Năm qua, trong dòng chảy đời sống của thành phố, Báo Đà Nẵng chuyển tải hàng trăm câu chuyện cảm động về những cá nhân luôn lạc quan và xem việc quan tâm, giúp đỡ người khác bằng tất cả khả năng mình có được là niềm hạnh phúc. Hầu hết các cá nhân đó là những con người bình thường, không có địa vị cao trong xã hội, không xuất sắc về mặt chuyên môn, kiến thức, không giàu có về mặt tiền tài, nhưng họ bền bỉ, kiên trì với những việc thầm lặng mà mình đã chọn…
Anh Trương Tấn Dũng (trái) hướng dẫn một học sinh tập tô màu. Ảnh: HÀ TIẾN ANH |
Điểm chung của các nhân vật đó là đều xem công việc đang làm rất hiển nhiên. Bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa, họ sống trong thật thà cảm xúc và niềm tin thiêng liêng rằng, cái tốt luôn quanh ta, nếu mình biết nghĩ về nó. Và rằng, ai cũng có khoảng thời gian một ngày bằng nhau, nhưng sẽ “giàu có” hơn nếu trong một ngày đó mình nghĩ về việc tốt mình có thể làm, dẫu nhỏ thôi.
Ngày xuân, cùng một lần nữa nghĩ về họ, về sự lan tỏa yêu thương giữa con người với nhau và với thành phố Đà Nẵng…
Ứng xử nhân văn với biển
Với các thành viên của nhóm Sa Sa - nhóm tình nguyện viên chuyên cứu hộ những động vật biển gặp nạn trôi dạt vào bờ - thì việc phải thức trắng đêm, ngâm mình nhiều giờ trong nước lạnh của biển, trong sóng to, mưa lớn... để cứu hộ những chú cá heo bị thương, hay ngày đêm ngụp lặn quanh các bãi biển dọc Sơn Trà để tìm các chú rùa bị thương là cách để họ cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
Từ ngày này sang ngày khác, bà Trần Thị Lựu (phải) luôn quan tâm những phận đời éo le và trở thành điểm tựa của nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: KHA MIÊN |
Theo anh Lê Chiến, Trưởng nhóm Sa Sa, khoảnh khắc những chú cá heo trở về biển an toàn, thậm chí đôi lần quay ngược nhìn lại các thành viên trong nhóm như muốn cảm ơn là những khoảnh khắc không thể nào quên, là chất keo giúp các thành viên trong nhóm gắn bó với nhau và cùng hướng về công việc nhóm đã chọn.
Điều nhóm Sa Sa mong muốn là công việc của mình sẽ góp phần lan tỏa tình yêu biển đến cộng đồng, từ đó, mọi người sẽ có cách ứng xử nhân văn, thân thiện hơn với các sinh vật biển…
Chai nước chè xanh của bà Lựu…
Là một trong những hộ nghèo của địa phương, khi được hỗ trợ sinh kế 8 triệu đồng, bà Trần Thị Lựu (SN 1956, ngụ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) quyết định dùng toàn bộ vốn liếng đó để mở quán nước nhỏ tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.
Suốt 6 năm qua, đều đặn mỗi ngày bà Lựu mang những chai nước chè xanh đến tặng miễn phí từng phòng bệnh. Công việc này giúp bà biết đến những hoàn cảnh thương tâm, những cảnh đời bất hạnh, khốn cùng. Để rồi, bà vừa đóng góp, vừa tình nguyện quyên góp từng khoản tiền nhỏ để lo hậu sự chu toàn cho những em bé sơ sinh bị gia đình bỏ rơi khi qua đời, lo cho những bệnh nhi không còn tiền truyền hóa chất, lo cho những mảnh đời nằm xuống nhưng không có chi phí về với đất mẹ.
Ông Nguyễn Công Long cùng chiếc xe tự chế của mình. Ảnh: MAI HIỀN |
Đến nay, bà chẳng thể nhớ được mình đã giúp được bao nhiêu gia đình, bao nhiêu phận người. Chỉ biết rằng, bà thuộc lòng cả những bậc cầu thang trong bệnh viện, mỗi nơi lại nhắc bà nhớ về những câu chuyện đã trải qua… Bà nhớ câu chuyện cặp vợ chồng trẻ đưa con đi chữa bệnh, ngày con qua đời, họ ngồi ôm con ở một góc hành lang, nước mắt chảy quanh. Hỏi ra mới biết, qua thời gian chữa trị cho con, họ không còn tiền để về. Bà Lựu đã sốt sắng quyên góp và gửi cặp vợ chồng bất hạnh số tiền 3 triệu đồng, giúp em bé vắn số được đưa về quê chôn cất.
Hay bà nhớ ở phòng bệnh này, bà đã có một người bạn 12 tuổi, là người dân tộc thiểu số đang điều trị ung thư. Để đủ tiền cho những đợt hóa trị, ba mẹ em đã bán tất cả những gì có thể. Ngày biết tin bệnh viện trả em về vì bệnh diễn tiến xấu, bà bỏ buôn bán, lên UBND phường Khuê Mỹ để kể về câu chuyện của em. Lãnh đạo phường đã trực tiếp đến gặp và tặng gia đình em một số tiền…
Cứ như thế, bà trở thành người cả bệnh viện biết mặt, nhớ tên. Khi có những thân phận tận khổ, các gia đình, đội ngũ y bác sĩ lại nhớ đến bà Lựu, lại nhờ bà đi quyên góp. Chia sẻ về công việc của mình, bà Lựu chân thành: “Tôi tin, cái gì xuất phát từ tấm lòng thì sẽ đến với tấm lòng. Khi tôi kể những trường hợp đang ở lằn ranh giữa cõi sống và cõi chết, luôn có người sẵn sàng ủng hộ, tôi chỉ là người bắc cầu để họ gặp nhau”.
Gieo nghị lực từ đôi tay gầy
Dù đôi chân gần như bất động trên chiếc xe lăn, đôi bàn tay co quắp, anh Trương Tấn Dũng (SN 1982, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vẫn ngày ngày đến Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố, cơ sở Thanh Khê để dạy các em nhỏ tô màu, múa hát. Suốt 10 năm qua, anh trở thành người thầy tận tình, người bạn chân thành, người đồng hành nhẫn nhịn với nhiều lứa học sinh nơi đây.
Anh Dũng cho rằng, chính khiếm khuyết trên cơ thể cùng nỗi đau mồ côi đã giúp anh đồng cảm, thấu hiểu với nỗi đau mà các em nhỏ nơi đây đang trải qua, giúp anh kiên nhẫn để rèn các em từng nét vẽ, câu chào, hay bình tĩnh khi bị các em bất ngờ tấn công. Anh Dũng ấp ủ ước mơ mở một xưởng in ấn để tạo cơ hội việc làm cho các em sau này, để các em tự nuôi bản thân mình với một công việc ổn định.
Như cái tên của mình, anh Dũng vẫn sống đầy lạc quan, đầy dũng khí sau những năm tháng cơ cực. Bởi vì, anh có mục tiêu để theo đuổi, có nghị lực để sống và làm việc, có những cô cậu học trò ngây ngô ngày ngày chờ anh trong căn phòng học thân quen trên đường Nguyễn Văn Huề…
Gửi cho ai đó chút hy vọng
Suốt 10 năm nay, ông Nguyễn Công Long (79 tuổi, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cùng chiếc xe tự chế có dán dòng chữ “Cũ cho, sạch cho. Người cần lấy dùng” đi khắp các phố Đà Nẵng quyên góp đồ dùng, quần áo cũ giúp đỡ người nghèo. Ông Long tự nhận mình không giàu về vật chất nhưng cuộc sống của ông lại rất giàu niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
Nhờ rong ruổi trên phố, ông quen với nhiều người sẵn sàng cho những vật dùng qua sử dụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ông kể, người cho không phải bởi họ thừa thãi, mà họ tặng những đồ vật họ thực sự muốn tặng và họ tin vật đó hữu dụng với người khác. Cũng nhờ công việc mà ông nhận ra những việc đơn giản như lắng nghe, tử tế với ai đó lúc cần cũng đã là sự sẻ chia không gì đo đếm được cho họ và cho chính bản thân mình.
Ngâm mình nhiều giờ trong dòng nước lạnh để giúp những chú cá heo bị nạn giữ thăng bằng và thở là việc thường xuyên của nhóm tình nguyện viên Sa Sa.Ảnh: NVCC |
Trên đây là những câu chuyện nhỏ trong số các nhân vật Báo Đà Nẵng đã đồng hành. Trong số họ còn có người phụ nữ ngày đêm thắp từng nén nhang, cúng những bát cơm, che chở cho mộ phần của các em bé qua đời, bị bỏ lại giữa lưng chừng heo hút đèo Hải Vân; có người đàn ông suốt 13 năm lo hậu sự, nơi chôn cất cho hàng trăm người nghèo; hay là anh thợ tình nguyện sửa miễn phí những chiếc xe hỏng trong trận ngập lịch sử của thành phố… Cùng với những con người tốt bụng khác, họ đang làm nên những điều tử tế ở thành phố này.
Bước vào Xuân mới 2019, chúng tôi tiếp tục đồng hành với những nhân vật tử tế luôn khát khao cống hiến cho cộng đồng bằng những việc làm bình dị nhất; từ đó, làm lan tỏa năng lượng sống tích cực, lạc quan, hay cao hơn là thói quen làm việc thiện đơn giản chỉ vì sự mách gọi của lòng trắc ẩn, là trách nhiệm của lòng thành…
MAI TRANG
Sông Hàn Tôi đang ở bên sông Ngày bão giông sông cuộn réo thành lúm đồng tiền giận dữ Quê hương bao năm giặc chiếm Cha lên rừng biền biệt bao năm Tôi mang tên sông đi khắp nước mình Sông quê đa mang biết mấy cuộc đời Đà Nẵng xuân 2019 ĐỖ NHƯ THUẦN |
Mây Sơn Trà… Nhớ Thanh Tịnh Đà Nẵng, 1982 |