Từ nơi khởi sinh cội nguồn dân tộc

.

Hoàng thành Thăng Long, nơi năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, đổi tên kinh đô mới là Thăng Long, mở đầu cho nhiều triều đại vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Lịch sử biến thiên, có lúc thăng lúc trầm, để lại một thời vàng son trên đất Thăng Long xưa. Và cũng ở trên đất rồng bay này, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập-khai sinh đất nước Việt Nam độc lập, tự do.

Đình Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: H.N
Đình Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: H.N

Đi qua một loạt địa danh từ Hoa Lư về đất Thăng Long xưa; từ Cao Bằng, Tuyên Quang- những nơi địa đầu đất nước nơi Bác Hồ đặt cơ sở cách mạng trước khi về Hà Nội, là một lần nữa các thế hệ người Việt hôm nay có thể hình dung về con đường, khí phách cũng như sự thuận lòng người, thuận ý trời mà vị vua nhà Lý hay Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh đã trải qua.

Tôi gọi những địa danh mình đi qua là những nơi khởi sinh cội nguồn dân tộc, nơi những con người bằng tư duy đi trước thời đại đã mở ra những thời kỳ hòa bình, thịnh trị cho đất nước, là nơi khởi sinh một thời đại mới trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Trên thế đất rồng bay

Lên ngôi chưa tròn năm, mùa thu năm 1010, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất, vua Lý Thái Tổ-Lý Công Uẩn khởi sự dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Tương truyền khi thuyền mới đến đậu ở dưới thành, thấy có con rồng vàng bay lên, nhân thế đặt tên kinh thành mới là Thăng Long.

Theo đánh giá của các nhà sử học, vua Lý Công Uẩn trong gần 20 năm trị vì (1009-1028), ngoài những công lao to lớn đối với nhà Lý trên các phương diện kinh tế, văn hóa, củng cố thế độc lập tự chủ dân tộc; trong đó, một đóng góp nổi bật mang ý nghĩa lịch sử, đó là công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của nhà nước phong kiến độc lập và mở ra một giai đoạn lịch sử mới có ý nghĩa quyết định với vận mệnh dân tộc.

Như trong bài Chiếu dời đô có đoạn: “Chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi.

Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước. Cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Trên thế “rồng cuộn hổ ngồi” ấy, là xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945)…

Cách đây tròn 16 năm, tháng 12-2002, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình-Hà Nội. Đây là cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam, phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện quá trình lịch sử trải dài qua nhiều thế kỷ. Trong đó, những bức phù điêu, những bức tượng đầu rồng bằng đất nung vẫn còn nguyên vẹn.

Một mạch ngầm văn hóa khác tồn tại cả nghìn năm lịch sử được phơi bày trong cuộc khai quật này, khi người ta “tìm lại” được 11 giếng cổ. Trong số đó có hai giếng có niên đại thời Đường (khi đó nước ta còn trong thời kỳ Bắc thuộc), hai giếng thời Lý, hai giếng thời Trần, ba giếng thời Lê, hai giếng thời Lê muộn và Nguyễn sớm. Dựa vào kiến trúc cũng như vật liệu xây dựng giếng, các nhà khảo cổ học biết được mỗi thời đại người xưa có cách xây giếng khác nhau, vật liệu hay các nét vẽ trang trí trên gạch xây giếng cũng khác nhau…

Các nhà sử học cho rằng, sở dĩ Hoàng thành Thăng Long có giá trị vĩnh cữu, bởi từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, mở ra một kỷ nguyên độc lập và phát triển lớn mạnh, thể hiện một tầm nhìn khẳng định giá trị của dân tộc, của con dân người Việt trong lịch sử giữ nước và dựng nước; sau này được khẳng định thêm trong Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô và Tuyên ngôn Độc lập…

Những ngày nằm gai tính bàn việc lớn

Có thể nói, đọc nhiều cuốn sách, xem các bộ phim về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người cũng chỉ mới nắm được phần đại ý về những gì Người trải qua, về một thời “nằm gai nếm mật” xây dựng phong trào cách mạng trong nước những ngày đầu tiên. Đến khi được đặt chân lên từng nơi trong rừng thiêng Pác Bó, bên gốc đa Tân Trào, chúng tôi mới hiểu hết những gì mình được đọc, được xem về Bác, và thấy thấm thía những giá trị tinh thần cao cả qua sự hy sinh của Người.

Khu di tích lịch sử Pác Bó nằm về cuối của thung lũng, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Phía bên kia của đỉnh núi là Trung Quốc. Con suối Lê-nin nước xanh ngắt, chỉ cần thả xuống một chiếc lá là từng đàn cá suối lập tức vây kín.

Phía đầu nguồn con suối, nước trong từng kẽ đá chảy ra, âm ỉ nhưng đủ sức làm đầy lòng suối, chảy về xuôi hình thành những dòng sông lớn, tạo nên bao thác ghềnh. Sự quy tụ của từng dòng nước nhỏ, sự mềm mại của nước có thể xoay trời chuyển đất là thế, nếu có điều kiện chín muồi.

Cũng như Nguyễn Ái Quốc khi mới trở về đất mẹ sau nhiều năm tìm đường cứu nước, cần một sự tập hợp những người cùng chung chí hướng, đồng cam cộng khổ gầy dựng phong trào cách mạng. Tại đây, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước…

Giọng của cô thuyết minh viên Vy Thị Hồng Thoa nghẹn ngào khiến chúng tôi cũng rơi nước mắt khi đặt chân vào hang Cốc Bó, trong hang tối lạnh ngắt - nơi Bác Hồ đã sống trong đó nhiều tháng trời, thiếu thốn đủ thứ, áo không đủ mặc giữa núi rừng buốt giá, nhưng tinh thần vẫn luôn lạc quan: Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang (bài thơ Tức cảnh Pác Bó). 

Trong giai đoạn này, Bác đã biên soạn nhiều tài liệu như: Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, Cách đánh du kích, Điều lệ Đảng, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và đặc biệt là biên soạn bức thư Kính cáo đồng bào (ngày 6-6-1941), kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do.

Ngày 4-5-1945, Bác cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo, tập hợp quốc dân tham gia tổng khởi nghĩa để giành chính quyền trong cả nước. Để đến ngày 2-9-1945 ở Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính quyền non trẻ ấy sau ngày độc lập không lâu đã trở lại Tân Trào củng cố lực lượng, chuẩn bị 9 năm kháng Pháp. Và phải sau chiến dịch Điện Biên Phủ mới có thể trở về Thủ đô trong muôn ngàn cờ hoa chào đón. Thăng Long-Hà Nội, trong thế đất “rồng cuộn hổ ngồi” với bề dày nghìn năm văn hiến mãi mãi là một Thủ đô của một đất nước độc lập, tự do.

Những nơi Bác Hồ “nằm gai, nếm mật” gầy dựng phong trào cách mạng như Pác Bó, Tân Trào; hay ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - nơi được xem là thủ đô kháng chiến gió ngàn, vẫn chỉ là những vùng đệm để cách mạng có điều kiện chuẩn bị mọi thứ, cho mảnh đất “đầu não” của đất nước chứng kiến những giây phút thiêng liêng của lịch sử - như sự kiện khai sinh ra một nước Việt Nam độc lập, có tên trên bản đồ quốc tế.

Trên hành trình trở về với “cội nguồn cách mạng”, tận mắt nhìn thấy chiếc máy đánh chữ, đôi dép cao su... mà Bác đã dùng, lòng thấy rưng rưng. Chúng tôi đi giữa những kỷ niệm, ngắm những kỷ vật bình dị của Người, thấy mình may mắn vì được nghe, được thấy những điều rất đỗi thiêng liêng của vị cha già dân tộc.

Hoàng Nhung

;
;
.
.
.
.
.