Đà Nẵng là nhà

.

Như bao du khách, họ đến Đà Nẵng vì nhiều lý do nhưng rồi cảm, yêu và quyết định chọn nơi đây là điểm dừng chân. Một người chọn Đà Nẵng để bắt đầu sự nghiệp khi đang ở độ tuổi thanh xuân, một người chọn thành phố sông Hàn để thực hiện mơ ước cải thiện cuộc sống cho người tàn tật.

Jeremy Smith và những nhân viên làm bánh trẻ giàu năng lượng tại Jeremy’s Kitchen.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Jeremy Smith và những nhân viên làm bánh trẻ giàu năng lượng tại Jeremy’s Kitchen. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mỗi vùng đất là một vùng ẩm thực

Jeremy Smith nói chắc nịch “Đà Nẵng là nhà” dù đôi tay đang vùi trong mớ bột bánh. Lúc mới đến Đà Nẵng, Jeremy làm trợ giảng cho một lớp học tiếng Anh. Nhưng rồi anh không làm việc ở lớp học đó nữa. Tôi biết khi đến Đà Nẵng, anh chàng người Mỹ này còn “lận lưng” công việc hỗ trợ marketing cho nhóm đối tác mà anh quen lúc ở Singapore. Rồi trên trang facebook cá nhân còn đăng mấy tấm ảnh anh nhào nặn bột bánh khiến mọi người bất ngờ.

20 tuổi, Jeremy rời thị trấn nhỏ ở bang New Mexico để bắt đầu chuyến rong ruổi Đông Nam Á. Anh ở Malaysia và Singapore 6 năm trước khi quyết định ở hẳn tại Đà Nẵng sau một kỳ nghỉ đến thành phố bên sông Hàn.

Điều gì khiến anh chàng mắt xanh, da trắng chọn Đà Nẵng làm nhà? Jeremy lý giải, nơi nào thấy bình yên thì là nhà. “Tôi thấy điều này ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ ở Đà Nẵng”, Jeremy nói. Anh cảm nhận sự thân thiện ở một thành phố có nhịp sống không quá tất bật và cũng không buồn tẻ để những người thích sự xê dịch như anh không phải phát ngán.

Đến bây giờ, Jeremy hoàn toàn tin Đà Nẵng có những điều kiện thuận lợi để anh khởi nghiệp: thành phố có quy mô tầm trung, những đối thủ lớn cạnh tranh chưa vươn tới, thị trường chưa bị bão hòa... Hơn nữa, đời sống của người dân Đà Nẵng ngày càng khấm khá cùng với hiện diện ngày càng đông của khách nước ngoài là điều kiện để họ dễ chấp nhận một “hương vị mới”. “Ở Đà Nẵng giống như gặp cả thế giới”, Jeremy nói như vậy, hàm ý nơi này là điểm đến thu hút sự chú ý của bạn bè các nước trong thời gian qua.

Những tháng đầu ở Đà Nẵng, Jeremy có thời gian rảnh khá nhiều. Những lúc ấy, anh nhớ vị bánh quê hương. Thế là anh nghĩ sao không liên lạc với quê nhà và tự làm bánh. Những chiếc bánh nhỏ xinh đầu tiên của Jeremy mang cho bạn bè và hàng xóm thưởng thức nhận được những phản hồi tích cực.
Giao bánh ở quán cà-phê, ở hội chợ cho người nước ngoài, làm clip giải trí hài hước trên trang cá nhân..., kiểu tiếp thị nhiều năng lượng của anh chàng to béo Jeremy thu hút người mua. Cứ thế từ “tay ngang”, từ gian bếp không tên, nay Jeremy’s Kitchen chễm chệ ra mặt đường lớn Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà) với hơn 30 nhân viên. “Mỗi vùng đất là một vùng ẩm thực. Tiệm bánh của mình không đặt nặng về trang trí. Bánh trước tiên phải ngon, phải gợi nhớ quê nhà”, anh nói.

Đến vì thương

Khác với Jeremy mang tâm thế và hành trang của người trẻ lập nghiệp, có một người Mỹ khác lặng lẽ mang cả tấm lòng và tri thức đến với những người nghèo Đà Nẵng. Đó là Virginia Mary Lockett, chuyên gia vật lý trị liệu đang làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

Chuyên gia vật lý trị liệu Virginia Mary Lockett lặng lẽ với công việc mà bà chọn tại Đà Nẵng.  Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Chuyên gia vật lý trị liệu Virginia Mary Lockett lặng lẽ với công việc mà bà chọn tại Đà Nẵng. Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Căn nhà trong kiệt đường Hồ Xuân Hương của vợ chồng Virginia dường như chẳng có gì thay đổi so với ngày đầu đến đây hơn 10 năm trước. Chỉ khác là xung quanh, những cồn cát ngày nào lại thay đổi đến chóng mặt với sự xuất hiện của những khu phố Tây sầm uất, náo nhiệt. Nhưng đối với đôi vợ chồng thất thập cổ lai hy, cuộc sống vẫn trôi qua nhẹ nhàng trong chuỗi ngày đầy ý nghĩa…

Virginia cùng chồng - ông David, đến Việt Nam lần đầu vào cuối thế kỷ trước để nhận con nuôi. Vợ chồng bà đến thăm nhà người phiên dịch có cha bị tai nạn giao thông gãy xương đùi lúc 50 tuổi, nhưng do trình độ y tế ở nước ta khi đó còn hạn chế nên không phẫu thuật kịp thời, dẫn đến chân tay bất động. Thương cảm với tiếng khóc day dứt của người phiên dịch bất lực nhìn cha chết dần chết mòn vì thiếu thốn trang thiết bị y tế, thiếu những chuyên gia có nghề, vợ chồng bà đăng ký tham gia Tổ chức Tình nguyện y tế hải ngoại (HVO) tại Việt Nam.

 

Hè năm 2006, Virginia và David quyết định bán căn nhà bên bờ biển ở thành phố Virginia Beach (tiểu bang Virginia) để vượt nửa vòng trái đất tới Việt Nam với tấm visa du lịch. Trước khi quyết định bán nhà, Virginia viết thư cho Đại sứ Việt Nam hỏi mình có thể hành nghề y dài lâu tại Việt Nam không. Đại sứ khuyên bà nên làm việc với một tổ chức phi chính phủ. Và tổ chức Steady Footsteps mà bà cùng chồng sáng lập với mục tiêu cải thiện cuộc sống cho người tàn tật ở Việt Nam ra đời từ đó. Mua mũ bảo hiểm tặng bệnh nhân, hỗ trợ trang thiết bị tập luyện, hỗ trợ viện phí chữa trị..., chỉ cần bệnh nhân thấy tiến triển thì bà có thể giúp họ vô điều kiện. Với Virginia, những gì bà làm ở Việt Nam chính là mơ ước lúc còn ngồi ở giảng đường y khoa. Đó là điều trị hết lòng cho bệnh nhân; đó là điều trị một cách vô tư mà không cần chờ những cái gật đầu từ phía bảo hiểm; đó là được đồng hành với người thân của bệnh nhân để chăm lo cho người bệnh chứ không phải chỉ dựa hoàn toàn vào bệnh viện.

“Lúc sang Việt Nam, nhiều người nói với tôi rằng họ bán nhà cửa để tìm cơ hội định cư ở Mỹ, còn tôi làm điều ngược lại. Với tôi, bây giờ Việt Nam là quê hương, những nhân viên mà tôi hướng dẫn là người thân trong gia đình, còn bệnh nhân là những người bạn”, bà Virginia nói. Cứ thế gần 15 năm đằng đẵng lấy tiền túi làm từ thiện, bà không nhớ hết có bao nhiêu khuôn mặt bệnh nhân đã nở nụ cười trở lại, chỉ nhớ mình và chồng chưa một lần quay lại bên kia bán cầu, chỉ nhớ lịch từ thứ hai tới thứ sáu với bệnh nhân chưa một lần bị hoãn.

TRƯỜNG TRUNG


 

;
;
.
.
.
.
.