Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Cô gái mang món Ý về Việt Nam

14:50, 18/01/2020 (GMT+7)

Từ tình yêu dành cho người chồng mang quốc tịch Ý, tình yêu dành cho bánh ngọt và khát vọng đưa các loại bánh ngọt truyền thống của người Ý về Việt Nam, Đoàn Thị Phương Lan (SN 1979), cô gái gốc Đà Nẵng đã ấp ủ và mở cho riêng mình thương hiệu bánh ngọt Torino, dòng bánh ngọt nguyên bản châu Âu.

Hành trình chạm đến đam mê của Phương Lan  trải qua nhiều vất vả nhưng kết quả rất ngọt ngào. Ảnh: Q.T
Hành trình chạm đến đam mê của Phương Lan trải qua nhiều vất vả nhưng kết quả rất ngọt ngào. Ảnh: Q.T

Xây dựng thương hiệu bánh ngọt

Cửa hàng bánh ngọt và nhà hàng cùng tên Torino nằm trên khu phố Tây An Thượng, quận Ngũ Hành Sơn đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho du khách người nước ngoài. Ở đây cung cấp những dòng bánh, những món ăn đậm chất Ý, mà chủ nhân của nhà hàng chính là người được giới nghệ nhân làm bánh trong nước gọi là “cô gái đầu tiên mang món bánh panettone của người Ý về Việt Nam” - Đoàn Thị Phương Lan.

Cách đây 4 năm, khi gia đình Lan trở về Việt Nam, chị mong muốn đưa những loại bánh nổi tiếng của đất nước hình chiếc ủng về giới thiệu với thực khách trong nước. Trong số đó, panettone là một loại bánh mì ngọt có xuất xứ từ thành phố Milan, bánh thơm ngon đặc biệt với hương vị từ các loại nho khô ngâm rượu, mứt cam, chanh và vỏ chanh bào nhỏ. Lan nói rằng, không chỉ là món bánh mì ngọt đặc biệt của Ý, panettone còn mang trong mình rất nhiều giai thoại hấp dẫn và lãng mạn như chính mảnh đất sản sinh ra nó. Nếu có dịp ghé Torino, cô chủ Phương Lan sẽ kể cho bạn nghe về giai thoại của chiếc bánh ngọt này.

Trở về quê nhà Đà Nẵng, trong hành lý của Lan chỉ là một cái máy trộn bột nhỏ, một lò nướng bếp cổ điển và… đôi tay tài hoa khéo léo. Ban đầu, căn bếp chật hẹp, dụng cụ thô sơ nên chị chỉ có thể làm những loại bánh sừng bò, bánh quy đơn giản và bán online. “Số lượng khách hàng đặt bánh mỗi ngày một tăng.

Để phát triển, tôi đã mua một máy trộn bột loại 10 lít và bắt đầu một thử thách cá nhân: bán bánh panettone! Tôi may mắn vì có ông xã là người Ý, ông đã ăn thử hàng chục mẻ bánh panettone tôi làm và… lắc đầu. Sau vô số lần thử sai khi bánh panettone không có khuôn mẫu ở Việt Nam, sự bướng bỉnh của tôi đã giúp tôi thành công. Tôi đã có thể cho ra đời mẻ bánh panettone làm hài lòng nhiều thực khách Ý”, Lan chia sẻ.

Thành công đã qua là một chặng đường dài

Lan kể, chị quen người chồng hiện tại trong thời gian anh mở nhà hàng Ý mang tên Torino trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu và chị là phiên dịch cho anh. Chồng Lan vốn là một bác sĩ tâm lý, từng đọc và xem rất nhiều chương trình về văn hóa Việt Nam. Như có một sự gắn kết kỳ lạ, năm 2004, anh bỏ tất cả mọi thứ ở Ý, một mình đến Việt Nam sinh sống và mở nhà hàng, nhưng hoạt động sau 2 năm thì bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề về mặt bằng, thuế, chi trả bảo hiểm xã hội… “Lúc đó, chúng tôi đã yêu nhau và có với nhau cậu con trai. Chẳng may bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Công việc làm ăn không thuận lợi cộng với con cái đau ốm khiến chúng tôi quyết định trở về quê hương anh sinh sống. Cuộc đời của tôi bắt đầu rẽ sang trang mới”, Lan tâm sự.

Phương Lan trên báo nước bạn. Ảnh: Q.T
Phương Lan trên báo nước bạn. Ảnh: Q.T

Khi đặt chân đến xứ sở cách quê hương mình hàng nghìn cây số, khác biệt hoàn toàn về văn hóa, ẩm thực, khí hậu, ngôn ngữ cộng với tình hình tài chính eo hẹp, Lan đã làm mọi việc có thể để kiếm sống, từ dọn dẹp nhà đến làm vườn, nấu ăn cho các gia đình bản địa đến lau chùi, quét dọn tại những công trình công cộng. Vợ chồng Lan cùng con trai thuê một căn nhà sát chân núi, cách thị trấn gần nhất 60km. Mỗi ngày, Lan thức dậy từ 3 giờ sáng và đi xe buýt vào thị trấn làm việc. Một ngày, Lan đọc được mẩu quảng cáo về lớp học làm bánh ngọt.

Chị quyết định đăng ký học để thỏa mãn đam mê của mình dù biết rằng sẽ phải đối mặt với những cuộc phiêu lưu mới. “Vậy là sau giờ làm việc mỗi ngày, chiều muộn tôi đi học làm bánh ngọt. Các lớp học thường kết thúc vào khoảng 10 giờ tối. Giờ đó không còn tuyến xe buýt nào nữa, tôi bắt 2 chuyến tàu khác nhau để đến được ga Avigliana, nơi chồng tôi đang đợi đón tôi về. Trong 4 năm học làm bánh, tôi chưa bao giờ đi ngủ trước nửa đêm... Đó là một giai đoạn khó khăn, nhưng thực sự rất đẹp”, Lan kể.

Sau khi biết cô gái đầy nghị lực đến từ đất nước Việt Nam nhỏ bé xa xôi, nhiều người Ý đã tận tình giúp đỡ cô. Các tờ báo địa phương cũng viết bài về nghị lực của cô gái nhỏ. Có một giảng viên quý tính chịu thương chịu khó của Lan nên ngỏ ý nhận cô về làm việc, Lan đã khẳng khái trả lời: “Sau khi học xong, em muốn về Việt Nam gây dựng lại nhà hàng Torino của ông xã”.

Và giờ, Torino hiện diện giữa quê hương Đà Nẵng, thỏa mãn ước mơ được làm bánh và việc mời mọi người món bánh ngọt ngào của Phương Lan đã thành hiện thực.

Quỳnh Trang

.