Đối với người dân đất Việt, Tết không chỉ là dịp để quây quần sum họp bên gia đình, mà còn là thời điểm để bảo tồn bản sắc dân tộc qua việc giữ gìn những phong tục cổ truyền. Những phong tục ấy sẽ tự nhiên thấm nhuần vào con trẻ thông qua nếp nhà mà ông bà, bố mẹ đã duy trì.
Để con cháu giữ mãi những tập tục đẹp ngày Tết, đại gia đình nhà anh Thành năm nào cũng duy trì việc nấu bánh chưng, làm mứt Tết. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng 26 tháng Chạp là đại gia đình anh Võ Bá Thành (đường Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà) gồm ba thế hệ với chừng ba chục người tề tựu đông đủ để cùng nhau gói bánh chưng, ngào mứt gừng, đổ bánh thuẫn…
Để giữ được thói quen này suốt bao năm nay là nhờ cả đại gia đình đã cùng được sống trong không khí Tết sum họp, ấm áp mà người mẹ, người bà (đã mất) của họ tạo dựng. Câu chuyện bên nồi bánh chưng chẳng bao giờ quên nhắc về những cái Tết “hồi xưa” còn có bà.
Anh Thành (cháu đích tôn của bà) kể, anh sống cùng bà từ nhỏ đến năm 19 tuổi thì bà mất. Suốt những năm tháng ấu thơ, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cứ đến Tết là căn bếp nhà anh đầy ắp đồ ăn. Bà nội đi đến đâu là hương Tết theo nồng nàn đến đó.
Vì vậy, dù những ngày cận Tết đã được nghỉ học, đám cháu nội/ngoại của bà chẳng muốn đi đâu chơi, chỉ quẩn quanh bên chân bà để hít hà mùi thơm của những thức quà Tết. “Ngày đó, món gì cũng tự tay bà nội làm. Từ hũ thịt ngâm mắm, hũ dưa kiệu đến bánh chưng, bánh tét, bánh thuẫn, mứt gừng, mứt dừa…
Vì nhà đông con cháu nên những ngày cận Tết là bà “lội” mãi ở chợ. Hết chợ là lụi cụi trong bếp sửa soạn đồ ăn. Bà luôn nói rằng: “Nhà mình đông con cháu nên tự làm để vừa tiết kiệm vừa để con cháu được hưởng không khí Tết sớm”. Cả cuộc đời bà đã sống như vậy nên dù hiện tại, thứ gì cũng có thể mua nhưng không khí và niềm vui sum họp gia đình thì không thể, cho nên cả nhà cố gắng duy trì thói quen này. Cũng là để, thế hệ thứ 4, thứ 5 của gia đình được trải nghiệm cái Tết “hồi xưa” mà ông bà, bố mẹ chúng đã trải qua”, anh bộc bạch.
Trước ngày tụ tập, các bà cô trong nhà đã đi chợ mua đủ nguyên liệu. Nồi bánh chưng nấu đến 12 tiếng, trong thời gian đó, những cô bé, cậu bé “thế hệ thứ 4” của gia đình ngồi quây quần trên chiếc chiếu lớn, vừa xem người lớn làm mứt, vừa nghe hướng dẫn cách làm, thích thú với những câu chuyện đón Tết ngày xưa. Những trẻ lớn hơn được phân công các nhiệm vụ như gọt gừng, xúc đường, nhào đường ngâm gừng…
Những năm sau này, các bà cô còn “bày” ra thêm các món mới như mực rim, bò ngâm giấm. Dù thành phẩm làm ra chia đều cho mỗi nhà ăn hết tháng Giêng còn chưa xong nhưng năm nào, cả đại gia đình cũng xúm xít, say mê làm.
Về làm dâu nhà họ Võ hơn 30 năm, bà Tuyết, mẹ anh Thành hiểu từng tính nết của mẹ chồng. “Ngày thường, mẹ chồng tôi rất tiết kiệm nhưng cứ đến Tết là bà chi tiêu “phủ phê” hơn. Bà quan niệm rằng, ngày Tết mà mâm cơm đủ đầy, căn bếp tràn trề đồ ăn thì năm đó, gia đình sẽ làm ăn sung túc. Với bà, Tết bắt đầu từ 20 tháng Chạp kia.
Đó là thời gian bà như trẻ khỏe lại, hăng say nấu nướng, bày biện. Còn đến mồng Một thì như Tết đã phai, mồng Hai hương Tết đã tàn. Từ ngày bà mất, tôi vẫn giữ nếp nhà, đến Tết là dâu con tụ tập về cùng mẹ quét tước nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ gia tiên và chuẩn bị một số món ăn truyền thống.
Trừ bánh kẹo là phải mua ngoài, các món ăn truyền thống và đãi khách, mẹ và các con đều tự tay chuẩn bị. Tôi muốn sau này, con dâu cũng duy trì nếp nhà, các cháu luôn hướng về những phong tục tập quán của dân tộc”, bà Tuyết chia sẻ.
Cũng muốn con cháu giữ mãi những tập tục đẹp trong ngày Tết, năm nào gia đình ông Trần Phước Hoàng (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn) cũng tập trung con cháu vào ngày 23 tháng Chạp. Hôm đó, các cô con dâu sẽ phụ mẹ quét tước nhà cửa, làm bánh, mắm thịt. Con trai và con rể phụ trách làm một con heo để cả đại gia đình ăn Tết.
Các cháu nội, ngoại thì xúm xít cùng ông ra vườn tỉa lá, cắt những bó hoa cúc đẹp nhất còn đọng sương để cắm lên bàn thờ gia tiên. Ông Thuận bảo, nhà ông duy trì nếp này đã nhiều năm nay. Trước đây, cuộc sống khó khăn, cứ đến Tết là bà nhà làm tất thảy các loại bánh khô, nổ, tổ. Để làm ra các mâm bánh này, bà cặm cụi tối ngày trong bếp.
Do đó, ngày xưa người ta gọi các loại bánh khô là bánh “3 cực, 7 khổ”. Mâm bánh làm ra rất kỳ công, chứa đựng biết bao mồ hôi, tâm sức của người phụ nữ trong gia đình. Những năm trở lại đây, bà đã có tuổi nên ông khuyên bà nghỉ bớt làm bánh, chỉ giữ lại nếp nấu bánh chưng, bánh tét để con cháu trong nhà biết đến cái vị Tết, hưởng không khí Tết và ý nghĩa khi tự tay làm những món ngày Tết.
Thông thường, cứ đến khoảng 29 tháng Chạp là nhà ông bắt đầu gói bánh. Tối 29, cả gia đình quây quần bên bếp lửa bập bùng, ôn lại những câu chuyện đã qua trong năm, chia sẻ về những dự định trong năm mới. Đến sáng 30, ông bà sẽ vớt bánh mang vào cúng lễ rước ông bà. Nhà ông Hoàng vốn là nơi thờ tự của tộc Trần nên cứ đến sáng ngày 30 Tết là con cháu cả tộc đều về.
“Cả năm con cháu bận việc cơ quan, học hành, đây là dịp để bọn trẻ gặp nhau, biết họ hàng, người già người trẻ trong tộc”, ông Hoàng kể.
Cũng bởi người cầm trịch vẫn còn minh mẫn, quán xuyến mọi việc trong gia đình nên hiện tại, dù ba người con trai và hai cô con gái của ông bà đều đã có gia đình riêng nhưng dịp này vẫn về nhà cha mẹ, dẫn theo các cháu, để cùng gói bánh và ăn bữa tất niên. Sau ngày tất niên, cả nhà có lệ nữa là sáng mồng Một, các con cháu lại tập trung ở nhà ông bà để từ đó đi chúc Tết họ hàng, anh em ở khu xung quanh.
Trải qua ngày Tết mới thấy, phong tục ngày Tết không phải là hình thức, mà là sự đề cao vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt. Lớp người có tuổi cảm nhận rõ rệt vấn đề ấy nên việc giữ gìn của họ cũng chính là để làm gương cho con cháu noi theo, để cùng cảm nhận hương Tết nồng nàn trong mỗi nếp nhà.
QUỲNH TRANG