm và sẻ chia…
PHAN CHUNG