Nơi ước mơ khởi đầu

.

Theo đuổi những công việc khác nhau nhưng trên tất cả, những bạn trẻ này đều đang nuôi dưỡng những ước mơ khởi đầu tốt đẹp cho bản thân và cho thành phố mình đang sống.

Chàng thủ khoa và ước mơ phát triển trí tuệ nhân tạo

 

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trịnh Hoài Nam (SN 1993, nghiên cứu sinh tại Đại học Dublin, thành phố Dublin, Cộng hòa Ireland) đã gặt hái nhiều thành tích trong học tập. Trong đó, có thể kể đến giải nhất toàn quốc cuộc thi Go Green in the city 2015 với đề tài Xây dựng hệ thống xanh trong thành phố; giải thuyết trình tốt nhất cuộc thi Texas Instrument 2015; học bổng Sunflower Mission dành cho sinh viên kỹ thuật 3 năm liên tiếp; tốt nghiệp thủ khoa khoa Điện tử viễn thông - Chương trình tiên tiến tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng với điểm số xuất sắc 3.84/4.00.

Ngoài ra, Nam còn là thành viên năng nổ trong phong trào chống biến đổi khí hậu 350.org và có cơ hội giao lưu khoa học công nghệ tại Tokyo và Kobe, Nhật Bản vào tháng 1-2015. Sau đó, cậu sinh viên ưu tú của Trường Đại học Bách khoa vinh dự được làm việc tại công ty thiết kế bán dẫn nổi tiếng eSilicon trong vòng 2 năm, trước khi nhận được học bổng toàn phần cho nghiên cứu sinh tại Đại học Dublin vào tháng 1-2019.

“Tôi đang theo học chuyên ngành khoa học máy tính. Nghiên cứu chính của tôi thuộc lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành y tế. Tôi rất thích công việc hiện tại vì có cơ hội được công tác ở nhiều quốc gia khác trong khối liên minh châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp, Áo; quan trọng hơn cả là tôi cảm thấy những nghiên cứu của mình đã và đang giúp đỡ được nhiều bệnh nhân mắc Parkinson và ung thư. Từ những hoạt động và thành tích từ thời sinh viên, bài học lớn nhất tôi nhận ra đó là không ngừng phát triển, trau dồi kiến thức để vươn tới những giới hạn mới của bản thân; bởi ngoài kia, vẫn còn nhiều người xuất sắc hơn mình rất nhiều.

Tôi thấy Đà Nẵng đang chú trọng phát triển ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nếu có cơ hội, tôi mong muốn được quay về và giúp đỡ thành phố trong việc xây dựng những chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo cho sinh viên, và xa hơn nữa là các chương trình có thể giúp nâng cao nhận thức của người dân về công nghệ trí tuệ nhân tạo”, Trịnh Hoài Nam cho biết.

Mong người trẻ Đà Nẵng luôn năng động

 

Gặp Lê Thị Lưu Diễm (SN 1996, trợ lý Ban Giám đốc Công ty FPT Software Đà Nẵng), ai cũng ấn tượng với khả năng nói tiếng Anh lưu loát cùng sự hoạt ngôn, nhanh nhẹn, giàu năng lượng trong công việc cũng như trong các hoạt động xã hội của Diễm. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Diễm đã gặt hái một số thành tích nổi bật như các giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, thành viên của nhóm đoạt giải nhất cuộc thi “Sinh viên Đại học Đà Nẵng với APEC 2017”. Ngoài ra, Diễm còn là hạt nhân trong các phong trào văn nghệ, năng khiếu ở nhà trường.

Đằng sau những giờ học là một Lưu Diễm xông xáo trong các hoạt động xã hội. Diễm từng tham gia làm tình nguyện viên cho các sự kiện lớn của thành phố như: Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG5), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017), IRONMAN; từng làm điều phối truyền thông cho chiến dịch Let’s Do It! Vietnam - chiến dịch thu hút người dân và du khách tham gia dọn sạch rác ở nhiều địa phương trên cả nước; đồng sáng lập chương trình “Hành trình rác” hướng đến việc giáo dục cho học sinh về bảo vệ môi trường và tái chế; điều phối truyền thông Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh thành phố Đà Nẵng (ROBODNIC)…

Tốt nghiệp ngành cử nhân Báo chí tại Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng, bên cạnh công việc trợ lý Ban Giám đốc Công ty FPT Software Đà Nẵng, Lưu Diễm đang là cố vấn nội dung thời trang và hỗ trợ ý tưởng thiết kế cho TOBI Streetwear – thương hiệu nội địa về thời trang đường phố đầu tiên tại Đà Nẵng. “Tôi không dám nói rằng mình có thể đóng góp được gì cho thành phố trong tương lai, nhưng tôi hy vọng, bản thân có thể là một trong những người trẻ luôn tràn đầy năng lượng, để góp một phần đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng luôn trẻ trung và năng động”, Diễm nhấn mạnh.

Góp một việc làm đẹp cho thành phố

 

“Khi ai đó hỏi tôi rằng: Nơi bạn sống có những gì? Tôi sẽ nói rằng: nơi tôi sống có SOS Đà Nẵng”. Đó là nguyên văn câu nói của một bạn trẻ ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, từng được nhóm SOS Đà Nẵng hỗ trợ khi bị sự cố giữa đêm khuya.

Có lẽ với nhiều người đang sinh sống và làm việc tại thành phố, cái tên SOS Đà Nẵng không còn mấy xa lạ. Bởi lẽ, những hoạt động của nhóm SOS Đà Nẵng đã và đang dần trở thành một hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. Nhắc đến SOS Đà Nẵng, không thể không nói đến trưởng nhóm Đặng Ngọc Tiến (SN 1996, trú quận Cẩm Lệ).

Bản thân Tiến sớm bỏ dở con đường học tập. Tuổi trẻ của Tiến là những ngày tháng theo bạn bè chơi bời. Nhưng rồi một ngày Tiến thức tỉnh, tự vấn và quyết tâm làm lại cuộc đời bằng những việc có ích cho xã hội. Với suy nghĩ ấy, Tiến và những người bạn “một thời lêu lổng” cùng thành lập SOS Đà Nẵng với mục tiêu giúp đỡ mọi người, nhất là những người lao động nghèo. Với hoạt động chính là cứu hộ những trường hợp hỏng xe trong đêm, từ ngày thành lập đến nay, Tiến và các thành viên nhóm SOS Đà Nẵng đã giúp đỡ hàng trăm người gặp nạn. Hành động đẹp của Tiến và cả nhóm nhận được nhiều lời khen ngợi từ người dân và du khách từng được giúp đỡ. “Chúng tôi rất hạnh phúc vì được mọi người xem chúng tôi là một phần của thành phố”, Tiến nói.

Với Tiến, mỗi ngày trôi qua, giúp được thêm nhiều người là mỗi ngày hạnh phúc. Chính điều ấy đã thôi thúc Tiến và cả nhóm tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn trong công việc “không lương” này. “Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Tôi tự hào mình là một công dân của thành phố đáng sống. Tuy không thể làm những điều to lớn để xây dựng thành phố, nhưng tôi tin chắc, mình có thể duy trì và làm tốt hoạt động của nhóm SOS Đà Nẵng để góp một phần công sức bé nhỏ xây dựng hình ảnh thành phố ngày càng đáng sống hơn trong mắt mọi người”, Tiến chia sẻ.

XUÂN SƠN - LAM PHƯƠNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.