Những mùa bánh Tết

.

1. Từ rằm tháng chạp, những gian bếp trong xóm tôi đã sực nức mùi Tết. Những ngày đó, bọn con nít chúng tôi không tụ tập ném lon, đá cầu hay chia nhóm chơi u, nhảy dây nữa mà xúm vào bếp, chờ người lớn sai làm cái này cái kia. Tôi hay ngồi chờ được mẹ cho nếm những món mứt vừa rim trên bếp nóng, nhón cái bánh in vừa hong trên bếp than hồng cắn giòn rôm rốp trong miệng, rồi cạo miếng xôi ngọt cháy dưới đáy nồi mẹ vừa sên xong mà thấy cái Tết rộn rã đang ùa về từ gian bếp ấm nhà mình.

Tôi nhớ bếp nhà bác dâu tôi hay làm bánh tổ, bánh nổ để bán dịp Tết nên đỏ lửa từ giữa tháng chạp. Để làm bánh nổ, bác tôi chọn mua nếp hạt từ mùa gặt tháng tám, giê sạch, phơi khô, cất trên gác chờ mùa bánh Tết. Khi những cơn gió bấc cuối đông thưa dần, cây mai trước nhà thờ họ của tôi chỉ sau một đêm trời ấm đã trổ những nụ hoa e ấp báo hiệu mùa xuân cận kề, thì bác tôi bắt tay vào mùa bánh Tết. Bao thóc nếp được bác tôi cơi ra, rồi đem rang từng mẻ trong chiếc chảo đồng lớn. Nếp rang trên chảo nóng nổ lụp bụp thành những bông nếp trắng ngà vừa thơm, vừa rất đẹp mắt.

Nếp rang chín được sàng cho hết vỏ trấu rồi cho vào cối đá giã mịn, sau đó mới thắng đường bát với gừng giã thiệt nhuyễn, rồi trộn đều nổ với nước đường và nén bánh trong khuôn gỗ. Gỡ khuôn bánh ra, miếng bánh dẻo thơm có màu nâu sẫm ấy được lăn qua một lớp áo bằng nổ đã giã nát, cho bánh không dính vào nhau. Những miếng bánh nổ thơm nức mùi đường, mùi gừng được bác xếp vào mấy thùng giấy carton để sẵn, và chờ đưa ra chợ bán từ 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời. Để có những khuôn bánh nổ vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng ấy, bác tôi đã phải thức khuya dậy sớm rang nổ từ lúc gà gáy canh ba, để kịp hửng sáng là có nổ cho thợ đến giã làm bánh.

Mùi nếp rang nổ có một hương vị đặc biệt, nó làm cho bọn con nít ngày thường ngỗ nghịch như chúng tôi trở nên ngoan hẳn. Trời tháng chạp lạnh ngắt, đứa nào đứa nấy co ro trong cái áo len, áo khoác cũ mặc bính của anh chị đã ngắn cũn cỡn, xúm xít quanh cái lò rang nổ còn ấm than hồng để nhặt những hạt nếp rang còn búp mà người lớn thải ra sau khi lấy những hạt nổ to để giã làm bánh. Mớ hạt búp còn nóng hổi ấy được những bàn tay nhỏ xíu của chúng tôi lựa rồi cho vào túi áo ấm mang lên lớp học. Những hạt nếp rang thơm nức chuyền tay nhau trong bàn học, trong tiếng trò chuyện lao xao của đám học trò náo nức chờ Tết.

2. Xong phần bánh nổ, bác tôi quay ra làm bánh tổ thì cái Tết đã kề cận. Cái bếp hấp bánh tổ nhà bác tôi được đắp bằng đất sét, với cái thùng hấp bánh to đùng đỏ lửa suốt từ ngày hăm ba đến tối ba mươi tháng chạp, để kịp có bánh cho bạn hàng bán ở chợ Tết. Những thúng bột nếp mịn màng, trắng phau được trộn đều với nước đường đã nấu chín với gừng rồi để nguội thành một hỗn hợp sánh đặc có màu vàng ngà.

Những tàu lá chuối sứ xanh mướt cắt từ ngoài vườn vào được bác tôi cho người lau thiệt sạch rồi rọc thành từng miếng to bằng hai bàn tay, sau đó xếp ba lớp lá vào với nhau rồi lấy tăm tre ghim hai đầu mối lá vào thành những chiếc đài bánh khum khum có hình tổ chim. Cái tổ lá chuối ấy được lót vào trong những chiếc rọ tre mà bác tôi vừa lấy trên giàn bếp từ mùa bánh năm ngoái xuống, rửa sạch để ráo cho mùa bánh mới. Xong đâu đấy, bác tôi múc từng vá bột cho vào đài bánh - có lẽ tên bánh tổ là từ những chiếc tổ chim bằng lá này đây. Sau khi múc hết lượt bột cho vào đài bánh, bác tôi xếp lần lượt các tổ bánh vào thùng hấp trên bếp, mỗi lượt là mười tổ rồi lót tấm xửng tre, xong tiếp lượt khác đến khi thùng đầy ắp bánh thì bác đậy kín nắp và nhen lửa chuẩn bị hấp bánh.

Lò đỏ lửa chừng một giờ là bánh chín. Những ổ bánh tổ nóng hổi đem ra từ lò hấp có màu vàng sậm tỏa mùi thơm ngào ngạt. Mớ mè rang chín để sẵn bên cạnh được bác tôi rắc đều lên ổ bánh rồi đưa lên nhà trên, đặt trên những chiếc nong to cho nguội để giao cho bạn hàng. Bọn con nít chúng tôi được chia mớ xửng tre với mấy rẻo bánh bị trào, dẻo quánh, ngọt lịm.

Thực ra chúng tôi ăn bánh tổ rẻo vừa hấp trong lò ra vì thèm, vì háo hức, vì thấy không khí rộn ràng lo Tết của người lớn. Chứ bánh tổ muốn ăn ngon thì phải chờ đến sau mồng ba Tết cúng đưa ông bà xong, có thời gian rảnh không bận bịu khách khứa, cúng quảy…, mẹ mới chậm rãi lột mấy miếng lá chuối lót ổ bánh, rồi cắt ổ bánh thành từng lát mỏng đem chiên, kẹp với miếng bánh tráng nướng rồi ăn thì mới thấy trọn cái ngon của món bánh tổ ngày Tết.

3. Khi bếp nhà bác tôi bắt đầu chộn rộn khách hàng đến lấy bánh đưa ra chợ bán Tết, bếp nhà tôi cũng đỏ lửa với những món bánh của mẹ. Những món bánh lăn, bánh in bột nếp mà tôi được ăn qua bao mùa Tết, tôi tưởng chừng như không có ai có thể làm bánh ngon như bánh mẹ làm. Mùa gặt ở quê ngoại xong, mẹ cắc củm phơi phóng, sàng sảy rồi cất mớ nếp trồng riêng để dành cho mùa bánh Tết. Mớ nếp ấy được giã sạch trấu, nấu nồi xôi, chè cúng rằm tháng Chạp xong, mẹ đem rang rồi giã mịn để làm bánh. Nhìn cái cách mẹ rang mẻ đậu phụng, rồi nấu nước đường để làm bánh lăn; ngào nồi nhưn để làm bánh in, tôi như thấy bao nhiêu tâm trí mẹ dồn hết cho cái Tết đủ đầy của gia đình mình.

Mẹ trộn bột nếp xay mịn và mớ đậu phụng rang chín, bóc sạch vỏ vào nồi nước đường và đánh đều tay cho cả ba thứ quyện vào nhau dẻo quánh. Trên cái mâm đồng, mẹ trải một lớp bột và múc một phần bột đã trộn dẻo ấy cho vào lăn. Những khúc bánh dần hiện ra hình hài dưới bàn tay khéo léo của mẹ. Khúc nào khúc nấy tròn trịa và đều tăm tắp, sau khi lăn một lớp bột áo được mẹ xếp vào thúng treo lên giàn bếp tránh lũ chuột cắn trộm.

Phần bột bánh còn lại, mẹ cạo đường bát rồi nhào cho nhuyễn. Mẹ sai tôi lấy mấy cái khuôn đồng làm bánh in cất trong tủ đem ra rửa sạch, lau cho khô. Mẹ chỉ tôi cách véo một cục bột đã nhào vào khuôn, múc một muỗng nhỏ nhân bánh đã ngào cho vào giữa rồi thêm lớp bột và nén chặt. In ra cái bánh nào, mẹ đặt lên cái nia phía dưới là nồi than đã quạt hồng để sấy. Khi cái bánh in giòn tan, mẹ mới sắp vào cái thùng thiếc nhỏ lót giấy trắng rồi đem cất vào tủ. Những khúc bánh lăn, phần bánh in của mẹ làm, phần đem về quê thắp hương ông bà ngoại, phần cúng ông bà nội, rồi chia cho các anh chị tôi mỗi người một ít, ai cũng có phần bánh Tết của mẹ.

Những mùa bánh Tết qua mau. Chúng tôi cũng dần lớn lên và mỗi người đi mỗi ngả. Nhưng cứ mỗi khi gió bấc trở mùa, người người xôn xao sắm Tết, tôi lại nhớ da diết đám bạn cùng lứa đã cùng tôi chia nhau nắm bỏng nếp làm bánh nổ; nhớ căn bếp rộn tiếng người suốt cả mùa bánh Tết của bác tôi những ngày còn thơ ấu. Nhớ khúc bánh lăn, mớ bánh in mẹ làm, ăn hết cả tháng Giêng vẫn còn ngon như mới hôm qua, hôm kia.

KIM EM

 

;
;
.
.
.
.
.