1. Tháng 10-2010, tôi sang Okinawa (Nhật Bản) tham dự hội thảo Nghiên cứu so sánh về tàu thuyền trong thời cận đại ở Lưu Cầu, Việt Nam và Triều Tiên do Viện Nghiên cứu về Tương tác Văn hóa (Đại học Kansai) phối hợp với Đại học Ryukyu tổ chức. Sau khi hội thảo kết thúc, chúng tôi được ban tổ chức hội thảo mời đi tham quan các bảo tàng và di tích lịch sử liên quan đến nghề đi biển và văn hóa biển ở Okinawa trong hai ngày.
Gian trưng bày văn hóa biển tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: ANH SƠN |
Okinawa ngày nay là một tỉnh (prefecture) của Nhật Bản, nhưng từ giữa thế kỷ 19 trở về trước thì quần đảo này là một vương quốc, có tên là Ryukyu (Lưu Cầu), tồn tại độc lập với đế chế Nhật Bản. Người Ryukyu coi hải thương và khai thác biển là những nghề chính để mưu sinh. Biển in đậm dấu vết lên đời sống kinh tế-xã hội, lên nền văn hóa vật thể và phi vật thể của vương quốc Ryukyu. Vì thế, người Ryukyu rất quan tâm giữ gìn di sản văn hóa biển. Tại Naha, thủ phủ tỉnh Okinawa hiện nay, có tới 3 bảo tàng bảo lưu những dấu vết văn hóa biển của người Ryukyu. Đó là Bảo tàng Okinawa, Bảo tàng Hải dương học và Bảo tàng Tàu thuyền. Đây là những nơi trưng bày tất cả những gì liên quan đến biển và cách thức người Ryukyu “sống chung” với biển trong hàng ngàn năm qua, với những tổ hợp kiến trúc hiện đại, hài hòa với biển; tư liệu và hiện vật rất phong phú; hình thức trưng bày sinh động, hấp dẫn.
Tôi cứ nhớ mãi lời người thuyết minh ở Bảo tàng Okinawa: “Một quốc gia biển phải có những bảo tàng về văn hóa biển. Bảo tàng Okinawa là một bảo tàng như thế. Và chúng tôi rất tự hào về nền văn hóa biển của vương quốc Ryukyu được trưng bày và bảo tồn trong bảo tàng này”. Ông Tetsuya Yasuda, một kiến trúc sư người Ryukyu, thành viên tham dự hội thảo, nói với tôi: “Người Ryukyu tự hào về truyền thống văn hóa biển của họ. Nền văn hóa ấy thể hiện trong đời sống, trong kiến trúc, trong ngôn ngữ cũng như trong các món ăn của người Ryukyu. Nền văn hóa ấy được lưu giữ và phát huy giá trị trong các bảo tàng; được thể hiện qua hoạt động gìn giữ, bảo tồn những di tích, di sản có liên quan đến biển, nghề đi biển và nền văn hóa biển đang hiện hữu ở Okinawa”.
Trong quá trình đi tìm những tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các năm 2013-2016, tôi đã đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ và đã có cơ hội viếng thăm nhiều bảo tàng liên quan đến biển, hàng hải, hải thương, môi trường biển, tàu thuyền… Những quốc gia có nghề đi biển và hải thương phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm, bảo tàng về biển và những gì liên quan đến biển. Họ nghiên cứu, giữ gìn và trưng bày tất cả những gì thuộc về biển và mối quan hệ giữa con người với biển cả. Có những bảo tàng chỉ cần tham quan 30 phút là đủ, nhưng có những bảo tàng phải mất cả ngày trời cũng không thể xem hết những gì được trưng bày, giới thiệu nơi đây, như Bảo tàng Hàng hải Amsterdam (Hà Lan) hay Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nagasaki (Nhật Bản)... Đặc biệt, ở Tuyền Châu (Trung Quốc) có một bảo tàng tàu thuyền lớn bậc nhất thế giới. Nơi đây trưng bày nguyên khối một con tàu đắm được trục vớt từ đáy biển và tổ chức khai quật khảo cổ học con tàu này ngay trong khuôn viên bảo tàng, một cách mà người Trung Quốc muốn tuyên truyền cho thế giới thấy họ từng có một nền hàng hải phát triển thông qua những di vật khảo cổ và hiện vật bảo tàng.
Thuyền buôn của vương quốc Ryukyu trưng bày tại Bảo tàng Okinawa. Ảnh: ANH SƠN |
2. Ngày 9-2-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh Việt Nam phải trở thành một “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển”. Đây là một chiến lược đúng đắn, tuy nhiên, để trở thành một “quốc gia biển” hùng mạnh thì chủ quyền biển đảo phải được bảo vệ vững chắc và “phát triển kinh tế biển” phải gắn liền với “bảo tồn văn hóa biển”.
Để bảo tồn di sản văn hóa biển của người Việt, theo tôi, không thể chỉ lưu trong ký ức của cộng đồng các cư dân duyên hải, mà phải bảo tồn những di sản này trong các bảo tàng, có thể là những bảo tàng quy mô và hiện đại do Nhà nước đầu tư, hoặc là những bảo tàng tư nhân, do chính những cư dân vùng biển tạo lập.
Theo tôi, Đà Nẵng là nơi thích hợp nhất để xây dựng một bảo tàng văn hóa biển, bởi lẽ đây là nơi có cả sông, biển và hải đảo; nơi có một bộ phận dân cư gắn bó nghề biển từ bao đời nay và chính họ là những người đang giữ gìn những di sản văn hóa biển, cả vật thể lẫn phi vật thể, rất quý giá.
Đà Nẵng từng là một cảng thị quan trọng ở miền Trung Việt Nam, nằm trên hải trình giao thương giữa phương Đông và phương Tây trong nhiều thế kỷ qua. Đà Nẵng lại nằm cạnh Hội An, một thương cảng quốc tế sầm uất trong kỷ nguyên đại thương mại hàng hải của thế giới trong các thế kỷ 16-17, nơi còn lưu giữ những vết tích, hiện vật, tư liệu và ký ức của nền hải thương Việt Nam và thế giới trong quá khứ. Vì thế, xây dựng Bảo tàng văn hóa biển ở Đà Nẵng không chỉ góp phần lưu giữ và tôn vinh di sản văn hóa biển của thành phố này, mà đây còn là nơi trưng bày những hiện vật, sử tích, di sản văn hóa biển và thương mại đường biển của cả xứ Quảng và vùng đất Đàng Trong trước đây. Đây không chỉ là nơi lưu dấu về văn hóa biển của người Đà Nẵng và người dân miền Trung, mà còn là môi trường giáo dục niềm tự hào về truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác, chinh phục và giữ gìn chủ quyền biển đảo của các thế hệ người Việt ở miền Trung Việt Nam.
Tháng 3-2011, chúng tôi cùng KTS. Tetsuya Yasuda, người từng tham gia vào quá trình xây dựng Bảo tàng Okinawa (Nhật Bản), đi khảo sát nhiều nơi ở Đà Nẵng. Sau ba ngày tham quan, tìm hiểu thực tế, Yasuda lựa chọn một vị trí ở ven bán đảo Sơn Trà, và nói với chúng tôi rằng: “Nếu Đà Nẵng muốn xây dựng một bảo tàng văn hóa biển, thì đây là nơi thích hợp nhất. Và, nếu dự án xây dựng bảo tàng này được chấp thuận, tôi sẵn sàng trở lại Đà Nẵng để tư vấn cho các bạn về thiết kế và quy mô của Bảo tàng văn hóa biển Đà Nẵng trong tương lai”.
Đã gần 7 năm trôi qua, điều ước của chúng tôi vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng tôi vẫn tin rằng trong tương lai, Đà Nẵng sẽ có một Bảo tàng văn hóa biển thực sự. Bởi lẽ, đó sẽ là nơi gìn giữ tốt nhất quá khứ của Đà Nẵng, đồng thời cũng sẽ là một nơi mà nhất định du khách sẽ không thể bỏ qua khi viếng thăm thành phố biển xinh đẹp này.
Để bảo tồn di sản văn hóa biển của người Việt, không thể chỉ lưu trong ký ức của cộng đồng các cư dân duyên hải, mà phải bảo tồn những di sản này trong các bảo tàng” |
Trần Đức Anh Sơn