Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nổi bật là phong cách dân chủ sẽ là động lực mạnh, là “chìa khóa” thời cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới thành công.
Đà Nẵng nhìn từ đỉnh Sơn Trà. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ |
Dân chủ - của quý báu nhất của chế độ Dân chủ Cộng hòa
Giá trị lớn nhất do cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đem lại là chế độ Dân chủ Cộng hòa (DCCH). Bác Hồ nói, trái ngược với chế độ quân chủ chuyên chế, trong chế độ DCCH thì “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Chế độ DCCH nghĩa là chính quyền của chung của toàn dân, dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là cái chìa khóa vạn năng.
Bác chỉ rõ “chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”. Trong chế độ dân chủ, địa vị cao nhất là dân. Còn Chính phủ là công bộc của dân. Cán bộ là đày tớ của dân. Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt. “Đảng sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân” (Lời Bác kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, 3-3-1951).
Theo Bác, trong chế độ DCCH, “đối với dân, ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy. Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Dân là quý nhất, mạnh nhất. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Có dân chủ, được dân đồng tình ủng hộ, thì việc lớn mấy, khó mấy cũng làm được. Mất dân chủ là mất động lực, mất lực lượng, mất sự ủng hộ của nhân dân. Như thế việc dễ mấy, nhỏ mấy làm cũng không xong.
Dân chủ không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của cách mạng. Vì vậy, không có dân chủ, không xây được nền dân chủ, tạo bầu không khí dân chủ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Mất dân chủ thì nội bộ âm u, cán bộ trở nên những cái máy. Trong Đảng thì đảng viên, cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên và cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng xa rời nhau.
Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác.
Dân chủ: làm sao cho nhân dân dám nói, dám làm
Một trong những mặt quan trọng nhất của dân chủ là làm sao cho người dân, cán bộ, đảng viên thường “dám mở mồm ra”. Có ba điều nổi bật trong di sản của Bác. Một là, Hiến pháp năm 1946 đã đề cập “những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết”. Đó là biểu hiện của việc trưng cầu ý dân, một hình thức dân chủ trực tiếp đề ra sớm ở nước ta.
Hiến pháp 2013 tiếp tục quan điểm đó, khẳng định trong Điều 69 về việc “Quyết định trưng cầu ý dân”. Hai là, trong nhiều vấn đề thảo luận, bàn bạc, Bác thường có cách trao đổi dân chủ, thẳng thắn, không áp đặt quyền lực cho người đối thoại. Chuyện kể rằng, năm 1968, Bác làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”. Bác nói “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm hay làm một cách qua loa”.
Những câu chuyện được kể lại cho thấy, là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Đảng, nhưng Bác luôn luôn có một phong cách dân chủ thật sự. Cần nhấn mạnh hai chữ “thật sự”, vì như Bác đã nhiều lần cảnh báo cán bộ, đảng viên ta, có những người “miệng thì nói dân chủ nhưng việc làm thì theo lối “quan” chủ”. “Miệng thì nói phục vụ nhân dân nhưng hành động lại trái ngược với lợi ích của nhân dân”.
Ba là, với quần chúng nhân dân, Bác thường yêu cầu cán bộ, đảng viên phải bàn bạc, giải thích một cách thật sự dân chủ với họ. Điểm xuất phát của việc làm đó là vì dân rất tốt, thông minh, tài giỏi. Họ nhiều tai, nhiều mắt, cái gì họ cũng nghe, cũng thấy. Họ là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. Dân chúng là gốc, là nền để chúng ta có được thắng lợi.
Cái tạo nên cái gốc đó chính là tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, sự hăng hái, anh hùng, lòng tốt, niềm tin của dân. Ngày nay, Đảng ta nói cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Quan điểm của Đảng là sự trở lại và khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ.
Người từng nói “Từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Đảng lãnh đạo, Chính phủ là công bộc của dân. Làm cán bộ là làm đày tớ của nhân dân. Một cách tiếp cận đặc biệt của Bác là “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa.
Dựa vào dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Bác dạy rằng cùng với đường lối của Đảng, phải “theo đúng đường lối nhân dân”. Phụ trách trước Đảng và Chính phủ là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa, vì Đảng và Chính phủ mọi việc cũng phải phụ trách trước nhân dân. Khía cạnh trung tâm, cốt tủy của “theo đúng đường lối nhân dân” là thực hành dân chủ.
Trong những điều để dân “mở mồm”, một nội dung cực kỳ quan trọng là tạo mọi điều kiện, cơ chế, gợi mở, hoan nghênh nhân dân góp ý, phê bình Đảng, Chính phủ và cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, dù bất kỳ ở cương vị nào cũng không được kiêu ngạo, coi ý kiến của mình là chân lý tuyệt đối rồi áp đặt cho dân. Bởi vì, như Bác đã chỉ ra “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Nghe dân nói, nói dân hiểu, hiểu được dân là những điều cực kỳ quan trọng khi thực hành dân chủ. Bác dạy cán bộ phải nhớ rằng “dân nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, thế là quý báu và bổ ích lắm rồi”. Những điều dân nói chưa đúng thì phải tìm cách giải thích, bàn bạc lại với dân để dân hiểu và thông cảm.
Theo Bác, bao giờ dân coi cán bộ là người của dân, đối với cán bộ không còn “lạy cụ ạ”, thì dân mới dám nói, dám phê bình. Để phát triển ưu điểm, điều quan trọng nhất là để dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân, dân sẽ có ý kiến hay. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, thực hành dân chủ.
Làm việc với dân có hai cách: cách quan liêu và cách quần chúng. Cách quan liêu là cái gì cũng dùng mệnh lệnh, quyền lực; ngồi trong phòng, đóng cửa lại viết chủ trương rồi đưa ra “cột” vào cổ dân chúng, bắt dân chúng làm. Đó là làm theo cách “khoét chân cho vừa giày”.
Chân là quần chúng. Một biểu hiện khác của quan liêu là “nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”, nhưng những điều dân cần thì không đề cập. Làm theo cách quan liêu đó thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại.
Cách thứ hai là làm theo cách quần chúng, cái gì cũng bàn bạc, giải thích cho dân chúng hiểu. Khi người ta đã hiểu thì việc khó mấy cũng làm được. Ngược lại, giống như cái bánh ngọt là một thứ ngon, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta thì ai cũng chán.
Gần gũi, lắng nghe tiếng dân, lòng dân, nguyện vọng chính đáng của dân, cả chiều thuận, chiều “nghịch” là cực kỳ quan trọng. Bác nói phải nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, mới có thể quan tâm dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ và thực hành dân vận. Làm dân vận khéo và đúng theo quy luật “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” là một biểu hiện sinh động, thực tế, có hiệu quả của dân chủ. Bởi vì, như Bác đã đúc kết: “Dân vận khéo, việc gì cũng xong”.
Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết. Tấm gương Bác Hồ “xắn quần đi cơ sở” không khẩu hiệu, không “trống giong cờ mở”, kiểm tra khu nhà bếp, vệ sinh, chỗ ăn, chỗ ở, lối đi lại, cây trồng… là bài học chứa giá trị tư tưởng lớn về dân chủ mà hôm nay chúng ta đang trở lại với những kết quả bước đầu.
Thực hành dân chủ thì phải chống phản dân chủ như không nghe, không thấy dân, xa dân, khinh dân, sợ dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân, làm theo lối chủ quan, không theo đúng đường lối nhân dân. Dân chủ hình thức, dân chủ trang trí, dân chủ đầu lưỡi. Dân chủ là học, hỏi, hiểu dân nhưng không có nghĩa là theo đuôi quần chúng, nghĩa là dân chúng nói gì mình cũng nghe, mà phải chắt lọc, sàng lọc, đúc kết.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nổi bật là phong cách dân chủ sẽ là động lực mạnh, là “chìa khóa” thời cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới thành công.
Ngày nay, Đảng ta nói cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Quan điểm của Đảng là sự trở lại và khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ. |
Châu Phong