Hình tượng chú chó trong tác phẩm văn học

.

Trong các loài động vật, chó là một loài vật gần gũi, gắn bó, là người bạn trung thành của con người. Chính vì lẽ đó, hình ảnh chú chó thường xuyên góp mặt trong các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới cũng như tại nước ta. Nhân đầu xuân Mậu Tuất, xin mời bạn đọc gặp lại những chú chó quen thuộc trong vài tác phẩm tiêu biểu.

Con Bim trắng tai đen là tác phẩm văn học của nhà văn Nga Gavriil Troyepolsky (1905-1995) viết về thân phận một con chó. Nội dung câu chuyện kể về người thợ săn khi phải lên thành phố chữa bệnh, đã gửi Bim - chú chó thân yêu của mình cho người hàng xóm trông coi. Thế nhưng, ngay trong ngày đầu tiên, Bim nhớ chủ đến nỗi bỏ cả ăn và quyết định ra đi tìm chủ của mình. Nó lang thang hết nơi này đến nơi khác giữa mùa đông lạnh giá, trải qua không biết bao nhiêu nỗi vất vả, gian nguy. Bị bắt và bị nhốt, hành hạ đến nỗi chân thì giập nát còn cơ thể ngày càng tàn tạ, suy kiệt, song Bim vẫn không thay đổi quyết tâm. Để rồi đến lúc người chủ thân yêu gặp lại Bim, thì nó đã mãi mãi ra đi...

Cuốn sách đã được dịch ra 52 ngôn ngữ, đồng thời bộ phim dựa trên tiểu thuyết này của đạo diễn Rostotsky năm 1977 cũng rất thành công, được đề cử giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất. Gavriil Troyepolsky được Nhà nước Liên Xô trao tặng Giải thưởng Nhà nước và Huân chương Lao động Cờ đỏ. Ông qua đời ngày 30 tháng 6 năm 1995 tại Voronzezh. Hiện nay, tại thành phố được nhắc trong tác phẩm vẫn còn bức tượng chú chó Bim, để tưởng nhớ một trong những chú chó nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học.

Tiếng gọi nơi hoang dã (nguyên bản tiếng Anh: The Call of the Wild) là tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Jack London (1876-1916). Truyện kể về một con chó tên Buck đã được thuần hóa, với một loạt sự kiện xảy ra khi nó bị bắt khỏi trang trại để trở thành chó kéo xe ở khu vực Alaska lạnh giá, trong giai đoạn mọi người đổ xô đi tìm vàng thế kỷ 19. Giữa tình huống đó, thiên nhiên nguyên thủy bỗng đánh thức bản năng của Buck. Buck quay lại cuộc sống hoang dã, trở về rừng và sống chung với lũ sói.
Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 1903, lập tức trở thành tiểu thuyết được nhiều người đọc nhất của Jack London và được xem là tác phẩm hay nhất của ông.

Không lâu sau đó, vào năm 1906, Jack London lại cho ra đời Nanh Trắng (White Fang), một tiểu thuyết với bối cảnh tương tự (phương bắc lạnh giá), nhưng chủ đề lại trái ngược, kể về một con sói hoang dã được một chuyên gia khai khoáng đến từ San Francisco thuần hóa. Có thể nói đây là 2 tác phẩm viết về thế giới động vật hoang dã thành công nhất của ông. Không chỉ thành công trong lĩnh vực văn học, Tiếng gọi nơi hoang dã, Nanh trắng đã được chuyển thể thành phim và gặt hái nhiều thành công trên màn ảnh nhỏ.

Lão Hạc là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của nhà văn Nam Cao (1917-1951) - một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Có thể nói, nhắc đến ông là nhắc đến chủ nghĩa hiện thực trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1945.

Truyện ngắn Lão Hạc kể về câu chuyện một lão già sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi vợ mất sớm, con trai phẫn chí bỏ đi làm cao su biền biệt chưa về thăm lại nhà. Lão sống một mình với mảnh vườn và con chó vàng. Lão cưng chiều nó như con, luôn miệng gọi là “cậu Vàng”, bởi đó là con chó của cậu con trai để lại. Lão giữ con chó cho con trai để chờ ngày con lão trở về. Song cuộc sống ngày càng khốn khó, lão băn khoăn, day dứt rồi quyết định bán chó để lại mảnh vườn cho con. Thấy cảnh con chó Vàng bị người ta kéo đi mất, lão thấy mình thật tệ bạc, tự trách bản thân mình: “Bất chợt, lão Hạc bật khóc hu hu, khuôn mặt co rúm lại vì đau khổ - Khốn nạn… ông giáo ơi!… Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau dốc ngược lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chỉ loay hoay một lúc là trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!… Này! ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó kêu ư ử và nhìn tôi, như muốn trách tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó. Nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!”.

Bằng việc sử dụng các từ tượng hình tượng thanh, Nam Cao đã thể hiện tấm lòng trân trọng thương cảm của tác giả đối với những con người nghèo khổ, bất hạnh. Các từ tượng hình tượng thanh ấy làm cho đoạn văn có giá trị biểu cảm, làm nổi bật giá trị tư tưởng của tác phẩm. Tình thương yêu con vật có nghĩa khiến lão nghĩ mình là kẻ bạc bẽo, đánh lừa loài vật. Con người lừa dối con người đã xấu xa. Tàn tệ hơn khi con người lừa con vật. Vì Lão Hạc nghĩ như thế nên lão cảm thấy hổ thẹn. Những lời nói giữa Lão Hạc và ông giáo cho chúng ta thấy lão Hạc đang trên đường đi đến đỉnh điểm của nỗi khốn khổ và bất hạnh: “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người may ra có sung sướng hơn một chút... Kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...”. “Nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?”.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.