Giữa những đợt mưa gió liên tiếp được bổ sung từ biên giới phía Bắc tràn xuống miền Trung trước thềm Xuân 2019, một sớm tôi bất chợt thấy bông hoa hải đường bên thềm bung nở, xòe những cánh đỏ thắm. Hải đường vốn là một loài hoa nở lúc sang Xuân. “Hải đường lả ngọn đông lân/Hạt sương gieo nặng cành Xuân la đà” (Kiều- Nguyễn Du). Bước sang nhà hàng xóm, cây mai già cũng đã khoe những cánh vàng đầu tiên!
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu lịch sử) |
Những bông hoa báo sớm mùa Xuân gợi tôi nhớ đến một người Việt Nam đã như một cánh chim đầu tiên cất “tiếng hót” giữa bầu trời châu Âu đòi quyền sống tự do cho dân tộc mình: Nguyễn Ái Quốc. Và một sự trùng hợp thú vị, sự kiện đặc biệt này xảy ra vào năm 1919, tròn một thế kỷ trước.
Lâu nay, nói về giai đoạn đầu Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp, công chúng chỉ nhớ đến sự kiện Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại đại hội Tour thành lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920. Thực ra, đây là hệ quả tất yếu của tình thế lúc đó và là kết quả của một quá trình mà những hoạt động năm 1919 là rất quan trọng. Gần đây, trong “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” (NXB Chính trị Quốc gia - 2005), lần đầu tiên công bố chính thức các hoạt động có thể nói là dày đặc của Nguyễn Ái Quốc năm 1919, trong đó có không ít tư liệu do bà Lê Thị Kinh (cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh) mới tìm thấy (Trích từ bộ sách Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, NXB Đà Nẵng, 2003). Ở đây, chỉ xin dẫn ra hai sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt:
“…Khoảng đầu năm, Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI”.
Chính nhờ tham gia Đảng Xã hội Pháp, “Nguyễn Ái Quốc có dịp gần gũi và hoạt động với các nhà hoạt động chính trị và văn hóa nổi tiếng của Pháp như Mácxen Casanh (Marcel Cachin), Pôn Vayăng Cutuyriê (Paul Vaillant Couturier), Lêông Bơlum (Léon Blum), Raymông Lơphevrơ (Raymond
Lefèbvre), Giăng Lôngghê (Jean Longuet), Gaxtông Môngmútxô (Gaston Monmousseau), v.v…”.
Có thể nói, cũng chính nhờ thế, mà ngay từ buổi đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có phẩm chất một nhà văn hóa.
Sự kiện đặc biệt thứ hai trong năm 1919 của Nguyễn Ái Quốc là:
“Thay mặt Hội Những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi đến Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách của nhân dân An Nam. Dưới bản yêu sách Người ký tên: NGUYỄN ÁI QUỐC. Bản yêu sách gồm tám điểm…”(*); trong đó có hầu hết những quyền tự do dân chủ cơ bản mà con người có quyền được hưởng như tự do báo chí và ngôn luận, tự do lập hội và hội họp…
Một điều cũng thú vị là cùng ngày 18-6-1919, Nguyễn Tất Thành, ký tên là Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư kèm bản “Yêu sách…” cho Tổng thống Mỹ đang dự Hội nghị Hòa bình, đề nghị Ngài Tổng thống ủng hộ bản “Yêu sách…”, chứng tỏ tầm nhìn xuyên thế kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ tuổi thanh xuân.
Đồng thời với sự kiện này, có một chi tiết nhiều người chưa biết là chính danh hiệu Nguyễn Ái Quốc được “khai sinh” ngày 18-6-1919 - thời điểm đưa bản “Yêu sách…” đến Hội nghị Versailles - hội nghị hòa bình tổ chức sau khi kết thúc đại chiến lần thứ nhất (1914-1918). Tham gia dự thảo “Yêu sách…” là bộ ba: Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành. Khi dự thảo “Yêu sách…” hoàn thành, người viết bản “Yêu sách…” ra tiếng Pháp là Phan Văn Trường, nhưng ai sẽ ký tên? Thoạt đầu, Nguyễn Tất Thành đề nghị cụ Phan và luật sư Phan Văn Trường đứng tên vì 2 người đã có uy tín lớn trong giới Việt kiều, nhưng sau một lúc bàn bạc, cụ Phan đề nghị phải dùng một cái tên tiêu biểu cho nguyện vọng chung của nhân dân. Tên Nguyễn Ái Quốc - Người Yêu Nước, ra đời từ đó. Và cũng từ đó, Nguyễn Tất Thành mang tên Nguyễn Ái Quốc.
Tròn một thế kỷ đã qua từ ngày đó. Ngày Xuân, mở trang sử cũ, gọi đây là “cánh chim cất tiếng hót đầu tiên giữa bầu trời Âu” là để “thi vị hóa”, chứ sự kiện này- từ 100 năm trước, khi đất nước còn chìm trong bóng tối của chế độ thuộc địa-phong kiến, một người dân “An Nam” mang tên Người Yêu Nước đã cất tiếng giữa hội nghị quốc tế lớn gồm 27 nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới đòi quyền sống, quyền tự do cho nhân dân, Tổ quốc mình, có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”, là sự tiên báo tầm vóc lãnh tụ sẽ đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, nhất quyết không cúi đầu trước các cường quốc.
hính mật thám Pháp cũng đã thấy tầm vóc Nguyễn Ái Quốc từ ngày đó, nên suốt mấy tháng cuối năm 1919, chúng theo sát Nguyễn Ái Quốc hằng ngày, làm hồ sơ ghi lại mọi việc làm, mọi cuộc tiếp xúc của ông.
Chính từ bước khởi đầu đó, 10 năm sau, năm 1929, vào lúc 3 tổ chức cộng sản mới thành lập chưa tìm được tiếng nói thống nhất, “đồng chí Vương” (còn có bí danh là Lý Thụy, Tống Văn Sơ) - tên gọi của Nguyễn Ái Quốc lúc đó - là người đủ uy tín, đại diện Quốc tế Cộng sản, được mời về chủ trì hội nghị thống nhất 3 đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. (Nguyễn Ái Quốc về Hồng Kông ngày 23-12-1929, nhưng do chờ đại biểu Đông Dương Cộng sản liên đoàn, nên ngày 6-1-1930 mới khai mạc hội nghị - NV)
Lại 10 năm nữa qua. Một giai đoạn Nguyễn Ái Quốc trải qua biết bao thăng trầm. Có thể nói như thế, khi “Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử”, dù rất tóm tắt, đã viết: “…Hai lần bị giam cầm trong xà lim và ngục tù của bọn đế quốc phản động, cả hai lần đều bị ốm nặng và có tin đã chết (!). Trong việc đấu tranh để xác lập và bảo vệ đường lối cách mạng đúng đắn chống mọi khuynh hướng “tả” và hữu trong Đảng ta và trong Quốc tế Cộng sản, Người đã bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì giữ vững quan điểm sáng tạo, đúng đắn của mình. Bằng dũng khí và trí tuệ, với sự tế nhị khéo léo, với ý thức tổ chức, kỷ luật, Người đã phấn đấu quyết liệt và bền bỉ để Đảng, do Người sáng lập, đi đúng đường lối mà Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định và ngày càng lớn mạnh…”.
Phải! Nhờ có “dũng khí” và cả sự “tế nhị, khéo léo, bền bỉ”, Nguyễn Ái Quốc mới vượt qua mọi trắc trở, để đến tháng 8-1939, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu một chặng đường mới có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự thành công của Cách mạng Tháng Tám: Sau khi tổ chức cộng sản trong nước bắt liên lạc được với Nguyễn Ái Quốc, Trung ương đã quyết định cử cán bộ sang Quảng Tây, Vân Nam tìm đón Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng…
Do thông tin thời đó còn thô sơ, Nguyễn Ái Quốc phải dời địa điểm liên tục, mãi đến mùa Xuân 1941, Nguyễn Ái Quốc mới vượt qua biên giới về tới Cao Bằng vào ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ.
Những sự kiện sau đó - nhất là từ khi Nguyễn Ái Quốc mang tên Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945 - thì mọi người đã biết. Càng không thể quên vào ngày 2-9-1969, Người “lên đường” đi gặp “các vị cách mạng đàn anh khác”. Trước khi “đi xa”, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 39 Ngày thành lập Đảng, Xuân 1969, trong bài viết quan trọng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, thêm một lần nữa, Bác Hồ đã bày tỏ nỗi lo âu khiến Người luôn thao thức từ khi Đảng nắm quyền. Chính vì thế, Bác Hồ đã thiết tha nhắc nhở:“Mỗi cán bộ đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết…”.
Nhân ngày Xuân 2019, nhớ lại một vài sự kiện quan trọng có “nút số 9” trong cuộc đời Bác Hồ - nếu đó không phải là một “bí ẩn” của tạo hóa chưa giải thích được, thì cũng là một điều thú vị. Thật ra, điều quan trọng hơn, những sự kiện đó là bằng chứng sinh động và xác thực rằng, suốt cuộc đời, Bác Hồ luôn “hết lòng hết sức phục vụ Tổ Quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” như chính Bác đã viết trong Di chúc.
Đây chính là “con đường Bác Hồ đã chọn” mà chúng ta nguyện đi theo - con đường CHÍ MINH sáng đẹp tạo nên sức mạnh đủ khả năng quét sạch mọi thứ rác rưởi, mọi loại cám dỗ luôn “phục kích” trong cuộc đấu tranh xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
1919… 1969… 2019… Một trăm năm và nửa thế kỷ. Những con số thời gian đủ để thử thách và xác định những giá trị vĩnh cửu. Hy vọng Xuân 2019, cuộc khởi hành trên con đường lớn đó sẽ ngày một rầm rộ, tràn đầy khí thế tiến công như những cuộc xuống đường, những cuộc hành quân năm xưa đã làm nên kỳ tích trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Hoàng
__________________________________
(*) Những dòng in nghiêng trong bài viết được dẫn từ “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử”.