Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Mái ấm

07:50, 25/01/2020 (GMT+7)

1. Tết ni về không?

- Về chứ! Không thì ông bà già khóc miết, nhà đâu còn mấy ai…

Hai câu thoại tôi nghe được khi ngồi ăn hủ tiếu trên vỉa hè ngã ba gần ga Sài Gòn vào một khuya cuối tháng 11 se lạnh. “Tết ni” là Tết Canh Tý 2020; “ông bà già” là cha, là mẹ. Hai người nói giọng Quảng Ngãi vừa nấu hủ tiếu cho khách vừa hỏi nhau, cơ hồ họ cũng hỏi cả tôi nữa! “Nhà đâu còn mấy ai…”, nói vậy rồi bỏ lửng, như thể luôn dành sẵn một tình cảm đau đáu cho nơi chôn nhau cắt rốn, chỉ cần tới ngày là trở về. Chốc lát, đoàn tàu kéo còi, rời ga rồi lao vút đi. Mỗi lần như thế, họ nhìn theo, con tàu xuôi về hướng ấy: Quê mình.

Những người xa xứ mưu sinh, thường thì đến Tết khó khăn mấy cũng về quê. Trừ những người đã chôn chân ở Sài Gòn, số người quê miền Trung vào đây mà tôi biết, hiếm ai ở lại. “Tết quê mới vui”, lẽ thường là thế, dù không hẳn ai và lúc nào ở quê cũng vui, lắm người chỉ biết ngủ vùi suốt ngày hoặc chỉ quẩn quanh đi ra đi vào chờ tới ngày “hành phương Nam” trở lại nhưng vẫn hơn là ăn Tết tha hương. Ai đã từng ôm mặt khóc rưng rức trong đêm giao thừa mới cảm thấu nỗi buồn cô lữ, chỉ còn biết mắc hai đầu võng lên nỗi nhớ mà nằm thao thức về cố hương.

Tôi đã đôi lần trải qua cảm xúc đó. Lạ, ở Sài Gòn cũng có nhà vậy, cũng bày biện đồ ngon thức lạ, cũng trang hoàng hoa kiểng chẳng thiếu thứ gì, cũng ba ngày Tết bảy ngày Xuân, mà sao lòng vẫn thấy chênh chao. Nhà nào cũng là nhà, tưởng vậy hóa ra không phải thế. Đó không chỉ là chỗ ở mà phải là nơi ta gắn bó từ thuở còn lẫm chẫm bước chân non theo mẹ ra vườn; thân thuộc suốt cả thời thơ ấu cho tới bây giờ với từng viên gạch ở góc sân, giếng nước; nhớ từng li từng chút mùa nào khóm mít trước nhà chín tỏa mùi thơm nức nở cả trời chiều; tháng nào cành xoan ướt đẫm sương đêm đợi đến sớm mai là sà xuống bên cửa sổ những chùm hoa tím báo tin đông về; thời khắc nào ngân lên tiếng chuông chùa ngưng đọng cả một khúc sông quê thanh vắng; và không thể nào quên những vụ gặt ngái mùi rơm rạ, sân nhà lúa vàng ươm, dưới cái nắng chói chang là bóng cha cần lao thầm lặng trở về sau một ngày đồng áng, giắt tấm áo ướt đẫm mồ hôi phơi lên bụi tre xanh óng ả sau hè. Cái mùi mồ hôi lao nhọc đó nuôi ta lớn lên, theo ta suốt cả cuộc đời, không thể nào quên được.

Tất cả những vọng tưởng ấy chính là một giá trị sống khắng khít với cuộc đời mỗi con người. Đấy mới thật sự là “nhà” mà mỗi khi đi xa nó luôn giục giã ta trở về; mỗi khi thiếu nó, ta luôn cảm thấy hoài nhớ như chẳng thể nào chịu nổi. “Nhà” gắn bó trong mỗi người như sắt son một lòng chung thủy. Ai chưa tin, Tết này hãy thử xa nhà một lần, sẽ thấm.

2. Những năm 1990, người xem truyền hình cả nước phát sốt với bộ phim hài tình cảm Ở nhà một mình (Home Alone). Chuyện phim kể về cậu bé Kevin McCallister (8 tuổi) vì cãi nhau với anh trai nên bị ba mẹ mắng, đâm ra hận cả nhà. Cậu ước gì gia đình “đáng ghét” nhà McCallister này biến mất cho rảnh mắt. Và điều ấy xảy đến, lần đó cả nhà vội ra sân bay để sang Paris nghỉ Giáng sinh, quên béng Kevin.

Kevin thức dậy, thấy chỉ còn một mình ở nhà nên sung sướng lắm. Nhưng cậu ta gặp rắc rối với hai tên trộm. Kevin nghe lén được dự định đột nhập của chúng, liền giăng bẫy khắp nhà để phục kích. Nhờ trí thông minh và sự giúp đỡ của ông hàng xóm Marley tốt bụng, Kevin hạ được bọn trộm, kêu cảnh sát tới bắt chúng. Bà Kate - mẹ Kevin - khi phát hiện bỏ quên con trai đã không bay đi Pháp mà quay về nhà ngay. Hôm sau, cả nhà McCallister cũng đoàn tụ bên đứa con trai bé bỏng.

Khoảng lặng của bộ phim là đoạn trò chuyện giữa Kevin với ông Marley lúc cả nhà cậu ta đi vắng. Cả hai cùng tâm sự về gia đình và Kevin bỗng cảm thấy nhớ người thân da diết. Cậu thầm ước ba mẹ và anh trai trở về lúc này.

Phim chỉ có vậy nhưng đến năm 2012 thì phát triển tới series thứ 5. Nhưng thông điệp xuyên suốt của loạt phim thì chỉ có một, dù hài nhưng rất nghiêm túc, là giá trị của gia đình. Tựa phim là Ở nhà một mình song ngầm nhắc nhở: Không nên… ở nhà một mình! Đã là gia đình thì phải hòa thuận, sum vầy, cùng có nhau, nhờ đó sẽ tránh được mọi bất trắc.

Không gian phim ở trời Tây nhưng không xa lạ Việt Nam, thời gian kể chuyện của gần 10 hay 30 năm trước mà như mới xảy ra hôm qua. Là bởi vì nó xoay quanh một trục chính - là giá trị bất biến: Mái ấm.
Ai mà chẳng cần một mái ấm. Tôi có hai người quen, một đang ở Đức - là bạn thuở nhỏ, một đang ở Mỹ - là người đồng hương. Anh bạn đang ở Đức xưa kia sang đấy bằng con đường xuất khẩu lao động, làm đủ thứ nghề, kể cả chạy xe thuê. Không nhà, anh ngủ đêm trên xe, cả năm trời như thế, lắm lúc nản và thở than: Hỡi ôi, trời đất vô cùng rộng/ Nào biết tìm đâu một mái nhà (Nguyễn Bính). Chiếc ô-tô xoàng - với anh - là nhà. Còn người ở Mỹ, vừa qua San Jose đã mượn tiền mua nhà, bằng mọi giá phải có chỗ ngụ cư trước đã rồi “cày” trả nợ sau, “sống cái nhà, thác cái mồ” mà!

Cả hai người bây giờ đều đã khấm khá. Câu đầu tiên anh bạn ở Đức khoe với tôi: “Mình có nhà rồi!”; còn anh bạn ở Mỹ thì phấn khởi: “Mình xong nhà kia (trả nợ hết - NV) thì có thêm “nhà” này”.

“Nhà này” là bà xã của anh. Là người xứ Bắc, anh giới thiệu về vợ một cách trìu mến: “Đây,  nhà tôi!”.
Rõ là, “nhà” nào cũng quan trọng và đáng quý. Không quý thì sao mãi tìm kiếm, theo đuổi và giữ gìn!

3. Phòng làm việc của anh chàng nọ bị “cậu tí” đột nhập, trú lại và cắn phá. Anh lên mạng tìm hiểu cách đuổi chuột. Một người bày: YouTube có clip thâu âm tiếng mèo kêu, mở lên và bật loa thật to, chuột sẽ bỏ chạy.

Anh làm theo nhưng không ăn thua. Lại lên mạng, người khác xúi: Mở clip có tiếng gà gáy, bật loa thật to, ắt chuột sợ mà phóng ra ngoài. Ờ, cũng có lý, xem chương trình “Thế giới động vật” thấy gà hay đuổi mổ chuột, mấy “cậu tí” chạy trối chết. Đời sống thường thức thời 4.0 quả là phong phú, lên mạng gõ vài phát là thứ gì cũng có! Nhưng rồi cũng không được. Chuột vẫn trốn kỹ, thậm chí oanh tạc dữ hơn. Mà chuột sợ tiếng gà gáy không nhỉ? Hồi nhỏ, đọc thơ ngụ ngôn La Fontaine, trong bài Gà trống con, mèo và chuột con (Le cochet, le chat et le souriceau), thấy ổng tả con gà trống con hiền khô mà…
Anh gọi điện về quê hỏi kinh nghiệm từ mẹ. Mẹ cười hiền: “Tiếng gà thiệt thì chuột mới sợ con ơi, tiếng gà thâu âm nó đâu có sợ…”.

Anh giật mình, “tiếng gà thiệt” - tìm đâu ra giữa phố thị xênh xang này? Thế rồi bữa nọ, anh hẹn giờ dậy thật sớm để ra sân bay đi công tác. Giữa canh khuya tịch mịch bỗng vọng lên một tiếng gà. Tiếng gà…, không phải, sao nghe ra “òe óe oe…” chứ chẳng giống “ò ó o” như tiếng gà báo thức thương thuộc quê mình; và cuối tràng gáy lại kéo dài bằng một chuỗi thanh âm khục khục, nghe như ẩn ức, nghe như muốn khóc. Phải rồi, tiếng gáy ấy của chú gà rừng từ quán nhậu đầu hẻm vọng vào. Tiếng gáy mỏi mong một sự giải thoát. Nào phải tiếng gà quê!

Cuối năm ấy, dẫu ở xa cả ngàn cây số và công việc bộn bề, anh vẫn cùng vợ con khăn gói về nhà ăn Tết. Về còn để nghe một tiếng gà vẳng lên từ ụ rơm sau chái bếp. Cũng từ phía đó, nồi bánh chưng của mẹ đã nghi ngút mùi Xuân.

DƯƠNG QUANG

 

.