Những ai gắn bó với Taekwondo Đà Nẵng, hẳn không thể quên hình ảnh một người phụ nữ tất bật, lo toan mọi thứ cho các học trò trước và suốt quá trình thi đấu dưới màu áo đội tuyển Quảng Nam-Đà Nẵng tại các giải đấu cấp quốc gia vào thập niên 1980. Bấy giờ, cái ăn, cái mặc còn thiếu, nói gì đến việc tập huấn hay chế độ cho VĐV, dù ở cấp đội tuyển tỉnh gồm môn sinh ở các CLB được tuyển chọn qua những giải đấu cấp thành phố, do chị trực tiếp huấn luyện. Vậy là ngoài khoản kinh phí hỗ trợ của Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố, HLV Nguyễn Thị Minh Yến phải chạy vạy đủ cách, kể cả đem tiền nhà đắp vào mới đủ trang trải sinh hoạt của cả đoàn. Hay việc chị chẳng đắn đo miễn hoàn toàn học phí cho không ít môn sinh ở các CLB, như một sự khẳng định việc chẳng hề toan tính khi đến với Taekwondo.
Bằng niềm đam mê và sự nhiệt huyết, võ sư Nguyễn Thị Minh Yến vẫn từng ngày đào luyện các tài năng trẻ cho Taekwondo Đà Nẵng. |
Chính những việc làm âm thầm ấy của nữ võ sư Ngũ đẳng huyền đai Nguyễn Thị Minh Yến đã góp phần rất lớn vào thành tích hạng nhì toàn đoàn của Taekwondo Đà Nẵng ngay trong lần đầu tiên góp mặt tại giải Taekwondo toàn quốc mở rộng 1988. Rồi những cái tên từng được vinh danh trên sàn đấu quốc gia như Phạm Công Thời, Phạm Trung Hiếu, Võ Trung Phương, Phạm Bảo Phước… luôn có dấu ấn nữ võ sư này.
Sự gắn bó của Minh Yến với Taekwondo như một “cái duyên”, kể từ ngày 9-9-1969 khi chị “nhập môn, bái sư” cùng võ sư Nguyễn Văn Cẩn tại Võ đường Quang Trung. Chỉ tập để khỏe nhưng dần dà chị trở thành người duy nhất trong 10 anh chị em của gia đình theo luôn “nghiệp” võ. Sau năm 1975, dù gặp những trở ngại khách quan, Minh Yến vẫn cùng các đồng môn tiếp tục luyện tập tại nhà võ sư Nguyễn Văn Cẩn cho đến ngày sư phụ của chị đi định cư nước ngoài. Như một sự tri ân với người thầy cũng như với bộ môn Taekwondo, cùng các sư huynh, chị lần lượt mở các CLB với mục đích phát triển Taekwondo trên địa bàn. Để từ những CLB Hải Châu 1, CLB Nhà Thiếu nhi, CLB Trưng Vương hay CLB Nguyễn Tri Phương, không hiếm môn sinh của chị đã thành danh; trong đó có Dương Lê Quốc Linh - Trưởng Bộ môn Taekwondo kiêm HLV trưởng đội tuyển Taekwondo Đà Nẵng hiện nay. Vì thế, không ngẫu nhiên để đến năm 1988, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội lúc bấy giờ là ông Hoàng Vĩnh Giang đã trực tiếp mời Minh Yến ra mở những lớp huấn luyện đầu tiên cho Taekwondo Hà Nội. Và chẳng quá lời để nói rằng, Nguyễn Thị Minh Yến là người khai sinh Taekwondo Hà Nội.
Không chỉ tham gia huấn luyện, võ sư Nguyễn Thị Minh Yến (thứ 2, từ trái sang)góp phần quan trọng vào sự phát triển của Taekwondo Việt Nam trong vai trò điều hành ở các giải đấu. |
Góp sức không nhỏ tạo được “thương hiệu” cho Taekwondo Đà Nẵng song những nỗ lực rất lớn của chị không được đáp đền tương xứng. Đầu thập niên 2000, do hàng loạt mâu thuẫn nội bộ - trong cả Hội Taekwondo lẫn các CLB, Taekwondo Đà Nẵng dần đi xuống. Thời gian ấy, những ràng buộc về nguyên tắc, khi chị vừa được nhận vào làm viên chức của Sở TDTT thành phố Đà Nẵng lại trở thành một thứ “vòng kim cô”, buộc chị chứng kiến sự tan rã của Taekwondo trong tuyệt vọng. Không ít lần, dù được gợi mở một lần giãi bày, Minh Yến vẫn nhẹ nhàng khước từ bởi nhiều lý do tế nhị vào thời điểm đó!
Song niềm vui cũng đến, dù tương đối muộn màng, khi những năm gần đây, sự âm thầm trong công việc của chị đã góp một phần đáng kể để Taekwondo Đà Nẵng từng bước tìm lại vị thế vốn có của mình. Dù không còn trực tiếp nắm quyền HLV trưởng nhưng Minh Yến có thể tự hào nếu ở tương lai không xa, “thương hiệu” của Taekwondo Đà Nẵng trở lại; bởi trong thành công đó có công sức của người phụ nữ dành gần như trọn cuộc đời mình cho Taekwondo!
BẢO AN