Từ nhận thức đến hành động vì dân, vì nước

.

Trong bộn bề công việc, mưu sinh, dịp Tết đến, xuân về, trong sự giao hòa “đất - trời -  đời người”, của sự chuyển vần năm cũ sang năm mới, đối với người Việt Nam, dường như đây cũng là thời khắc có thể mang lại nhiều cảm xúc, sự cảm nhận sâu lắng hơn về bản thân trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè, quê hương và rộng hơn là Tổ quốc-đất nước. Bởi vậy, có lẽ đây cũng là “khoảng lặng” cho sự tĩnh tâm, soát xét - tự vấn của mỗi con người, mỗi tổ chức có trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng.

Trong niềm xúc cảm ấy, trên bình diện quốc gia, có thể mượn lời bài thơ chúc Tết cách đây 50 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay... chắc càng thắng to...” để nói về những việc Đảng cùng nhân dân ta đã làm được trong năm 2018, kỳ vọng cho năm Kỷ Hợi - 2019 và các năm tiếp theo.

Quả thực, trong năm 2018, đất nước chứng kiến quá nhiều đổi thay: có sự buồn lo bởi những “vụ án động trời” liên quan đến đội ngũ cán bộ cao cấp trong hệ thống tổ chức quyền lực (Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; đội ngũ những người có trọng trách trong lực lượng an ninh, quân đội...); sự bất an trong cuộc sống cộng đồng vì những vụ án mạng thương tâm hay sự quậy phá của các lực lượng thiếu, nhiễu thông tin... Nhưng cũng có nhiều niềm vui, tin tưởng, hy vọng được thắp lên bởi quyết tâm chính trị, dũng khí và nghệ thuật của “người đốt lò”; sự đồng lòng ủng hộ, sự chung tay của cả xã hội trong việc khắc phục các trở lực, cùng hội nhập, phát triển.

Với tâm thế của người trong cuộc, có thể thấy: suốt 32 năm qua, đổi mới, sáng tạo và có trách nhiệm đối với Tổ quốc, nhân dân là nét nổi bật trong tư duy và hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ yêu cầu của sự tồn tại và phát triển đất nước trong cơn biến động dữ dội của cộng đồng các nước XHCN từ thập niên 90 của thế kỷ XX, từ tình hình khó khăn, phức tạp của đất nước, khi nhận ra những bất cập, sai lầm, Đảng ta đã khởi xướng và thực hành đổi mới toàn diện, đồng bộ, góp phần “nhận thức rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Lẽ đương nhiên, quá trình đó tất yếu kéo theo hiện tượng đổi thay - chuyển đổi, bổ sung, thậm chí cả nhiễu chuẩn giá trị trong đời sống xã hội.

Trong môi trường xã hội biến động ấy, nếu các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý không kịp thời, hoặc có sự chần chừ, nửa vời trong những quyết sách liên quan đến hoàn thiện thể chế và xây dựng đội ngũ cán bộ..., thì việc xuất hiện chủ nghĩa cá nhân, sự lạm dụng quyền lực - đặc quyền, chuyên quyền trong một bộ phận không nhỏ những người cầm quyền  là hệ lụy khó tránh khỏi. Đó là “mảnh đất hiện thực” cho chủ nghĩa cá nhân có điều kiện trỗi dậy với những “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khó lường. Đặc biệt, đáng quan tâm là việc hình thành các nhóm lợi ích, tạo nên những “trục quyền lực” ở cả cấp độ quốc gia và từng địa phương, ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực... chi phối quan hệ chính trị, lợi dụng quyền lực công chiếm đoạt tài sản của đất nước.

Với những ai có ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước dân, đều hiểu rằng, tất cả các hiện tượng, căn bệnh đó đã và đang đẩy Đảng và chế độ đứng trước thách thức mang tính sống còn. Nhận ra điều đó, từ sau Đại hội XI, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn với việc ban hành nhiều quyết sách góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chống và ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Nhưng, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau, nhìn chung việc xử lý, khắc phục và ngăn chặn các căn bệnh của bộ máy cũng như của những cá nhân có quyền lực chưa được như kỳ vọng của chính bản thân Đảng và của nhân dân.

Chỉ sau Đại hội XII, trên cơ sở thế và lực mới, Đảng ta mới tập trung giải quyết quyết liệt hơn hai vấn đề có tính đột phá - liên quan đến hoàn thiện thể chế và xây dựng con người - những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của cộng đồng, của hệ thống tổ chức xã hội. Và, nhờ chọn trúng, giải quyết tương đối thành công cả hai vấn đề căn cốt trên mà bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong Đảng, trong xã hội ngày càng gia tăng, quan hệ giữa dân với Đảng thêm đồng thuận, môi trường cho sự phát triển ngày càng trong lành và bền vững hơn.

Tuy nhiên, bình tĩnh quan sát, có thể nhận thấy: trước quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp xã hội, dường như đâu đó vẫn còn “bộ phận không nhỏ” đang cố “giấu mình”, tìm cách luồn lách để “leo cao”, chui sâu - nhất là trong bối cảnh các cấp đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong tình hình đó, với trách nhiệm của mình, Đảng đã nhận thấy cần thiết ban hành những quyết sách quy định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt đối với những người nắm giữ trọng trách trong các tổ chức bộ máy quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước.

Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được ban hành là biểu hiện rõ trách nhiệm của Đảng trong công tác cán bộ nói riêng và trước vận mệnh của dân tộc, đất nước nói chung. Quy định là căn cứ quan trọng để không chỉ mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm rèn luyện thực hiện mà còn là cơ sở cho mọi tổ chức, mọi tầng lớp nhân dân có thể thẩm định - tai nghe, mắt thấy mức độ nêu gương của mỗi người, để từ đó quyết định lựa chọn hay từ chối trong việc giao quyền, ủy quyền - nắm giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị ở nước ta hiện nay.

Để hiện thực hóa quyết sách của Đảng, trong thực tiễn, từ nhân tố lãnh đạo, quản lý đến người dân - công dân và các tổ chức đại diện, có nhiều việc phải làm, trong đó phải chăng cần thống nhất nhận thức và rèn giũa các kỹ năng cơ bản sau:

Thứ nhất: Trên cơ sở những quy định chung, phải kịp thời cụ thể hóa bộ tiêu chí phản ánh chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức bộ máy nói chung; đức, tài, kỹ năng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp - nhất là những người đứng đầu nói riêng, theo hướng lượng hóa càng nhiều, càng tốt. Bởi lẽ, chỉ thông qua thực chứng - đo lường và phản ánh khách quan bằng các thông số kỹ thuật, mới có thể khắc phục căn bệnh hình thức trong việc đánh giá con người, đánh giá cán bộ, đánh giá tổ chức đã tồn tại lâu nay. Từ đó, phổ biến, công khai  bộ tiêu chí đó và có cách thức - cơ chế để mọi cấp độ chủ thể có trách nhiệm định kỳ tham gia đánh giá, thẩm định (kiểu PAPI) đối với hoạt động của bộ máy và của từng cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.

Thứ hai: Xây dựng những định chế, phản ánh mức độ “trọng dân, gần dân” của các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý. Nội dung các định chế này cần phản ánh tương đối toàn diện năng lực nắm bắt nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân; bàn luận dân chủ, kỹ lưỡng với dân trong quá trình xác lập những chủ trương và giải pháp triển khai thực hiện các chính sách phát triển đó.

Tính đúng đắn, hiệu lực - khả thi và có hiệu quả của các quyết sách liên quan đến quốc kế dân sinh là bộ tiêu chí không chỉ phản ánh năng lực hoạch định, cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước của mọi cấp độ chủ thể có thẩm quyền mà còn phản ánh hàm lượng “gần dân, trọng dân” của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các phản ánh tài và đức của người có trọng trách, người đứng đầu.

Thứ ba: Thước đo tài năng, năng lực lãnh đạo, quản lý, đặc biệt ở tầm vĩ mô phải được phản ánh thông qua các mức độ kiến tạo môi trường, điều kiện để huy động mọi nguồn lực có thể góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vậy, trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống của các chủ thể quyền lực ở nước ta hiện nay, suy cho cùng được đo lường, phản chiếu qua việc tạo môi trường, điều kiện để phát huy tiềm năng sáng tạo của các cấp độ chủ thể nhận thức và hành động, nhờ đó có thể huy động tốt nhất các nguồn lực khác cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Thứ tư: Cải tạo và xây dựng đất nước theo hướng hiện đại, văn minh là một quá trình khá lâu dài, đầy khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, động chạm đến tập quán, tư tưởng, lợi ích của hàng triệu triệu con người... Trong đó, cán bộ, nhất là những người có trọng trách - giữ vai trò “quyết định thành bại của mọi công việc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Vì thế, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ phải được thể hiện qua các hệ tiêu chí Đức-Tài và sự kiểm chứng được bằng sự đóng góp của mỗi người trong công việc. Bởi thế, nó đòi hỏi mỗi tổ chức, mỗi cá nhân - cấp bách là đội ngũ cán bộ tầm chiến lược, có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong việc “nâng tầm, củng cố và hoàn thiện tâm”, xây dựng phong cách làm việc dân chủ, khoa học, sáng tạo. Cùng với đó, cần có biện pháp góp phần hạn chế đến mức thấp nhất sự chi phối của các nhóm lợi ích trong việc ban hành và thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ở mọi cấp độ.

Chỉ trên cơ sở nhận thức về trách nhiệm nêu gương trong công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà vì hạnh phúc của nhân dân. Và, cũng chỉ thông qua hành động nêu gương trong thực tế của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu mỗi cấp độ tổ chức quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước, mới có thể tạo ra hiệu ứng, lan tỏa, thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của các tầng lớp xã hội. Đó sẽ là bệ đỡ vững chắc của sự đồng thuận giữa Đảng với dân, đồng thuận xã hội - động lực mạnh mẽ để dân tộc ta vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển bền vững, thỏa lòng mong ước xây dựng Việt Nam, “đàng hoàng, tươi đẹp hơn mười ngày nay” của Bác Hồ kính yêu trước khi Người đi xa.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng
 

;
;
.
.
.
.
.