Điểm đến sự kiện, lễ hội

.

Không phải ngẫu nhiên, tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards diễn ra vào tháng 12-2017 tại Phú Quốc, Đà Nẵng được trao tặng danh hiệu “Đà Nẵng - điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á”. Không phải ngẫu nhiên Đà Nẵng được chọn là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, ngoại giao mang tầm quốc tế. Đó là cả quá trình chắt chiu các giá trị văn hóa của thành phố trên tiến trình hội nhập.

Các hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra thường xuyên tại Đà Nẵng trong năm 2017.
Các hoạt động giao lưu văn hóa diễn ra thường xuyên tại Đà Nẵng trong năm 2017.

Từ những lễ hội truyền thống như lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội đua thuyền…, thành phố Đà Nẵng đã liên tục có thêm những sự kiện, lễ hội lớn dành cho người dân và du khách.

Bước ngoặt nâng tầm lễ hội và đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của những sự kiện có thể kể đến dấu ấn năm 2015, thành phố được chọn là điểm dừng chân của cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016. Những ý tưởng táo bạo trong tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế này đã mở đầu cho hàng loạt sự kiện sau này, điển hình là Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016.

Tiếp nối những thành công trước đó, năm 2017, Đà Nẵng rộn ràng đón chào nhiều sự kiện văn hóa, giải trí lớn. Chỉ riêng không gian văn hóa hai bên bờ sông Hàn đã diễn ra 50 hoạt động lễ hội, trong đó có hoạt động nghệ thuật thường xuyên vào các ngày cuối tuần như: đưa tuồng xuống phố, trình diễn hô hát bài chòi, âm nhạc đường phố, vũ hội đường phố, mỹ thuật đường phố…

Cũng trong năm 2017, Đà Nẵng được chọn tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế như: Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2017 mở rộng; Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 20; Lễ hội ẩm thực quốc tế; Hội nghị Golf châu Á; cuộc thi Iron Man 70.3 Việt Nam; cuộc thi Marathon quốc tế; Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng-DIFF… đặc biệt là sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Mỗi sự kiện, lễ hội đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân, du khách và bạn bè quốc tế. Trong sổ cảm tưởng tại các điểm văn hóa, giải trí của thành phố như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… vẫn lưu lại những dòng suy nghĩ tốt đẹp của du khách gần xa về thành phố Đà Nẵng.

Trong những dòng lưu niệm ấy có tâm sự của bà Lynda Babao-O’Neill, Phu nhân Thủ tướng Papua New Guinea khi đến xem chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ và diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC:

“Đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng nhưng cảm giác thân thuộc. Tôi ấn tượng khi xem tuồng. Tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại Đà Nẵng để tìm hiểu sâu sắc hơn văn hóa, con người nơi đây”. Đó còn là đánh giá của bà Claudia L. Zambrano, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Colombia tại Việt Nam rằng Đà Nẵng đang chú trọng bồi đắp chân - thiện - mỹ cho con người thông qua hoạt động trưng bày, triển lãm tác phẩm mỹ thuật đầy tính nghệ thuật…

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, không phải ngẫu nhiên Đà Nẵng được chọn là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia, quốc tế. Đó là cả quá trình chắt chiu các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp biến, giao thoa với nền văn hóa hội nhập hiện đại cùng với sự thân thiện và mến khách của người dân Đà Nẵng…

Ông Hùng dẫn chứng, trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 20, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể với ông rằng, sau gần 30 năm kể từ Liên hoan phim lần thứ 8 năm 1988, người Đà Nẵng vẫn chào đón các nghệ sĩ trên cả nước bằng tình cảm nồng hậu, chân tình. Khi biết ông là đạo diễn tham dự liên hoan, một chủ quán ăn chiêu đãi miễn phí…

Vũ hội đường phố tại bờ đông sông Hàn, thu hút đông đảo người xem. Ảnh: NGỌC HÀ
Vũ hội đường phố tại bờ đông sông Hàn, thu hút đông đảo người xem. Ảnh: NGỌC HÀ

Cùng suy nghĩ, đạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới (ITI) - người góp phần mang Festival Nghệ thuật biểu diễn thế giới về Đà Nẵng, tâm sự, ý tưởng tổ chức Festival Nghệ thuật biểu diễn thế giới được khởi xướng bởi ông, vì thế Festival đầu tiên nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ITI (1948-2018) ưu tiên diễn ra tại Việt Nam và nơi đạo diễn này nghĩ đến là Đà Nẵng. Ðà Nẵng hội tụ tương đối đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một thành phố của các sự kiện quốc tế lớn.

Ðà Nẵng cũng là thành phố có cả núi, sông, biển với người dân thân thiện, hiền hòa, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch. “Có lẽ cũng vì thế Ðà Nẵng đã được lựa chọn để tổ chức Festival Nghệ thuật biểu diễn thế giới 2018.

Vì nghệ thuật biểu diễn cần được tạo điều kiện xuất hiện ở những nơi đầy khát vọng và tương lai phồn thịnh - nơi nghệ thuật sân khấu biểu diễn quốc tế có được cơ hội thể hiện mạnh mẽ nhất đặc trưng của mình, đó là kết nối các dân tộc, quốc gia, các nền văn minh trong khát vọng hiểu biết và chia sẻ”, đạo diễn Lê Quý Dương phân tích.

Nói về Festival Nghệ thuật biểu diễn thế giới, NSND Trần Đình Sanh nhấn mạnh, đây là cơ hội giới thiệu các loại hình diễn xướng và tác phẩm sân khấu độc đáo nhất của các đơn vị nghệ thuật nước ta tới bạn bè quốc tế; góp phần thúc đẩy sâu rộng quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của nghệ thuật sân khấu biểu diễn Việt Nam.

“Tôi từng đến thành phố Avignon nước Pháp, nơi mỗi ngày có ít nhất 16 nhà hát hoạt động cùng giờ; nơi đường phố trở thành thánh đường của các nghệ sĩ sân khấu; nơi cả một tháng ròng trong năm người ta sẵn sàng trút bỏ mọi vướng bận thường nhật để đắm mình trong không khí của nghệ thuật dân gian, của hội hè đình đám.

Tôi ước ao được sống lại không khí đó ngay trên quê hương mình và ước mơ ấy đang dần hiển hiện. Tôi mong lãnh đạo thành phố, các ngành chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức để Festival đạt như kỳ vọng. Nếu Festival thành công thì hình ảnh Đà Nẵng tiếp tục lan rộng, bay cao, bay xa…”, NSND Trần Đình Sanh bày tỏ.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.