Ngày xuân hát trên non thiêng

.

Hàng ngàn trái tim của cả một thế hệ trai trẻ ấy, lần đầu tiên được tập hợp lại trong ngày xuân trẩy hội Đền Hùng, hát vang bài ca thanh niên vào giữa thời đất nước còn ngoại xâm. Có thể nói đấy là một cuộc hành quân kỳ vĩ. Và, âm nhạc Lưu Hữu Phước ngay từ buổi bình minh của nền âm nhạc Việt, đã đích thực là ngọn lửa dẫn đường!

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Bầu không khí mùa xuân trên vùng non thiêng Nghĩa Lĩnh vào dịp trẩy hội Giỗ Tổ Hùng Vương đang đến gần, dường như mọi con đường râm mát rợp bóng núi non này, nơi đâu cũng tưởng chừng như có tiếng đồng vọng dễ làm lòng người bồi hồi xao xuyến trước uy linh của non thiêng trầm hùng.

Từ dưới chân núi, một tốp nam nữ thanh niên đang hướng về phía đền Hạ, vừa đi họ vừa rập ràng hát vang những bài ca của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao… Cứ thế, bài nọ nối tiếp bài kia, những chàng trai, cô gái ấy vừa đi vừa đồng ca như những nhịp quân hành!

Không khí tưng bừng đó nhắc tôi liên tưởng nhớ đến một thời điểm đặc biệt trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của GS, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - một nhạc sĩ lớn của dân tộc, người suốt một cuộc đời, bằng sức sáng tạo âm nhạc của mình đã truyền lửa cho bao thế hệ thanh niên dấn thân khai phá, lên đường.

Và, cho mãi đến bây giờ những bài hành ca của ông có lẽ đã trở thành kinh điển cho tuổi trẻ trong mọi dịp sinh hoạt cộng đồng. Vâng, thời điểm đặc biệt mà tôi liên tưởng tới chính là, ngay tại chân núi Nghĩa Lĩnh này đây, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cách nay hơn hai phần ba thế kỷ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã làm người lĩnh xướng cho hàng ngàn nam nữ thanh niên và sinh viên học sinh hát vang trời những bài hành khúc hừng hực chất lửa ấy.

Có lẽ bây giờ ngồi nhớ lại, ta khó có thể hình dung hết hoàn cảnh đất nước vào cái thời mà bóng tối mưu toan bao trùm lên thân phận xứ sở của các thuộc địa, chính vào năm tháng ấy lại là buổi khai sinh ra nền âm nhạc Việt.

Cùng với những cánh chim đầu đàn như Thẩm Oánh nhóm Myosotic, Văn Chung nhóm Tricéa hay như Hoàng Qui nhóm Đồng Vọng, Lưu Hữu Phước lúc bấy giờ là thủ lĩnh của nhóm Tổng hội Sinh viên - một tập hợp mà theo nhạc sĩ  Lê Thương là: “Kể về sinh hoạt văn nghệ từ năm 1943-1945 thì Tổng hội Sinh viên đã chế ngự phong trào Tân nhạc và gây những ảnh hưởng sâu đậm chưa từng có” (Thời tiền chiến trong tân nhạc 1938-1946).

Làm người lĩnh xướng cho cả một phong trào, tạo ra những ảnh hưởng sâu đậm chưa từng có trong bối cảnh đất nước thuở còn một trăm năm nô lệ giặc Tây, hẳn tài năng và tâm huyết của Lưu Hữu Phước phải là tiếng còi chiêu lệnh, đủ sức réo gọi thanh niên và sinh viên học sinh ở khắp mọi miền đất nước.

Hàng ngàn trái tim của cả một thế hệ trai trẻ ấy, lần đầu tiên được tập hợp lại trong ngày trẩy hội đền Hùng hát vang Bài ca Thanh niên vào thời đất nước còn ngoại xâm, có thể nói đấy là một cuộc hành quân kỳ vĩ, vượt lên số phận dân tộc. Và âm nhạc Lưu Hữu Phước ngay từ buổi bình minh nhạc Việt, đã đích thực là ngọn lửa dẫn đường!

Lưu Hữu Phước là một trong số hiếm hoi những nhạc sĩ tiên phong từ buổi bình minh của nền tân nhạc, đã thắp lên những ánh lửa hùng ca khai mở nên quang lộ một giọng điệu riêng, một thế giới âm thanh riêng. Từ buổi còn là học sinh Petrus Ký – Sài Gòn vào năm 1939, Lưu Hữu Phước đã cùng những người bạn thân của mình thành lập Câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club).

Cũng trong thời gian này, ông đã sáng tác ca khúc La marche des étudiants cho câu lạc bộ, bài hát do Mai Văn Bộ viết lời, một hành khúc sinh viên khởi đầu sự nghiệp âm nhạc của Lưu Hữu Phước, mà sức sống kỳ lạ của nó qua các thời kỳ cũng đủ làm nên huyền thoại tên tuổi của ông.

Dường như mẫu nghệ sĩ kiểu như Lưu Hữu Phước, mỗi tác phẩm ra đời phải là một ngọn lửa, một ánh đuốc dẫn đường. Nó phải như thế, không thể nào khác. Trí tuệ và tình yêu của ông là sông suối âm thanh cuồn cuộn sức chảy. Từ thời ra Hà Nội học ngành y ở Viện đại học Đông Dương (1940-1945), ông sớm trở thành một trong những thủ lĩnh của Tổng hội Sinh viên. Hàng loạt ca khúc của ông sáng tác trong thời kỳ này vang dội những thanh âm hào hùng của lịch sử: Ải Chi Lăng, Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng, Hờn sông Gianh, Hát giang trường hận…

Vào giai đoạn bình minh của nền nhạc Việt, hiếm có trường hợp nào như Lưu Hữu Phước, gần như xuyên suốt các sáng tác của ông trong giai đoạn này đều là đề tài lịch sử. Cho đến về sau này, cùng dân tộc ra trận qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, âm hưởng nhạc của ông tuy tiếp cận những đề tài hiện đại hơn, nhưng có lẽ không xa rời cho lắm bước đi của thời kỳ đầu. Những bài ca: Xuống đường, Reo vang bình minh… vẫn khí thế ấy, như cái thuở ban đầu, kiêu hãnh từng bước chân thôi thúc lên đường.

Vâng, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, có ai ngờ, như tôi vừa trình bày trên, cái bài ca La marche des étudiants của ông, trong chuyến hành hương trẩy hội đền Hùng năm xưa, Lưu Hữu Phước đã sửa phần lời thành bài Tiếng gọi sinh viên cho hàng ngàn học sinh - sinh viên và nam nữ thanh niên đồng ca vang lừng trong ngày hội giỗ tổ Hùng Vương, do chính ông làm người lĩnh xướng. Kể từ đấy,và cho mãi về sau này, bài ca lại được đổi tên thành “Tiếng gọi thanh niên”, được phổ biến rộng rãi khắp mọi miền đất nước.

Một chi tiết kỳ lạ về sức sống của ca khúc ấy là ở chỗ, bài ca này từ năm 1948 được chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân chọn làm quốc ca và sau đó bị chế độ Việt Nam cộng hòa sửa tên, đổi lời một số đoạn và chọn làm “quốc ca”!

 Sự trớ trêu của lịch sử đã biến ông thành một nhạc sĩ có một không hai của nền âm nhạc dân tộc, bởi  ca khúc của ông một thời đã được hát vang vang dưới cờ ở hai bờ chiến tuyến.

Và đấy là văn hóa, là giá trị nghệ thuật, mà tự thân của nó có sức chứng minh, rằng không chỉ có khả năng chiến thắng được thời gian mà còn chiến thắng cả bất cứ tường vách thành lũy nào trong mọi mưu toan chia rẽ đất nước.

Gọi ông là nhạc sĩ chính ca, tráng ca, hành khúc ca hay là gì chăng nữa, thì những đỉnh cao tác phẩm của ông vẫn là những ngọn lửa được thắp lên từ một trái tim sáng ngời lòng yêu nước, có sức lay động mọi tâm hồn đứng lên đáp lời sông núi… Đấy cũng là thẩm giá của nghệ thuật chân chính, xác lập vị thế nhạc sĩ Lưu Hữu Phước giữa lòng dân tộc.

Trên con đường mùa xuân hành hương về trẩy hội Đền Hùng bây giờ, những nam nữ thanh niên hớn hở hồn nhiên sức thanh xuân ấy, một ngẫu nhiên thôi hay là họ đang lần theo dấu chân người xưa qua đây mà rập ràng bài ca “Lên đàng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Những ngọn gió dạt dào thổi qua vùng non thiêng Nghĩa Lĩnh chừng như cũng biết hợp xướng với người, cứ vọng lên một thứ thanh âm bè trầm khôn khuây da diết.

Người lĩnh xướng cho đoàn sinh viên hát vang trời dưới chân đỉnh non thiêng đâu tự tám mươi năm về trước, giờ đây trong gió ấy hồn nước có đưa người về!   

Nguyễn Nhã Tiên
 

;
;
.
.
.
.
.