Những người nông dân, ngư dân được sang Hàn Quốc và Nhật Bản để học tập mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và “bí quyết” rửa, bảo quản cá sau khi đánh bắt để cá sạch, tươi lâu…
Nông dân Hòa Vang học làm nông nghiệp tại Hàn Quốc. (Ảnh do các nông dân cung cấp) |
Chuyện ở xứ Hàn
Trong năm 2017, UBND huyện Hòa Vang và chính quyền quận Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc đã ký kết chương trình đưa nông dân Hòa Vang sang Hàn Quốc lao động cũng như học tập mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây là bước đi rất quan trọng để Hòa Vang tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; từ đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, hướng đến thực hiện nền nông nghiệp sạch. Sau 2 đợt tu nghiệp, UBND huyện Hòa Vang và quận Yeongyang đã có buổi làm việc, trao đổi về chương trình hợp tác năm 2018. Đến nay đã có trên 250 người lao động đăng ký tham gia, các ngành của huyện đang xúc tiến các thủ tục có liên quan.
Anh Trần Văn Huỳnh (thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), anh Nguyễn Tưởng (thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), chị Trần Thị Loan (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) và nhiều nông dân khác đều có những trải nghiệm thú vị tại xứ sở kim chi. “Tại các trang trại nông nghiệp, công việc nặng nhọc của người nông dân do máy móc đảm nhiệm. Người già trên 80 tuổi cũng điều khiển “ro ro” các loại máy cày, máy kéo, máy phun thuốc trừ sâu, lái xe tải… Họ rất nâng niu cây trồng, gặt lúa không đổ một hạt. Họ chờ lúa khô, lúa không theo rơm rơi ra ngoài rồi mới gặt. Các máy móc đều được chạy với tốc độ rất chậm để bảo đảm thu hoạch trọn vẹn từng hạt lúa. Không như ở ta, gặt một ngày mấy hecta lúa, trong khi họ có máy móc cơ giới hóa nhưng một ngày chỉ gặt tối đa 4 mẫu ruộng (tương đương 2 hecta). Chúng tôi học điều khiển máy móc, kỹ thuật gieo trồng, cách bón phân và thu hoạch để bảo đảm chất lượng sản phẩm tươi ngon, không bị hao hụt”, anh Tưởng chia sẻ.
Với anh Huỳnh, anh còn ngưỡng mộ nông dân Hàn ở sự văn minh. Họ cúi xuống nhặt từng cọng rác khi đang lao động trên rừng núi, rồi đem xuống chân núi bỏ vào thùng rác. Tất cả các loại rác khi đến chân núi đều được phân loại. Những loại rác còn sử dụng được sẽ được để riêng ra một khu. Cứ mỗi tháng một lần sẽ có xe của Hội từ thiện địa phương đến lấy. “Ở rừng núi không có lấy một cọng rác hay một cái bao ni-lông. Ở rừng vẫn có nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh không có người dọn dẹp nhưng luôn láng bóng, sạch sẽ. Mỗi người dân khi vào sử dụng đều tự giác lau chùi, dọn rửa”, anh Huỳnh kể lại.
Các chủ tàu Đà Nẵng được đào tạo vận hành trang thiết bị bảo quản hải sản tại thành phố Kushiro (Nhật Bản). |
Chuyện ở Nhật Bản
Bí quyết giữ cá, mực tươi của người Nhật được tiết lộ phần nào với đoàn cán bộ thủy sản và ngư dân Đà Nẵng trong chuyến tham quan, tập huấn kỹ thuật sử dụng, vận hành một số máy móc, thiết bị tại thành phố Kushiro (thuộc tỉnh Hokkaido) vào tháng 8-2017. Hóa ra, bí quyết của người Nhật là rửa, bảo quản cá, mực bằng một loại nước điện giải và đá lụa được sản xuất ngay trên tàu từ nước đại dương. Đồng thời, hầm bảo quản sản phẩm được giữ lạnh ổn định nhờ hệ thống điều hòa nhiệt độ.
“Cá, mực mới đưa lên tàu được ngư dân Nhật ướp lạnh và bảo quản bằng đá lụa sản xuất ngay trên tàu từ nguồn nước đại dương có độ mặn cao nên giữ được độ tươi và ngon lâu. Hầm bảo quản còn được một hệ thống điều hòa bảo đảm giữ độ lạnh 00C trong suốt hành trình trên biển. Cá và hầm bảo quản được rửa bằng nước điện giải sản xuất từ nước đại dương nên không những bảo đảm vệ sinh, mà còn có tác dụng bảo quản cá. Còn ở Việt Nam, đá lạnh được sản xuất từ nước ngọt, cũng không có hệ thống điều hòa hầm lạnh, việc rửa cá và hầm lạnh thì múc nước từ âu thuyền, sông lên rửa nên không bảo đảm vệ sinh và cũng không có tác dụng bảo quản cá”, ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng phân tích.
Các chuyên gia đến từ xứ sở mặt trời mọc cũng lắp đặt hệ thống làm lạnh khoang chứa cá trên tàu cá ĐNa 90777 TS của ông Trần Văn Mười (quận Sơn Trà) nhằm bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu. Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống sản xuất đá lụa trực tiếp từ nước đại dương ngay trên tàu cá ĐNa 90945 TS của ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (quận Thanh Khê) để ướp lạnh, bảo quản sản phẩm ngay sau khi đánh bắt lên. Được học hỏi quy trình bảo quản sản phẩm ngay sau khi đánh bắt lên ở Nhật Bản và tiếp nhận hệ thống máy móc hiện đại để vận hành bảo quản sản phẩm ngay trên tàu cá của mình, các ngư dân vui mừng. “Công nghệ và quy trình bảo quản sản phẩm ngay sau khi đánh bắt lên của người Nhật quá tiên tiến. Hiệu quả kinh tế cụ thể khi tiến hành bảo quản bằng đá lụa được vận hành sản xuất ngay trên tàu của tôi thì còn chờ thời gian và tổng kết từ nhiều chuyến đi biển, nhưng có thể thấy ngay là có lợi về nhiều mặt, nhất là người tiêu dùng được cung cấp cá, mực sạch, tươi lâu và ngon nhất, phù hợp thị hiếu hiện nay”, ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm chia sẻ.
Chương trình đưa nông dân Hòa Vang sang Hàn Quốc lao động cũng như học tập mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là bước đi quan trọng để Hòa Vang tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; từ đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, hướng đến thực hiện nền nông nghiệp sạch. Sau 2 đợt tu nghiệp, UBND huyện Hòa Vang và quận Yeongyang đã có buổi làm việc, trao đổi về chương trình hợp tác năm 2018. Đến nay có hơn 250 người lao động đăng ký tham gia, các ngành của huyện đang xúc tiến các thủ tục liên quan. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, thủy sản từ khi đánh bắt đến khi cập cảng tiêu thụ kéo dài từ 10-15 ngày thường giảm đến khoảng 30% chất lượng với phương pháp bảo quản bằng ướp đá truyền thống. Vì vậy, mô hình xây dựng chuỗi giá trị thủy sản với kỹ thuật duy trì độ tươi là việc làm cần thiết để phát triển ngành thủy sản. Việc hợp tác xây dựng chuỗi giá trị thủy sản sẽ góp phần đẩy mạnh giao thương, hợp tác, mở rộng kênh thương mại giữa các doanh nghiệp của Đà Nẵng và Kushiro (Nhật Bản), thúc đẩy giao lưu du lịch và tạo ra những đóng góp lớn phát triển kinh tế của cả hai địa phương. |
Thạch Lam - Hoàng Hiệp