Ký ức khói

.

Tôi về quê khi tất cả đã qua đi: những trận bão lụt, nỗi lo và cái đói, thiên tai cùng khốn khổ. Quê, như con bệnh chưa khỏi hẳn nhưng ráng trở dậy và gắng gỏi hồi phục dần từ. Tôi ở lại nhà đôi bữa và cũng ngày đôi lần ngồi nơi khoảng hè phía trước ăn cơm với gia đình, trong khi, nước hãy còn xâm xấp dưới sân. Những bữa ăn được nấu bằng củi gộc ướt đầm chẻ nhỏ, nên lửa sao bừng nổi và khói… Khói mù mịt hết cả cái chái bếp vừa che chắn lại. Sao mà tôi thương dữ một cái chái bếp xập xệ như vậy, sau lũ. Sao mà tôi thương dữ ngôi nhà tôi tơi tả, sau bão giông.

Ảnh: TRANG MI
Ảnh: TRANG MI

Lòng tôi đau đáu một chốn quê. Tâm trí hút hết về nơi ấy, khoảng ngày này. Ký ức ló mặt, tìm về. Ký ức kiễng chân dòm soi vào tận tâm can tôi bồi hồi muôn vàn nhung nhớ. Đã bao Chạp đi qua mẹ ngồi rang từng trả nếp để làm cốm. Cốm đây là cốm Nghễnh, nếp đây nếp sột soạt chỉ thấy có ở miền Trung. Mà nào chỉ có nếp sột soạt. Còn nữa: Nếp ngự, nếp quạ, nếp cái, nếp tiêu… Những tên nếp đã gợi lên bao điều chân chất gụi gần. Đã quê mùa sao! Đã dân dã…

Phải rồi cũng cỡ này cả nhà ra đồng cắt và gánh từng bó, từng bó nếp sột soạt bỏ ngoài sân. Rồi hú, rủ nhau xúm tuốt. Những gié cuối của thân nếp hãy còn ngậm sữa tròn căng, thấy, đã nghe thèm miếng bánh khô, bánh nổ. Chẳng ai trong nhà rang nếp khéo như mẹ. Nhà không có than nhưng mẹ cũng không rang cốm bằng rơm rạ mà bằng củi đã khô nẻ. Tay mẹ liên hồi đảo đũa trên trả. Gọn ơ và nhịp nhàng. Nếp càng nở to, tiếng càng lớn. Nghe rất vui tai! Những âm thanh tràn ngập niềm vui của sự đoàn tụ và yêu thương. Lũ con cháu đông đảo trong nhà hay mẹ, nghe bà rang cốm tối về tụ tập. Nên nếp lớp rang ăn chơi. Lớp để dện bánh. Ăn chơi thì phải lo giã ngay khi vỏ nếp còn giòn. Giã bằng cối đá. Người giã cũng phải khéo tay như người rang nếp vậy. Và chuyện này chỉ có anh Ba. Giã khéo là sao? Là giã cách làm sao mà vỏ nếp thì nát, hạt nếp thì dẹt và phải rời ra. Bởi đó giã mạnh tay cũng không xong mà giã yếu tay cũng đâu được. Sau đó chị Hai phải sẩy cho thiệt sạch vỏ. Hột nếp căng múp, tròn lẳn, ươm vàng và y hình như còn nong nóng, đã có tới mấy bàn tay len lén thò vô sàng, len lén… lượm rất nhanh. Mẹ luôn tay đảo nếp trên trả và luôn miệng nhắc chừng: Khoan đã, khoan đã mà.

Cốm rang rồi, muốn ăn liền cho ngon thì nên bỏ vô trả lại, không quên rưới lên ít dầu phộng trộn đều nhưng lũ nhỏ nhà tôi có mấy khi chờ được tới chừng đó. Nội nố cốm má, chị để dành dện bánh cũng bị lén hốt luôn, nói gì!!! Cốm dện bánh phải cần thêm đường sênh với gừng. Trộn đều và phải dùng tới khuôn. Cách rang nếp kiểu đó, làm bánh kiểu đó có chăng, giờ, chỉ còn trong dĩ vãng. Bởi đó, tôi đã trải qua nhiều tháng chạp, nhiều năm mới nhớ nhiều quá: ngày xưa.

Cũng ký ức quê nhà dẫn đưa tôi trở lại mấy cái che làm mía những ngày mùa đông. Không khí sao mà chộn rộn? Từng gánh mía quẫy vai, từng cộ mía chất nặng. Ngày trước làm đường theo kiểu thủ công. Phải dùng trâu kéo che ép mía rồi nấu trong những cái chảo to cho tới sánh lại mới đổ ra muỗng rút mật. Tiếng chân trâu rậm rịch, nước mía sôi trên chảo, tiếng kĩu kịt của vòng xoay, tiếng củi nổ… Và lửa: rực đỏ, chấp chới. Lửa lò đường nhảy múa trên tuổi thơ tôi những mùa mía bình yên, no đủ. Lửa lò đường dõi bước chân tôi trên đường làng và soi rọi cuộc đời tôi gập ghềnh, nhoài nhọc. Lửa luôn tạo cho tôi cảm giác ấm áp và còn gì hơn lửa, từ nắm rơm mẹ chụm bếp hâm lại trẹt mắm đồng. Và lửa, từ lò đường huyền ảo, lung linh. Lửa và khói bếp nhà đã đắp đổi thêm cho ký ức tôi bao ngọt ngào, sóng sánh.

Mấy người nhà quê rất ghiền hát bội. Bởi đó mới có câu này: “Tai nghe trống chiến trống chầu/ Xếp ba hột đậu phộng lộn đầu lộn đuôi”. Trước Tết, bao công chuyện phải lo nhưng sau Tết, gánh nào về dựng rạp là trúng lớn và họ, thường về từ rất sớm. Đâu mới ngoài ngày khoảng mồng bốn, mồng năm. Tụi nhỏ xùng xình ba đồng bạc mừng tuổi. Còn người lớn? Nói vậy chứ làm lụng quanh năm với lại công chuyện gì tháng giêng đã chứ! Ngồi lại hồi tưởng và có ý nghĩ như ký ức đang nắm tay tôi, chạy băng băng qua cánh đồng lập lòe đom đóm với nỗi sợ bóp thắt trái tim. Phải qua được khúc này mới ra được đường cái và nhập vào dòng người từ khắp nơi đổ xô về bãi bóng đá của xã. Cái sân quá rộng vậy mà y hình vẫn không chứa đủ. Người ta đâu mà đông nghẹt? Mấy đêm thường sân tối hù và hồi có hát, sáng trưng đèn điện. Ký ức vẫn cầm tay tôi lớ ngớ dòm ngó đó đây, vô tận phía sau coi đào ngắm kép. Tôi thích cái ông cầm chịch trống chầu. Đánh trống sao mà hay dữ? Từng nhịp trống mải miết dồn đuổi, tung tẩy say sưa của những đêm hát bội ngày xưa, tôi vẫn còn cất giữ.

Tôi nhớ quá khói vướng víu gian bếp của nhà. Nơi bà, mẹ và chị tất tả với lửa với củi để lo làm các món ăn ngày Tết. Hết đồ mặn tới đồ ngọt. Đồ mặn thì tré, thịt thưng... Đồ ngọt thì bánh trái. Dân miền Trung, lại là xứ Quảng, Tết sao thiếu được bốn loại bánh đặc trưng: bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in. Cả nhà chúm tụm hết nơi gian bếp nhỏ vừa sắp soạn vừa chuyện trò, hằng bao đêm cuối chạp. Khiến mẹ không đừng được, khuya khuya, thường nướng luôn một lần năm bảy cái bánh tráng. Cho miệng mọi người có cái nhai mà tai cũng vui theo bởi tiếng bẻ bánh rôm rốp, rôm rốp. Bánh tráng mẹ lấy từ mấy chồng dự trữ để ăn Tết đó mà. Dày và có mè để nướng và mỏng để nhúng. Tết có bao nhiêu thứ ngon không có miếng bánh tráng cuốn, Tết sao đây? Nướng bánh bằng lửa rơm nên không được phồng nở nhưng vẫn ngon lắm một thứ đặc sản quê hương.

Tôi hoài thắc thỏm với khói, mỗi khi tới Tết dẫu nơi quê người trong mỗi lần đi xa.

Là xứ Bắc chiều cuối đông, ghé vào một quán nước vỉa hè. Và lòng nao nao với khói thuốc lào tỏa lan, từ một người khách qua đường. Cốc chè nóng trong lòng bàn tay và khói… Khói trùm hết chỗ ngồi, bao phủ hết cả không gian chung quanh và như thể từ đâu đó, ký ức ẩn mình trong khói, mới vừa quay trở lại. Khói ký ức không nhạt nhòa, cho tôi gặp lại tôi một thời rạ rơm chân chất. Khói nồng nỗi nhớ nồng. Sộc vào tận sâu hút cõi lòng từng nhịp gõ thời gian.

Là phương nam. Vẫn thế nắng sau mưa nắng mênh mang nắng dịu nhẹ. Vẫn thế nắng trước mưa nắng chẳng hiền. Nắng ong ong đầu, loa lóa mắt. Giữa giấc trưa, nhìn lung ra cánh đồng thấy khói bốc lên tỏa ra nghi ngút. Khói um đầy nỗi nhớ um đầy.

Khói lùa vào mắt. Mắt cay. Khói lùa vào hồn. Hồn ngơ ngẩn. Và Tết. Và những ngày mới, mùa mới và năm mới sẽ tới. Và Tết, sao mãi vướng víu khói... Chạnh lòng chợt hay vẫn chỉ là khói của ký ức những mùa Tết, đã xa và đã qua...

NGUYỄN MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.